Đan Tâm
(VNTB) – Một tương lai bất định đang ở phía trước – ngay sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt.
Bài 22: ĐCSVN tồn vong ra sao trong thế giới toàn cầu hóa mới –
Kinh tế hậu covid
Một tương lai bất định đang ở phía trước – ngay sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt. Cộng Sản Việt Nam quá phụ thuộc vào ngoại thương (xuất nhập khẩu), khi thế giới bị khủng hoảng thì Việt Nam sẽ bị vạ lây, kể cả nếu không bị đại dịch. Khi bị phụ thuộc quá nhiều vào các nước bên ngoài thì Việt Nam phải chịu những tai họa không phải do mình gây ra. Tai họa đó đang đến:
1.) Đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam đang giảm sút so với 2 năm vừa qua, theo các con số thống kê do Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN công bố hôm 27 Tháng Bảy, 2020;
2.) Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao những năm qua nhờ được giới tư bản nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam để xuất cảng, lợi dụng khối nhân công rẻ mạt trong nước;
3.) Có đến 70% trị giá hàng xuất cảng của Việt Nam là từ khu vực các công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là điện thoại của hãng Samsung.
Ba sự kiện nói trên rất bất lợi cho kinh tế VN trong trật tự thế giới mới kể từ 2020 trở đi. Hàng triệu người Việt Nam sẽ bị thất nghiệp vì hàng hóa Việt Nam làm ra sẽ không ai mua hoặc chưa mua. Những thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam do Covid-19 gây ra là vô cùng lớn vì kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào ngoại thương (xuất nhập khẩu).
Trong một nền kinh tế bình thường thì xuất nhập khẩu bằng 50% GDP là an toàn. Chỉ số đó của Việt Nam hiện nay là 200% – 250% của ngưỡng an toàn (Xuất nhập khẩu Việt Nam trong năm 2019 là 517 tỉ USD trên GDP hơn 200 tỉ USD).
Khi nền kinh tế phụ thuộc quá nặng vào bên ngoài như vậy thì Việt Nam phải gánh chịu những tai họa và rủi ro không do mình gây ra. Tai họa đó là Covid-19. Các kế hoạch và mục tiêu kinh tế của Việt Nam hoàn toàn bị đảo lộn.
Hoang tưởng là căn bệnh không thuốc chữa của ĐCSVN. Đúng là trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì Việt Nam có mọi triển vọng là một quốc gia phát triển mạnh nhất trong năm 2020. Lý do là thế giới bắt đầu rút lui và tiến tới ngừng hợp tác với TC vì TC là một quốc gia độc tài và là một mối nguy cho hòa bình thế giới.
Các công ty, nhà máy sẽ rút khỏi TC và sẽ chuyển sang các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam. Sỡ dĩ thế giới ưu ái cho Việt Nam là vì muốn lôi kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo của Trung Cộng (TC). Sự ly dị giữa thế giới và TC là dứt khoát và không thể đảo ngược. Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) không hiểu điều đó và cũng có thể họ toan tính rằng thế giới sẽ còn phải đối đầu lâu dài với TC nên sẽ o bế, chiều chuộng Việt Nam.
Covid-19 làm thay đổi tất cả. Thế giới sẽ triệt thoái khỏi TC nhanh hơn và TC sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế sớm hơn. ĐCSVN tính không bằng quốc tế suy tính, nên dù đã hơi “xoay trục” sang Mỹ và các nước dân chủ nhưng vẫn không chịu thay đổi đất nước về hướng dân chủ và vẫn ngoan cố duy trì chế độ độc tài bằng cách tăng cường đàn áp, bắt bớ các tiếng nói bất đồng chính kiến, hậu quả là nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào suy thoái sớm hơn.
Tính đến cuối tháng 6/2020 đã có đến 7,8 triệu người lao động mất việc, 40 triệu người bị ảnh hưởng do Covid-19, 35.000 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường và 75% doanh nghiệp phải thu hẹp qui mô sản xuất trong quí 1 năm 2020.
Trên 12 tỉnh thành tăng trưởng âm trong đó có Đà Nẵng, thủ phủ miền Trung. Một báo hiệu xấu là công ty PouYuen, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu ở Sài Gòn có quy mô lên tới 62.000 công nhân đã cắt giảm 2.800 lao động và sẽ tiếp tục cho nghỉ việc khoảng 6.000 lao động từ ngày 1 tháng 7 năm 2020 do không còn việc làm.
Nhà cầm quyền Cộng Sản VN đã bắt đầu nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề. Hôm 02/07/2020, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết.
Liệu ĐCSVN có thay đổi được tình thế nguy nan của nền kinh tế Việt Nam hay không? Câu trả lời được cho là không vì bản chất của các chế độ độc tài XHCN luôn mâu thuẫn với dân chủ và phát triển kinh tế lành mạnh.
Sẽ không có chuyện vừa hợp tác và làm ăn với các nước dân chủ vừa có thể duy trì chế độ độc tài mà TC là một minh chứng. Thế giới đã thu được rất nhiều lợi ích trong việc hợp tác làm ăn với TC trước đây nhưng cuộc tình “đồng sàng dị mộng” này cũng đã đến lúc phải kết thúc.
Cuộc ly dị lần này giữa các nước dân chủ với TC là dứt khoát và không thể đảo ngược. Cuộc thư hùng giữa phương Tây và TC sẽ sớm chấm dứt với sự co cụm lại của TC trước khi tan vỡ.
Không có lý do gì để thế giới hợp tác chặt chẽ với một “tiểu Trung Cộng” là Cộng Sản Việt Nam. Sự hứa hẹn và giúp đỡ của thế giới dành cho Việt Nam chỉ được thực hiện với một điều kiện là Việt Nam phải dân chủ hóa và Việt Nam phải khác TC.
Thế giới đã cho Việt Nam rất nhiều thời gian và cơ hội nhưng ĐCSVN Nam đã nhắm mắt làm ngơ không thèm nắm bắt lấy cơ hội ngàn năm có một đó. Tháng 8/2020 vừa qua, 27 công ty lớn của Mỹ tại TC đã di chuyển sang Indonesia thay vì Việt Nam là một báo hiệu xấu cho nền kinh tế Việt Nam.
Khi các công ty lớn của Mỹ và thế giới không đến Việt Nam thì các công ty từ TC sẽ tràn sang Việt Nam mang theo công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường. Hàng TC sẽ bị đánh thuế cao khi vào Mỹ và EU nên họ sẽ tìm cách bắt tay với các doanh nghiệp Việt Nam để gian lận xuất xứ (hàng TC gắn mác Made In Vietnam). Việc này sớm muộn cũng bại lộ và hàng hóa Việt Nam sẽ ảnh hưởng theo. Cuối năm 2019 Mỹ đã áp thuế 456% lên thép Việt Nam là một ví dụ.
Cuộc chiến thông tin im ắng
Có rất ít thông tin tuyệt mật trong nội bộ cấp cao Đảng Cộng Sản Việt Nam lọt ra ngoài trừ khi chính họ đưa ra để đấu tố lẫn nhau. Tuy nhiên có thể suy luận và tìm kiếm một phần sự thật về những bí mật đang diễn ra trong ĐCSVN để tiên liệu kết cục bằng những thông tin đã công khai hoặc bị lộ.
Việc tiên liệu và dự đoán về hiện tình ĐCSVN và tương lai chết sống của đảng nầy quan trọng đối với sự chuẩn bị cho tương lai nước Việt. Trước thềm Đại hội 12 của Đảng Cộng Sản Việt Nam một lượng thông tin lớn và liên tục từ các cấp cao nhất của đảng tiết lộ ra để đánh phá lẫn nhau.
Các Blogs như Chân Dung Quyền Lực và Quan Làm Báo được họ dựng lên, đăng những thông tin mà chỉ có các ‘đồng chí’ với nhau mới có thể biết về gia đình, tài sản riêng, con đường quan lộ, chiêu thức triệt phá nhau và các phe nhóm trong đảng…
Cuộc hỗn chiến lúc đó được nhìn nhận như màn giao tranh sống mái của ‘phe’ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phần còn lại. Phần còn lại đó là khi hạ màn đại hội 12, Nguyễn Tấn Dũng thoái vị, Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như là thủ lĩnh của “phe thắng cuộc”.
Ông Trọng độc chiếm quyền lực trong Đảng cộng sản (sau khi ông Trần Đại Quang chết rất bí ẩn) với vai trò Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước. Sau đại hội 12, dư luận bắt đầu chứng kiến một cuộc thanh trừng nội bộ lớn chưa từng có do sự kiện các mắt xích trong ‘phe’ Nguyễn Tấn Dũng lần lượt bị bắt hoặc đang bị treo một cái án lơ lửng trên đầu.
Trước thềm đại hội 13 lần này, cuộc chiến ‘thông tin’ không như 5 năm trước. Có thể thấy quyền lực bao trùm của ông Nguyễn Phú Trọng, khi ở ngôi vị không còn ‘đối thủ’ nặng ký, đã đưa Đảng cộng sản về trạng thái phòng thủ thông tin. Lượng thông tin đem ra ‘giao đấu’ ở thượng tầng ít hẳn so với kỳ đại hội trước làm cho Đảng cộng sản có vẻ êm xuôi trong nội bộ.
Tuy vậy, vụ Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bị ‘đánh’ vì một tội lạ lùng là ‘chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước’ cho thấy nội bộ đảng cộng sản đang đánh nhau bằng những vũ khí cuối cùng. Họ đã phải dùng ‘bom hạt nhân’ để tiêu diệt nhau.
Chiêu bài chống tham nhũng, được xem như là công cụ nặng ký để thanh trừng nhau trong nội bộ Đảng giờ đây phải lồng thêm một cái án rất chính trị là ‘chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước’ mới đủ sức thuyết phục. Chúng ta có thể suy luận, chế độ đang rất lúng túng và đang suy tàn vì vũ khí ‘chống tham nhũng’ không còn thuyết phục trong nhiều trường hợp.
Nguyễn Đức Chung là một ví dụ. Vì sao lại như vậy? Đơn giản là không thể xây dựng và chấn chỉnh Đảng bằng cách chống tham nhũng trong chế độ chuyên chế. Bản chất của chế độ chuyên chế luôn luôn gắn liền với tham nhũng để tồn tại khi lý tưởng Cộng Sản chỉ là giáo điều đã suy tàn và bộc lộ sự bịp bợm.
Việc tiên liệu sự tồn vong của ĐCSVN và đưa ra mô thức phát triển cho đất nước cần dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn đang diễn ra trong nội bộ Đảng nầy cũng như những yếu tố lịch sử của đất nước và bối cảnh hiện tại của thế giới toàn cầu hóa mới từ năm 2020.
Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thế giới vì vậy cần hình dung và hiểu được chỗ đứng của dân tộc mình trong dòng chảy của thời đại để từ đó có những khái niệm và định nghĩa đúng đắn về một nước “Việt Nam mới” trong tương lai.
Chỉ còn vài tháng nữa là Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội 13. Đáng lẽ ra đây là thời điểm rất sôi động trước mỗi kỳ đại hội. Về phía đảng cộng sản, họ sẽ đưa ra nhiều chương trình, mục tiêu – dù là bánh vẽ – cho 5 năm tới và kêu gọi người dân đóng góp ý kiến, thảo luận.
Về phía dư luận, đây là “thời vụ” của các đơn từ kiến nghị đảng thay đổi cái nọ cái kia, hoặc tố cáo người này người khác. Các nhân sĩ thì tùy theo nhân vật “mến mộ” mà họ sẽ nâng người này lên tận mây xanh hoặc dìm người kia xuống tận bùn đen như hồi Đại hội 12.
Nhưng Đại hội 13 này lại hoàn toàn im lặng, một sự im lặng bất thường. Đảng cộng sản không nói gì nhiều về đại hội đã đành mà ngay cả dư luận cũng hầu như không ai quan tâm. Đơn từ kiến nghị cũng không thấy, phe nọ đánh phe kia cũng không và đặc biệt nhất là không thấy các trí thức nhân sĩ lên tiếng ngoài một vài người ủng hộ ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm tổng thống.
Dân chủ hoá
Trong không khí ảm đạm đó thì sự xuất hiện của tập tài liệu với tên gọi “Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho đảng” của một nhóm đảng viên là rất đáng chú ý. Điều đặc biệt nhất của tài liệu này là nó kêu gọi sự thay đổi gần như là toàn diện và triệt để về hướng dân chủ chứ không vuốt ve hoặc đề nghị cải cách lặt vặt như trước đây.
Điều thiếu vắng trong tài liệu này là không đề cập gì đến vai trò của đối lập dân chủ Việt Nam. Họ chỉ muốn đảng cộng sản tự dân chủ hóa đất nước một mình. Nhiệm vụ (sứ mệnh) quan trọng nhất, cần làm nhất của ĐCSVN hiện nay là “tổ chức sự thất bại cho chính họ”. Điều này có nghĩa là Đảng cộng sản cần tìm cách rút lui thế nào để có thể “hạ cánh an toàn”.
Đảng cộng sản đang trong hoàn cảnh như vậy. Họ không còn bất cứ giải pháp hay sự đồng thuận nào. Họ không thể đồng hành cùng dân tộc tiến về tương lai vì họ không có dự án nào cho đất nước. Việc quan trọng nhất của họ bây giờ là tổ chức sự rút lui sao cho an toàn.
Nhưng chuyện này lại không hề dễ dàng chút nào. Tổ chức sự thất bại cho chính mình là công việc vô cùng khó khăn đối với những con người quá nhỏ bé, về trí tuệ lẫn uy tín như ban lãnh đạo ĐCSVN. Một việc dễ nhất mà đảng cộng sản cũng phải bó tay là việc “kỷ luật” các quan chức của mình. Chỉ vì bị “cảnh cáo” mà cả chủ tịch lẫn bí thư tỉnh Quảng Ngãi đều viết đơn xin “nghỉ việc”.
