Đông Đô
(VNTB) – Hàng loạt cán bộ cấp cao bị cáo buộc hình sự hoặc bị mất chức nhưng không thấy ai truy cứu trách nhiệm của chính khách chóp bu Nguyễn Phú Trọng.
Trong một bài viết ở tài khoản cá nhân của luật sư Đặng Đình Mạnh mới đây đã đặt vấn đề cần thiết được các bên liên quan làm rõ: “Hàng trăm tướng tá quân đội, công an, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh… vào tù hoặc mất chức vì là tội phạm tham ô, tham nhũng và vì “Trách nhiệm người đứng đầu”. Thì tất cả số nêu trên đều được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, do chính ông đứng đầu trong tiểu ban nhân sự của đảng cân nhắc, đề bạt, bổ nhiệm. Thế nhưng, hóa ra chúng đều là tội phạm cả! Gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng như thế, đã bao giờ công chúng nghe ông ấy thực hiện tự phê bình, hoặc đồng bọn truy tội ông ấy về “Trách nhiệm người đứng đầu” chưa?”
Từ hôm 21-3-2024 với sự kiện biến động nhân sự cấp cao của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nhiều trang điện tử thuộc hệ thống truyền thông Nhà nước đã ra sức đánh bóng bài diễn văn “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây.
Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV được thành lập theo Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 8-10-2023, Hội nghị Trung ương XIII, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban. Theo đó, Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ xây dựng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; Kế hoạch triển khai việc giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 – 2031; Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV trình Đại hội XIV của Đảng.
Các chức trách trên của tiểu ban nhân sự khóa XIV là cùng nội dung với hồi thành lập tiểu ban nhân sự khóa XIII của đảng. Kết quả thì các gương mặt từng gọi nhau là đồng chí với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Đức Chung, Đào Ngọc Dung, Trịnh Đình Dũng, Mai Tiến Dũng… bị cáo buộc hình sự hoặc bị mất chức; người ta lại không thấy truy cứu trách nhiệm liên quan với chính khách chóp bu là Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác cán bộ, ngày 23-4-2020, Tổng bí thư khi ấy còn kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước đã nhấn mạnh yêu cầu: “Công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan. Đặc biệt là phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn cán bộ”.
Trong lần “lên lớp” đó về công tác cán bộ, Tổng bí thư “lặp đi lặp lại”, rằng, “phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, bởi, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được”. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đồng tình như phát biểu của cựu Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng hồi còn đương chức tại “Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020”, khi cảnh báo “Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ. Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà “cơ đồ đổ xuống biển sâu. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu”.
Cụ thể cho chia sẻ cách nghĩ trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước. “Từng cơ quan, từng cấp, từng ngành phải làm cho tốt công tác đặc biệt quan trọng này, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, nhân dân lên trên hết, toàn tâm toàn ý lo cho công việc chung, trên dưới đồng lòng, đoàn kết nhất trí thì công việc mới trôi chảy, mới xứng tầm lãnh đạo đất nước trong bối cảnh tình hình mới”, Tổng bí thư nói.
…Và giờ thì đang bước vào thời gian còn lại ở khóa XIII của Đảng, người dân cũng như đảng viên cần biết trách nhiệm đến đâu trong vai trò đứng đầu Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng trải suốt ba nhiệm kỳ ở vị trí thống lĩnh độc tôn.
1 comment
Đòi hỏi chính đáng thì vẫn phải luôn tiếp tục. Có thế thì xã hội mới tiến hóa được.
Nhưng ở vùng đất mang tên “xã hội chủ nghĩa”, nơi mà đám người tự xưng là “đầy tớ của dân” luôn hành xử như cha mẹ thiên hạ, chúng nó nói một đàng – làm một nẽo, chúng nó đam mê quyền lực và sống tham lam – vô đạo đức – vô trách nhiệm, thì việc đòi hỏi chúng phải chịu trách nhiệm vì hành vi tha hóa của chúng liệu có tác dụng gì không? Theo tôi thì chắc chắn là không có tác dụng gì cả.
Để ngăn chận sự tha hóa của đạo đức con người và đạo đức xã hội, việc cần và đủ là người dân phải can đảm đứng lên xóa bỏ cái hệ thống “xã hội chủ nghĩa” hoang tưởng và tồi tệ này đi.