Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trách nhiệm của cơ quan thuế trong chuyện lỗ khủng của tập đoàn than

Thạch Hãn

 

(VNTB) – 74.000 tỷ đồng – hơn 3 tỷ USD, là số nợ của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV). Số nợ này lớn gấp 1,6 lần vốn sở hữu (45.000 tỷ đồng).

 

Khó hiểu là tuy nợ nần như vậy nhưng báo cáo kết quả hoạt động của năm 2021, lãnh đạo TKV cho rằng: “Năm 2021 được đánh giá là năm thành công nhất trong vòng 5 năm gần đây của tập đoàn, sản xuất kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, lợi nhuận vượt kế hoạch giao, nộp ngân sách và chăm lo cho người lao động tốt hơn nhiều năm trước”.

Lỗ lã vì tham nhũng tràn lan?

Hơn nửa năm trước đó, từ ngày 20 đến 22-6-2022, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 16. Thông cáo báo chí phát hành sau kỳ họp cho Ủy ban kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban Thường vụ Đảng ủy TKV đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Hội đồng thành viên, một số lãnh đạo tập đoàn và đơn vị cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư một số dự án, trong quản lý, khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng; ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất, kinh doanh, đến uy tín của tổ chức Đảng và tập đoàn. Từ đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy TKV các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và ông Lê Minh Chuẩn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Đến trung tuần tháng 2-2023, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu 2022 được công bố, TKV ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 74,4 ngàn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 44,4 ngàn tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 30 ngàn tỷ đồng.

Hai khoản lớn nhất của TKV là nợ bạn hàng, hơn 12,6 ngàn tỷ đồng và vay thuê tài chính, hơn 30 ngàn tỷ đồng. Riêng các khoản vay thuê tài chính, TKV ghi nhận khoản nợ ngắn hạn hơn 11,8 ngàn tỷ đồng và hơn 26,2 ngàn tỷ đồng vay dài hạn. Nợ vay lớn khiến trong nửa đầu năm ngoái, TKV phải trả tới 1,1 ngàn tỷ đồng lãi suất vốn vay. Tính bình quân mỗi ngày, TKV phải trả tới hơn 6,5 tỷ đồng tiền lãi.

Vẫn theo báo báo, tổng tài sản của TKV tại thời điểm giữa năm 2022 là hơn 120 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 48 ngàn tỷ đồng, tài sản dài hạn hơn 72 ngàn tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền hơn 7 ngàn đồng, chủ yếu đang được gửi ngân hàng. Doanh thu thuần đạt hơn 68,8 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt hơn 2 ngàn tỷ đồng và hơn 1,6 ngàn tỷ đồng.

Đến ngày 30-6-2022, hàng tồn kho của TKV lên đến hơn 22,3 ngàn tỷ đồng, tăng 28% so hồi đầu năm. Chủ yếu là than thành phẩm chiếm hơn 11,4 ngàn tỷ đồng, nguyên vật liệu hơn 2,5 ngàn tỷ đồng, chi phi sản xuất kinh doanh dở dang hơn 4,3 ngàn tỷ đồng, hàng hóa hơn 2,4 ngàn tỷ đồng…

Trách nhiệm của cơ quan thuế vụ?

Đến số nợ hiện tại thì không biết bao giờ tập đoàn này trả nổi. Trả không nổi thì ngân sách phải gánh, mà ngân sách chính là tiền thuế của người dân. Những lãnh đạo của tập đoàn chỉ bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo đặt cạnh số nợ 74.000 tỷ đồng này quả là sự ấm ức mà người dân khó nuốt trôi.

Vấn đề ở đây cần thiết phải làm rõ về trách nhiệm của cơ quan thuế. Theo đó, Luật kế toán, ở Điều 5 “Yêu cầu kế toán” đã đưa ra 6 khoản cụ thể như sau:

“1. Phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.

2. Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán.

3. Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán.

4. Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.

5. Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; số liệu kế toán kỳ này phải kế tiếp số liệu kế toán của kỳ trước.

6. Phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh, kiểm chứng được”.

Các yêu cầu nghiệp vụ trên sẽ là căn cứ để cơ quan thuế tính toán các khoản thuế liên quan mà doanh nghiệp cần phải nộp. Vậy thì với chuyện lỗ lã ở TKV, cần câu trả lời là vì sao cơ quan thuế bằng trách nhiệm công vụ cũng như chính trị, họ không lên tiếng ngay từ đầu chuyện kinh doanh có các nghi vấn bất thường về lợi nhuận đó?

Đảng cộng sản Việt Nam thường ví các tập đoàn kinh tế nhà nước là “nắm đấm” của nền kinh tế. Và giờ đây TKV tiếp bước vào danh sách những tập đoàn, tổng công ty nhà nước lỗ cả chục ngàn tỷ đồng chờ ngân sách giải cứu. Những “nắm đấm” này lo thân còn chưa xong, không khéo nền kinh tế lại bị phản đòn.

Trách nhiệm nếu xét đến tận cùng, theo Hiến định tại Điều 4, thì cụ thể người phải chấp nhận chịu mọi búa rìu chỉ trích, không ai khác hơn, đó là ông Nguyễn Phú Trọng – người đã làm Tổng bí thư suốt gần 3 nhiệm kỳ liên tiếp, và đó cũng là ngần ấy năm mà TKV thua lỗ chất chồng.


 

Tin bài liên quan:

Ngành than, khoáng sản sẽ gặp khó trong năm 2016

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi nào người dân mới dám công khai chỉ trích đảng?

Do Van Tien

VNTB – Hồ Mẫu Ngoạt có là ‘cú đổ domino’ khiến ông Tổng bí thư rời chính trường?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.