Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thức ăn chăn nuôi, diêm, phân bón tăng, người dân thêm mệt mỏi

Diệp Chi

(VNTB) – Chưa hồi phục được sau thời gian dài dịch bệnh, lại chịu thêm tác động từ cuộc chiến Nga – Ukraine, nông dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi lại… càng thêm khó.

 

Mặc dù có sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, song, thời gian vừa qua, không ít nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải lao đao do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Thức ăn, phân bón tăng, giảm đàn

Bán đi một lứa heo, tổng đàn heo của bà Nguyễn Thị Hiền, ngụ tại Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã giảm đi rất nhiều, tuy nhiên, theo bà Hiền, không có ý định tăng đàn, bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng, công sức bỏ ra không đủ để “lấy công làm lời”.

“Giờ đó là thôi dẹp bớt đi, chừa lại một con thôi. Rồi nuôi rồi nó đẻ cầm chừng thí dụ mình thấy tình hình nó khởi sắc hơn chút đó thì mình mới nuôi nữa. Chứ còn kiểu này mà nuôi kiểu đó không nổi. Mình già mình tính kiếm thêm được vài ngàn mình xài nhưng mà nó rất là cực. Nó đủ vốn cho tiền vựa cám, thôi mình làm chi cho cực”.

Giá cả thức ăn tăng, nhưng giá heo xuất chuồng lại không tăng, dẫn đến việc dù không muốn, nhưng người nông dân cũng đành ngậm ngùi lựa chọn phương án giảm đàn, đợi ngày ổn định trở lại mới tiếp tục. “Heo mới bán ra đây nhiêu, năm mươi mốt thì làm sao mà có lời? Nó phải từ năm mươi tư, là nó đủ vốn đó, cái giá năm mươi tư đó, năm triệu tư một tạ là mới đủ vốn thôi”, ông Đỗ Văn Cư, ở Bến Cát buồn bã.

Dù không chăn nuôi như bà Hiền với bà Nguyễn Thị Út, sinh sống tại thành phố Thủ Dầu Một, thì giá cả phân bón, diêm cũng chung hoàn cảnh như thức ăn chăn nuôi: “Lân lúc trước 6.000 thì nay lên 7.000. Phân Ure thì 10.000 lên 15.000. Phân DAP thì 16.000-17.000 tăng lên 30.000. Giá cả rau thì không thay đổi. Giờ mà dẹp thì cũng buồn, bởi xưa giờ mình trồng trọt không à. Kiếm nhiều hay kiếm ít gì mình cũng mừng, tại vì mình nông dân mà, kiếm được bao nhiêu, mừng bao nhiêu”.

Tận dụng nguyên liệu “cây nhà lá vườn”

Trước tình hình giá cả tăng cao, một số nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương bên cạnh việc giảm đàn, đã ít nhiều thay đổi trong lựa chọn thức ăn cho gia súc, gia cầm.

“Biết là ăn thức ăn nó mau lớn nhưng giá cao quá. Thức ăn mắc, nên mình phải tận dụng những thức ăn xung quanh mình để kềm kéo thời gian ra đặng mình chờ đợi giá. Thí dụ như mình, đi bứt tàu môn về nấu chung với gạo, cái loại gạo nào rẻ”, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Đồng giải pháp như bà Hiền, với người nuôi gà như ông Sơn tại thành phố Thủ Dầu Một, chia sẻ kinh nghiệm: “Giá lên, mình ra vườn, chặt thêm chuối rồi bằm ra, trộn thêm chung với cơm thừa được bà con, người quen cho, rồi cho gà ăn. Công sức bỏ ra nhiều hơn nhưng đỡ chi phí thức ăn hơn”.

Giá thực phẩm cho nuôi cá cũng tăng

Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam hôm 5-4 thông báo tăng 400 đồng một ký lô với các sản phẩm chăn nuôi cá.

Trước đó vào trung tuần tháng 3-2022, CP Việt Nam cũng đã điều chỉnh tăng 400 đồng một ký lô với thức ăn cho heo con, tập ăn; tăng 300 đồng một ký lô với thức ăn hỗn hợp cho heo, gà, vịt, chim cút, gia súc…

Nhiều doanh nghiệp lớn khác như CJ Vina Agri, Greenfeed cũng đã thông báo tăng giá bán thức ăn chăn nuôi từ 1/4. công ty TNHH CJ Vina Agri điều chỉnh tăng 400 đồng một kg với tất cả thức ăn đậm đặc, thức ăn heo con, bò. Ngoài ra, công ty tăng 300 đồng một kg với thức ăn cho heo nái, thịt; gà thịt, đẻ; vịt thịt; dê…

Tương tự, Greenfeed Việt Nam cũng thông báo đến hệ thống đại lý tăng thêm 300-400 đồng cho các sản phẩm (tùy loại). Riêng Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Trung tăng tới 500 đồng một kg cho một số sản phẩm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Câu chuyện học thức

Phan Thanh Hung

VNTB – Liệu Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sử xưa không đáng học, đáng nhớ?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo