VNTB – Tiên Châu cổ tự mùa Phật đản Phật lịch 2567

VNTB – Tiên Châu cổ tự mùa Phật đản Phật lịch 2567

Hoàng Mai

(VNTB) – Tiên Châu cổ tự, tính đến Phật đản Phật lịch 2567 (dương lịch 2023) này thì đã tròm trèm 273 năm tuổi.

 

Theo truyền thuyết, chùa Tiên Châu được xây dựng vào khoảng năm 1750. Năm ấy, hòa thượng Giác Nguyên (đệ tử thiền sư Liễu Quán, quê ở Thừa Thiên) đến đây thấy khung cảnh u nhã, đã dựng một am nhỏ bằng tre, vách lá thờ Phật Di Đà, giáo chủ cõi Tây phương cực lạc, gọi là Tiên Châu Di Đà tự, thường gọi là am Bãi Tiên.

Với am Bãi Tiên, hòa thượng Giác Nguyên thường tổ chức các sinh hoạt Phật sự, thu hút khá đông tín đồ.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: Vào năm 1801, hòa thượng Giác Nguyên viên tịch, ni sư Diệu Thiện đến chăm nom am Bãi Trước, đồng thời vận động khách thập phương quyên góp tiền xây dựng thành chùa Bãi Tiên.

Năm 1828, giáo thọ Huỳnh Văn Lượng thay ni sư Diệu Thiện trụ trì chùa. Từ năm 1829 đến năm 1858, hòa thượng Tăng Chiếu quản lý chùa. Cho đến khi hòa thượng Tánh Minh (tục danh Hoàng Đức Hội), đời thứ 39 phái Lâm Tế dòng Liễu Quân trụ trì thì chùa được xây dựng lại bằng gỗ với tên gọi là Tiên Châu Di Đà Tự.

Sau khi hòa thượng Tánh Minh viên tịch vào năm 1881, chùa đã trải qua khoảng 15 thế hệ giáo thọ, thủ tự thay nhau quản lý.

Năm 1899 (Kỷ Hợi), các vị sư chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho, Tiền Giang) qua Tiên Châu Di Đà tự hành đạo. Bấy giờ chùa đang xuống cấp nên tín đồ gom góp tiền của trùng tu lại. Từ đó, ngôi cổ tự này được gọi tên là chùa Tiên Châu, còn tên gọi Tiên Châu Di Đà tự đã đi vào dĩ vãng.

Năm Mậu Thân (1968), chùa được xây dựng lại, nhưng vẫn giữ quy mô xây dựng năm 1899, gồm bốn nóc, tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ.

Từ năm 1992, thầy Thích Thành Chiếu trụ trì… Qua mỗi đời các nhà sư trụ trì, chùa Tiên Châu đều được trùng tu, kiến tạo cho đẹp hơn.

Bước vào khuôn viên của chùa Tiên Châu, sẽ bắt gặp một tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi trên đài sen. Phật Bà đang cầm trên tay bình nước cam lộ tưới nhuần ơn phước cho chúng sinh.

Góc bên trái của khuôn viên chùa Tiên Châu là tượng Phật Thích Ca tĩnh tọa dưới sự che chở của chín con rồng và gốc bồ đề râm mát.

Còn bên phải là tượng Phật Di Lặc đang nở một nụ cười viên mãn, an lạc.

Gian tượng thờ Thập điện Diêm vương. Tất cả các pho tượng nầy đều được đắp tạc khéo léo, công phu, đậm nét mỹ thuật, được sơn son thếp vàng đẹp đẽ. Nhưng độc đáo nhất là bằng mắt thường không ai có thể biết đó là các pho tượng đắp bằng đất sét.

Nội điện chùa Tiên Châu, giữa tứ trụ là một khánh thờ, bên trong tôn trí một pho tượng Phật A-di-đà lớn bằng đất sét. Dưới tượng A-di-đà là bộ tượng Tam Thế, tượng Thích Ca tọa thiền, Thích Ca sơ sinh.

Hiện chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa nghệ thuật cao như tượng, bộ bao lam chạm, cùng nhiều bức tranh, liễn đối được chạm khắc rất tinh tế có từ thế kỷ 19…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)