Đêm hè năm Bốn lăm
(VNTB) – Trong bóng tối bí mật đầy vật vã của một cơn đau đẻ lịch sử lớn, vào những đêm hè năm 1945, tại làng Dục Tú huyện Đông Anh, Hà Nội – làng quê của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – có hai chiến sĩ cách mạng thức trắng trước trang giấy cặm cụi viết.Hai chiến sĩ ấy, một người 32 tuổi, một người mới 21 tuổi, được Đảng (CSVN) giao nhiệm vụ viết một bản báo cáo về văn hóa để trình bày trong đại hội quốc dân sắp họp tại Tân Trào Tuyên Quang (thuộc khu Giải phóng).Bản báo cáo ấy, khi hoàn thành vào ít ngày sau, mang tên : “MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI”.Hai chiến sĩ cách mạng đồng tác giả là Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi, thành viên nòng cốt của tổ chức Văn hóa cứu quốc Việt Nam, tiền thân của Hội nhà văn Việt Nam (cùng các hội khác thuộc lãnh vực văn hóa nghệ thuật ).
Xin hãy cùng nhau đọc lại đoạn sau đây trong văn kiện lịch sử đó:
“Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận chính là cởi mở cho văn hoá dân tộc trở nên sầm uất và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hoá đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong phú.” (“MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI” – Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi – Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam, trong Mặt trận Việt Minh, xuất bản – Hà Nội – 1945 – in lần thứ hai – trang 45).
Các quyền thiêng liêng ấy – tự do tư tưởng và tự do ngôn luận – đã lập tức được hiến định trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Và đã hiện ra sầm uất trong đời thường.
“Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
Xin hãy nhìn lại hoạt động báo chí và xuất bản trên khắp đất nước ta từ 19 tháng 8 năm 1945 đến suốt năm 1946 với vô số tờ báo, tạp chí và nhà xuất bản tư nhân cũng đủ thấy sự sầm uất đầy sinh khí đó (một sự sầm uất mà ngày nay, cay đắng thay, mọi người Việt Nam chúng ta đang thiết tha mong mỏi được sớm có lại ). Và không chỉ trong sinh hoạt báo chí xuất bản là công việc của những người trí thức ở thành phố, mà ngay cả trong đời sống bình thường của người nông dân ở các làng quê.
Xin hãy cùng nhau đọc lại mấy câu thơ Hồng Nguyên :
Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
Có tiếng gà gáy xóm
Có “khai hội, yêu cầu, chất vấn!”
Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa
Đó là hình ảnh bình thường bình dị của làng quê Việt Nam trong tâm tưởng anh bộ đội Cụ Hồ trên đường hành quân nhớ về hậu phương. Giữa những bờ tre mái rạ thân mật quen thuộc tự nghìn đời, hiện ra một cảnh đời vô cùng mới mẻ cả nghìn đời mới thấy: “Có khai hội, yêu cầu, chất vấn !”. Chỉ với mấy từ “chính trị chay” đúc thành một câu thơ hồn nhiên mộc mạc, Hồng Nguyên đã tạc vào lịch sử một sự thật hùng hồn của đời sống nông thôn Việt Nam mới, của con người Việt Nam mới. Một tố chất chính trị mới, văn hóa mới đã xuất hiện trong những con người bao đời lam lũ dưới bùn lầy nước đọng, giữa những công việc cày bừa cấy gặt quen thuộc nghìn đời đã biết làm một công việc mới : tổ chức khai hội, và trong khai hội, biết yêu cầu, chất vấn.
Có lẽ đến nay, sau 65 năm, không ít người chúng ta cũng chưa thấm thía hết ý nghĩa sâu xa của cuộc đổi đời, tự đổi đời vĩ đại này mà chiến sĩ cách mạng, nhà thơ cách mạng Nguyễn Đình Thi đã ghi lại trong 2 câu thơ :
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Con người tự do
Cả dân tộc Việt Nam, từng con người Việt Nam, với sức quật cường hun đúc từ thuở Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống ách đô hộ Đại Hán Trung Quốc, với những bậc“hào kiệt đời nào cũng có” (Nguyễn Trãi), từ trong đêm dài “trăm năm nô lệ giặc Tây” ( lời nhạc Trịnh Công Sơn) vùng lên làm Cách mạng Tháng Tám giành lại Độc lập cho nước Việt Nam, thiết lập chế độ mới, chế độ DÂN CHỦ CỘNG HÒA ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC. Ánh sáng chói lòa tỏa ra từ con người Việt Nam mới, trong tư thế mới: con người tự do.