Điều này không hề bình thường chút nào. Nó phản ánh sự bất ổn và bất phục tùng trong nội bộ Đảng Cộng Sản VN. Có hai lý do, thứ nhất Đảng cộng sản không có nhu cầu cải tiến hoặc cạnh tranh với các đảng đối lập vì họ đã tiêu diệt tất cả các tổ chức đối lập từ trong trứng nước. Thứ hai là cơ chế bầu chọn trong nội bộ đảng với tiêu chí “hồng hơn chuyên” đã loại bỏ hết những người tài giỏi và có bản lĩnh.
Ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng cộng sản, ngay cả trước khi bị bệnh cũng không phải là người có trí tuệ và viễn kiến. Đảng cộng sản cũng giống như các triều đại phong kiến trong lịch sử, chỉ có những người theo vua dựng nước thời kỳ đầu là có bản lĩnh và tài giỏi còn sau khi đã giành được chính quyền thì chỉ biết hưởng thụ, tranh giành và đấu đá lẫn nhau khiến triều đại bị diệt vong.
Một dẫn chứng cho thấy sự tăm tối của Đảng cộng sản là họ đã không ý thức được những tác hại kinh khủng do Covid-19 gây ra đối với Việt Nam. Họ vẫn huênh hoang về tài chống dịch của ĐCSVN. Nhưng Covid-19 sẽ làm cho kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại trong nhiều năm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có hơn 24.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động đang chờ làm thủ tục giải thể.
Truyền thông Nhà nước CSVN, vào ngày 11/09/2020, cho biết thông tin vừa nêu. Cụ thể, gần 34,5 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn làm tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. Và, số doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể là 24,5 ngàn, giảm xấp xỉ 6%.
Trong khi đó, đã có 10,5 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản trong 8 tháng vừa qua. Tin cho biết Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 còn có 30,6 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Lý do cũng dễ hiểu là các nước lớn và mua nhiều hàng hóa và đầu tư nhiều vào Việt Nam đang gặp khó khăn vì phải đối phó với Covid-19. Việt Nam có thể đánh mất cơ hội phát triển vì không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong những năm tới. Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ họp vào đầu năm 2021, từ nay đến cuối năm họ phải chuẩn bị xong hai công việc quan trọng là báo cáo chính trị, đề ra phương hướng cho 5 năm tới và sắp xếp công tác nhân sự đại hội.
Nhưng ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo thì cho biết “thế lực thù địch” đáng sợ nhất và khó đấu tranh nhất chính là các cán bộ, đảng viên thoái hóa, tự chuyển hóa, tự chuyển biến, trong đó có nhiều người giữ chức vụ cao.
Những người “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” nguy hiểm đến đâu thì chưa thấy nhưng những đảng viên thoái hóa thì đã quá rõ. Họ lợi dụng chức quyền, để vơ vét cho bản thân và đồng đảng bất chấp quyền lợi người dân.
Chính những người này sẽ phá nát và làm sụp đổ chế độ chứ không phải ai khác. Họ rất đông và cấu kết với nhau chặt chẽ nên không ai làm gì được họ. Như vậy chúng ta có thể thấy được là Đảng Cộng Sản VN hoàn toàn bế tắc và tuyệt vọng. Họ không có bất cứ giải pháp nào cho đất nước và nếu có thì cũng không thể nào thực hiện được vì nó là XHCN.
Thế giới đang đứng trước những thay đổi rất sâu sắc, một trật tự dân chủ mới sắp hình thành, hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại. Một liên minh dân chủ đa cực sẽ ra đời để thay thế cho vai trò lãnh đạo thế giới mà Mỹ đã từ nhiệm.
Trong trật tự dân chủ mới đó không có chỗ cho những nước độc tài dù đó là Trung Quốc hay Nga đi chăng nữa. Chủ nghĩa dân túy đang tàn lụi sau những lời lẽ “đao to búa lớn” nhưng không có kết quả. Thế giới sẽ phải xét lại mô hình chính trị – xã hội bằng cách tăng cường sự liên đới và bình đẳng để dân chủ và Nhân Quyền có hiệu quả thực hành nhiều hơn là nội dung lý thuyết trên giấy tờ hay trên ngôn từ của các chính trị gia.
Nếu Đảng Cộng Sản VN nếu có viễn kiến thì họ phải hiểu rằng chuyển đổi toàn diện về phía dân chủ là lối thoát duy nhất cho họ. Muốn chuyển đổi mà không gây ra hỗn loạn thì đòi hỏi phải có những con người thật sự có bản lĩnh, tài giỏi, quyết tâm và đồng thuận. Di sản của ĐCSVN sản quá cồng kềnh và nặng nề khiến sự chuyển đổi của họ càng khó khăn.
Không khó để nhận thấy là ban lãnh đạo ĐCSVN hiện nay không có ý định và khả năng đó mà chỉ có những người cấp tiến trong đảng, là những người thật sự có tinh thần dân chủ mới có thể làm được việc đó.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả