Châu Nam Việt
(VNTB) – Thay vì được giảm bớt gánh nặng, phụ huynh lại phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề hơn.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua dự thảo nghị quyết quy định mức học phí mới cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập từ năm học 2024 – 2025 và các năm tiếp theo. Mức học phí mới này giảm khoảng 100.000 – 240.000 đồng/học sinh/tháng tùy cấp học. Thoạt nhìn thì đây có vẻ là một tin vui cho phụ huynh và học sinh, nhưng thực tế thì lại trái ngược hoàn toàn. (1)
Mặc dù thành phố đang cố giảm học phí nhưng sở, phòng Giáo dục và các trường học thì đang tìm kiếm các khoản thu phí mới bằng cách yêu cầu học sinh tham gia các môn học liên kết như kỹ năng sống, tin học, tiếng Anh bản ngữ,… Học phí các môn này hầu như đều đã tăng lên đến 500.000 – 600.000đồng/tháng.
Như vậy, một học sinh tiểu học trung bình phải mất 1,7tr- 2,2tr/ tháng cho các môn học này. Con số này cao gấp nhiều lần so với mức học phí được giảm. Thay vì được giảm bớt gánh nặng, phụ huynh lại phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề hơn.
Có thể nói nhà chức trách coi học sinh chẳng khác gì con mồi khi dùng chiêu “thả con tép bắt con tôm” này. Thông báo giảm học phí khoảng 200 ngàn (không đáng bao nhiêu) nhưng lại tăng các khoản học khác (có thể gọi là bắt buộc vì cả trường đều học) lên tới hơn 2 triệu. Khoảng tăng 10 lần số tiền được giảm thì làm sao được coi là giảm học phí?
Chuyện tăng thêm môn học không phải chỉ tạo áp lực kinh tế cho phụ huynh mà còn tăng áp lực học hành, điểm số cho học sinh. Lúc học phí chưa được giảm, các em chỉ học các môn bắt buộc, lúc học phí giảm thì các em lại có thêm các môn “tự nguyện bắt buộc”. Phụ huynh càng cho con đi học thì càng nghèo, còn học sinh càng học thì càng lú!
Ngoài ra còn một câu chuyện phép vua thua lệ làng nữa là trong khi thành phố quy định thế này thì trường học lại lách luật thu theo kiểu khác. Năm nào cũng vậy nhà trường vẫn tạo ra các khoản thu tạm gọi là “tự nguyện” nhưng mang tính “bắt buộc”. Cái việc vô lý nhất là phụ huynh năm nào cũng phải thuê máy lạnh. Một cái máy lạnh mới dao động khoảng 13-16 triệu đồng/một cái, mỗi lớp gắn một cái tính luôn công lắp ráp khoảng 20 triệu một lớp. Một lớp tiểu học 45 học sinh, mỗi tháng phụ huynh đóng tiền thuê máy lạnh 90-100 nghìn đồng/tháng tùy trường. Một năm học 9 tháng, vậy 5 năm học, một lớp học phải đóng tiền thuê máy lạnh là hơn 200 triệu.
Để lấp liếm chuyện thuê máy lạnh, mỗi lần họp phụ huynh đầu năm thì nhà trường điều phát cho lớp một bản hợp đồng thuê máy lạnh với công ty bên ngoài để cho vị hội trưởng đại diện ký hợp đồng một chiều. Cho dù, báo chí có viết bài hay có trường bị thanh tra thì nhà trường sẽ đổ hết trách nhiệm lên phụ huynh. Đây là căn bệnh nan y trong việc lạm thu trong trường học mà ngành giáo dục chưa bao giờ trị dứt điểm.
Đó chỉ là thuê máy lạnh, còn bao nhiêu khoản phí mà phụ huynh phải gánh mỗi mùa tựu trường. Năm nào cũng làm rèm, làm cửa, mua màn hình LED, mua tivi lớp học, đồng phục, áo lớp, góp quỹ mua lễ tết… Tại sao mỗi năm đồng phục lại 1 màu, khiến các bé không tận dụng được đồ của năm trước, thật lãng phí? Rồi mua bộ sách thì nhiều môn phụ lại không dùng đến sách nhưng vẫn phải mua, bộ dụng cụ bắt mua nộp cho cô cất tủ lớp cả năm không dùng đến, cuối năm trả lại mới nguyên. Quỹ khuyến học thu bắt buộc 300 nghìn đồng/học sinh/năm mà ngoài chi cho học sinh, còn chi thưởng cho giáo viên, lao công, bảo vệ…
Chúng ta cần đặt câu hỏi, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là gì? Có phải là để các em học sinh phát triển toàn diện, hạnh phúc và khỏe mạnh hay chỉ để đáp ứng các yêu cầu tài chính của các cơ sở giáo dục? Việc giảm học phí tại TP.HCM là một bước đi đúng đắn, nhưng cần phải được thực hiện một cách nhất quán và minh bạch. Các cơ sở giáo dục cần phải được giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng tăng các khoản phí khác, gây áp lực tài chính và học tập lên học sinh và phụ huynh. Chúng ta cần một hệ thống giáo dục luôn biết đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu.
______________
Tham khảo: