VNTB – Tiền đâu để doanh nghiệp hối lộ?

VNTB – Tiền đâu để doanh nghiệp hối lộ?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Đảng vẫn bỏ qua tình tiết ‘dòng tiền hối lộ’ của doanh nghiệp có từ đâu trong vụ án “Chuyến bay giải cứu.”

 

Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, mặc dù là án nằm trong danh sách “theo dõi” của Ban phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung ương, song các vị quan lớn của Đảng vẫn bỏ qua tình tiết ‘dòng tiền hối lộ’ của doanh nghiệp có từ đâu?

Giảng viên trường kiểm sát TP.HCM, thầy V.V.T. nêu thắc mắc của dạng câu hỏi tu từ: “Các doanh nghiệp khi dùng số doanh thu của họ để đưa hối lộ, thì họ hạch toán như thế nào về các khoản chi nói trên? Không cần có nghiệp vụ về kế toán cũng hiểu rằng chắc chắn họ phải tìm cách bỏ ra ngoài sổ sách kế toán khoản thu chi rất lớn, và khi báo cáo làm hồ sơ kê khai nộp thuế, thì họ sẽ báo cáo sai sự thật về con số doanh thu thực tế của doanh nghiệp”.

Những vấn đề pháp lý đặt ra cho các “quan tòa của Đảng và Nhà nước” về “dòng tiền hối lộ – tham nhũng” nêu trên, thuộc sự điều chỉnh của điều luật số 245, 280 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Tại điều 245, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của Viện Kiểm sát, thì Viện Kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi: Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại điều 85 của Bộ luật tố tụng hình sự (*) mà Viện Kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác; Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ở đây là “dòng tiền hối lộ – tham nhũng” đến từ hành vi “trốn thuế”, tức có căn cứ khởi tố bị can về “nhiều tội phạm khác”.

Ở điều 85 của Bộ luật tố tụng hình sự có đưa ra yêu cầu “nguyên nhân và điều kiện phạm tội”. Theo đó, nguyên nhân của tội phạm là những yếu tố thúc đẩy làm nảy sinh tội phạm, bao gồm những hiện tượng và quá trình tâm lý xã hội.  Điều kiện của tội phạm chính là những yếu tố môi trường tạo thuận lợi cho tội phạm xảy ra.

Theo diễn giải của pháp luật tố tụng thì mục đích đấu tranh, phòng chống tội phạm không chỉ phát hiện, điều tra để xử lý nghiêm minh người phạm tội, mà quan trọng là tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhằm loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.

Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ nguyên nhân và điều kiện tội phạm để kiến nghị với Nhà nước, các cơ quan chức năng để khắc phục.

Cụ thể trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, cơ quan thẩm quyền cần làm rõ vì sao ngành thuế không phát hiện được hành vi trốn thuế như nói ở phần đầu bài viết này. Qua đó cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện doanh nghiệp khai báo thuế không trung thực của ngành thuế còn chưa hiệu quả; hay còn từ những duyên cớ nào khác.

Nguyên nhân vì sao có sự yếu kém trên để ngành thuế làm rõ trong yêu cầu ngăn chặn hữu hiệu hơn hành vi trốn thuế trong tương lai.

Về thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung của tòa án được quy định tại điều 280 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tuy nhiên tại khoản 1 điều 280 chỉ quy định nội dung “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung”, còn nội dung hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung lại được quy định tản mạn, rải rác ở trong những điều luật khác có liên quan.

Điều này vô hình chung tạo nên một sự nhầm lẫn về thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung của tòa án. Cụ thể là hiện này vẫn còn tồn tại những cách hiểu sai lầm về trả hồ sơ điều tra bổ sung của tòa án, đó là cho rằng việc yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung chỉ có thể do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tiến hành và chỉ có thể tiến hành trong hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án, ở giai đoạn chuẩn bị xét xử.

_____________

Chú thích:

(*) Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:

1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;

3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;

6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)