Hoài Nguyễn
(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đảng viên và người thân của họ phải biết xấu hổ chuyện lợi dụng chức quyền để tham nhũng.
Trên trang Việt Nam Thời Báo số phát hành ngày 20-6-2023 có ít nhất hai bài viết cùng chủ đề về lời kêu gọi “đạo đức cộng sản” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cả hai bài viết đều không thấy nêu giải pháp cụ thể được người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam đưa ra. Lưu ý, trước khi được tín nhiệm giữ cương vị Tổng bí thư thì ông Nguyễn Phú Trọng từng có thời gian dài là Chủ tịch Quốc hội (26 tháng 6 năm 2006 – 23 tháng 7 năm 2011), nghĩa là ông hiểu rõ phận sự lập pháp của Quốc hội.
Trong bài diễn văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, có đoạn kêu gọi:
“Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Trước hết, phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu” (dừng trích).
Từ giác độ pháp luật hình sự, xem ra để “luật hóa” lời huấn thị “biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực”, cần thiết ở đây việc tu chỉnh nội dung của điều luật hình sự ở điều 19 về tội không tố giác tội phạm.
Theo điều luật hình sự số 19, khoản 2 thì “Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này, hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Trong khi đó thì phần “các tội tham nhũng” được quy định tại Mục 1 của Chương XXIII Bộ luật hình sự, từ điều 353 đến điều 359 thì lại không thuộc nội dung điều chỉnh của điều luật hình sự số 19.
Cá nhân người viết cho rằng một khi có quy định mang tính bắt buộc cho tố giác tham nhũng ở người thân của người phạm tội, thì khi ấy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều cho bất kỳ lời kêu gọi về “đạo đức cộng sản” nào; xin nhấn mạnh ở đây là “đạo đức cộng sản”.
Với đề xuất trên, thử bàn luận về “Điều 354. Tội nhận hối lộ”.
Các bản án xét xử công khai thời gian qua về tham nhũng cho thấy gần như hối lộ với những va ly chứa tiền đồng Việt Nam lẫn ngoại tệ là phổ biến hơn so các giao dịch ngầm tài khoản ngân hàng. Những lúc đưa “quà cáp” đó, chắc hẵn thân nhân của “bên nhận” lẫn “bên đưa” ít ra cũng gọi là “biết phong phanh”. Khoản 1 của Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”.
Lưu ý là “có dấu hiệu tội phạm” chứ không kết luận mang tính quy chụp cứ “tố giác” là hành vi tội phạm ấy được xác lập.
Giờ thì xin được trở lại với nhấn mạnh liên quan “đạo đức cộng sản”.
Khi đề cập chuyện “tố giác” giữa người thân trong gia đình như đề xuất trên, thường thì đây là yêu cầu bất khả thi, vì người Á đông không chấp nhận việc “người nhà bán đứng nhau”.
Thế nhưng với người cộng sản thì không. Những gì đã diễn ra trong cách mạng cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ năm 1953 đến 1956 cho thấy nhân danh cộng sản, người ta có thể “bán” cả anh em, dòng tộc, thân bằng quyến thuộc chỉ nhằm làm theo đúng với ý Đảng…
1 comment
Phải chi Đảng Cộng sản VN với đảng trưởng hiện tại là Nguyễn Phú Trọng biết thực tâm khuyên đảng viên cần triệt để từ bỏ cái gọi là “Đạo đức Cộng sản” hay “Đạo đức cách mạng” để quay về với tiêu chuẩn bình thường về “Đạo đức con người” và “Đạo đức dân tộc” thì mọi bản chất biến thái tiêu cực của đảng viên csVN may ra có thể ngăn chận phần nào. Nhưng đó không phải là điều mà Đảng csVN và Nguyễn Phú Trọng muốn làm.
Những phát ngôn của Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đảng viên “sống liêm chính, không tham nhũng, không tiêu cực, trọng liêm sỉ, biết xấu hổ, .v.v.” thực chất chỉ xoa dịu sự bất mãn trong nhân dân, chứ không phải để làm thay đổi cái bản chất dối trá – gian manh – bạo lực – cướp đoạt – bất nhân mà chính Đảng csVN dạy cho đảng viên của họ.
Nhân sự lãnh đạo Đảng csVN với kẻ đứng đầu hiện nay là Nguyễn Phú Trọng là thứ ma quỷ đã thành tinh, chúng gian manh – bất nhân cùng cực nhưng cũng rất khéo léo che đậy tinh vi. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào để thu tóm quyền lực và từ đó thu tóm quyền lợi về tay bè nhóm của chúng.
Còn thứ đảng viên cấp thấp thì được ban phát chút quyền – danh – lợi, bị nhồi sọ với những ước mơ hão huyền về chủ nghĩa xã hội, và chỉ là công cụ phục vụ cho cấp trên của họ. Càng bị Đảng csVN nhồi sọ, họ càng u mê, họ càng bạo lực với người dân.
Còn người dân VN? Chẳng lẽ cứ mãi chịu đựng bất công do tà quyền gây ra? Chẳng lẽ cứ mãi chỉ biết nghĩ đến miếng ăn và sự an toàn cá nhân? Khi nào mới dám lên tiếng và tranh đấu cho quyền con người – quyền công dân của mình và của con cháu mình?