Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Người ta có thể chọn xe điện thay xe xăng. Thế nhưng máy cày, máy xới trên đồng ruộng, nông dân phải thay bằng loại xe gì đây?
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. (Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010).
Theo quy định tại Điều 3, Điều 8 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 thì các loại xăng, dầu chịu thuế bảo vệ môi trường và mức thuế suất đối với từng loại như sau: Xăng, trừ etanol: 1.000 – 4.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: 1.000 – 3.000 đồng/lít; Dầu diesel: 500 – 2.000 đồng/lít; Dầu hỏa: 300 – 2.000 đồng/lít; Dầu mazut: 300 – 2.000 đồng/kg; Dầu nhờn: 300 – 2.000 đồng/lít.
Việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu xăng dầu không mang ý nghĩa để người dân giảm sử dụng và môi trường được bảo vệ tốt hơn. Bởi hiện tại người dân chưa, hoặc rất ít có sự lựa chọn thay thế.
Xăng dầu vẫn là mặt hàng thiết yếu liên quan đến tất cả mọi thành phần trong xã hội. Thế nên dù thuế và giá tăng hay giảm người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng.
Có thắc mắc phải chăng toàn bộ thuế bảo vệ môi trường thu được từ xăng dầu, nilon, than… là dùng vào bảo vệ môi trường hay không?
Một đại diện ngành thuế cho biết theo Luật Ngân sách nhà nước, các khoản thu từ thuế, phí… được thu vào ngân sách và sẽ chi theo dự toán được Quốc hội. Điều đó có nghĩa là “không phải thuế bảo vệ môi trường thu được 1 đồng thì sẽ chi 1 đồng”, mà hàng năm, căn cứ vào tình hình ngân sách, Quốc hội sẽ phê duyệt dự toán thu chi ngân sách.
Ngân sách của nhà nước được chia làm ba phần: chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ. Như vậy, phần thu được từ thuế bảo vệ môi trường sẽ nộp vào ngân sách, và từ đó Quốc hội sẽ cân đối và duyệt chi cho ba khoản trên.
Từ cách hiểu đó nên theo Bộ Tài chính, thì thuế bảo vệ môi trường đóng vai trò là một công cụ kinh tế và sắc thuế này đã “góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu các tác động có hại đến môi trường sinh thái, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới”.
Với thực tế đó thì quả là nan đề khi nhìn ở bức tranh chung, nhà nước vẫn cần có nhiều nguồn thu, và nguồn thu từ các loại thuế trực thu lẫn gián thu xăng dầu là một trong số đó. Nếu các nguồn thu giảm thì các hoạt động chi sẽ bị thiếu hụt, và để bù đắp có thể phải đi vay từ các tổ chức bên ngoài. Điều này cũng sẽ là khó khăn về lâu dài trong chuyện nợ công.
Thế nhưng ở chiều ngược lại, xăng dầu là nguồn nhiên liệu phục vụ cho giao thông để duy trì mạch máu của nền kinh tế. Đánh thuế xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải.
Nhưng giao thông không phải là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường lớn nhất chính là công nghiệp chế biến chế tạo, luyện kim,… trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm số lượng lớn. Nếu thật sự muốn bảo vệ môi trường sống nói chung, nên đánh thuế thật mạnh với các đối tượng gây ô nhiễm.
Ngoài ra, đối với ngân sách Nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách. Nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. Bởi giá cả lên thì chi ngân sách tăng, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất đáng ngại, công trình dự án sẽ đội vốn.
Lưu ý, lạm phát tăng không phải do kích cầu mà do chi phí đẩy. Trong “rổ” chi phí đẩy thì chi phí về xăng dầu, lưu thông, vận chuyển chiếm tỷ trọng cao nhất, do vậy phải hỗ trợ kéo những chi phí này xuống.
Việc giảm hoặc xóa thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rõ ràng là ai cũng được hưởng lợi. Khi giảm hoặc xóa các sắc thuế này sẽ kéo giảm chi phí của doanh nghiệp, chi phí logistics, chi phí vận chuyển, hàng hóa cũng sẽ giảm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện giữ giá hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh năm hết, Tết đến và lao động thất nghiệp đang trải đều với số lượng quá lớn trên toàn quốc.