Phải, con người Việt Nam mới chính là con người tự do. Từ đây đất nước Việt Nam độc lập do con người tự do Việt Nam làm chủ, mọi công việc của đất nước Việt Nam do con người tự do Việt Nam quyết định. Con người Việt Nam sống một nếp sống mới, có khai hội, yêu cầu, chất vấn; khai hội một cách thực chất, yêu cầu đến nơi đến chốn, chất vấn đến nơi đến chốn trước khi cùng nhau quyết định. Quyết định quan trọng nhất là giữ cho bằng được nền độc lập của Tổ Quốc, giữ cho bằng được quyền tự do của mỗi con người. Bằng việc thiết lập chế độ dân chủ cộng hòa, con người Việt Nam ngộ ra sức mạnh của quyền dân và quyền dân làm nên sức mạnh của Tổ Quốc Việt Nam.Tổ Quốc, một giá trị nghìn đời, và Tự do, một giá trị phương tây được tự giác tiếp nhận bắt đầu quyện chặt làm một trong phẩm giá làm người của con người Việt Nam, hiên ngang đĩnh đạc biểu thị trước toàn thế giới qua Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên đọc tại quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 02 tháng 09 năm 1945, cất lên thành khúc hoà ca hùng tráng của toàn dân Việt nam qua hồn thơ hồn nhạc Văn Cao :
LẬP QUYỀN DÂN, TIẾN LÊN, VIỆT NAM !
…Độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước được Độc lập mà dân không được hưởng Tự do Hạnh phúc thì Độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Thế nghĩa là nước độc lập mà dân không có quyền thì vẫn là mất nước. Thiết nghĩ không có lời nào rành mạch hơn, khúc chiết cụ thể hơn câu nói và câu hát trên đây để khẳng định nguyên lý tồn tại và phát triển của đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Chỉ với mấy tiếng giản dị dễ hiểu đúc thành lời ca, Văn Cao đã cùng với Hồ Chí Minh xác lập và ban bố một đường lối chiến lược đúng đắn nhất cho Việt Nam tiến lên sánh cùng các cường quốc năm châu: đường lối CÁCH MẠNG LẬP QUYỀN DÂN. Đi tiên phong và dẫn dắt nhân dân trong cuộc cách mạng ấy là những người chiến sĩ cách mạng – chiến sĩ văn hoá mới.
Chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Đang viết, trong tác phẩm “Một nền văn hóa mới”, trang 22 :
“Chúng ta hãy sáng suốt nhận lấy nhiệm vụ tích cực chiến đấu, nhận lấy nhiệm vụ của người dân vong quốc cộng thêm nhiệm vụ của một chiến sĩ văn hoá mới. Nói khác ra, để thực hiện nền văn hoá mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc lập hoàn toàn và làm thực hiện chính thể dân chủ cộng hoà triệt để.”(Theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Đình Thi do nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh ghi lại và công bố trên tạp chí Sân khấu năm 2009, thì đoạn này và đoạn đã dẫn trước là do Nguyễn Hữu Đang viết, theo cách hai người cùng thống nhất đề cương rồi chia nhau mỗi người viết một phần).
Ở đây ta thấy một đóng góp rất quan trọng của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Đang khi ông nêu rõ trong đoạn văn trên: người chiến sĩ cách mạng với người chiến sĩ văn hóa là một, hay nói khác đi, trong người chiến sĩ văn hóa có phẩm chất cách mạng, trong người chiến sĩ cách mạng có phẩm chất văn hoá, cách mạng quyện chặt với văn hóa; cái văn hoá truyền thống lấy đại nghĩa thắng hung tàn kết hợp với cái văn hoá mới của con người tự do làm cách mạng để lập quyền dân, để đem lại tự do hạnh phúc cho mỗi con người, cho tất cả mọi người, chứ không phải để cách mạng thành công thì leo lên ghế vua quan cách mạng. Tổ Quốc và Tự do, hai giá trị cao quý nhất quyện chặt trong con người Việt Nam đã tạo nên một sức mạnh kỳ lạ (đến gần như bí ẩn) đưa dân tộc vượt thoát mọi tình thế hiểm nghèo tưởng chừng không thể nào vượt nổi, qua muôn trùng gian lao và khốc liệt trong cuộc đối đầu dai dẳng nhất với những thế lực ngoại xâm mạnh hơn mình gấp bội.
Món nợ quyền dân
Trên đất nước Việt Nam độc lập hoà bình thống nhất hôm nay (nhưng chưa toàn vẹn lãnh thổ vì sự xâm lấn của thế lực bành trướng Đại hán Trung Quốc), con người Việt Nam, mà trước hết là người công dân – cử tri Việt Nam với sức mạnh kỳ lạ của hai giá trị Tổ Quốc và Tự do hoà quyện trong phẩm giá làm người của mình, đang tự thức tỉnh, tự vận động, tự tập hợp thành một thực lực chính trị hùng hậu tiến hành một cuộc đấu tranh ôn hoà công khai hợp pháp kiên định đòi lại món nợ quyền dân mà thế lực bạo quyền độc tài toàn trị đã trắng trợn vỗ nợ. Xu thế phát triển ngày càng lớn mạnh của cuộc đấu tranh là không thể đảo ngược.
Và nhất định thắng lợi !
Đà Lạt 31.08.2014
Bùi Minh Quốc