Nguyễn Thu Hương, cử nhân hóa, Đại học Tổng hợp TP.HCM
(VNTB) – Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 nạn nhân ở vụ án Đồng Tâm, luật sư Nguyễn Hồng Bách nói rằng “Dựng lại hiện trường vụ án Đồng Tâm thì quá dã man. Có nên dựng lại hiện trường 1 vụ giết người tàn bạo như vậy không?”.
Tôi, Nguyễn Thu Hương, tốt nghiệp với văn bằng Cử nhân hóa, do trường Đại học Tổng hợp TP.HCM cấp năm 1989, cho rằng cần dựng lại hiện trường, vì lý thuyết hóa học về sự cháy do xăng dân dụng trong một hố sâu yếm khí, không thể đưa đến thi thể ‘cháy thành than’ như báo chí đã đăng tải công khai hồi đầu năm nay.
Sáng 10-9, TAND TP. Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử “vụ án Đồng Tâm” (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Tại tòa, luật sư của 3 gia đình cảnh sát thiệt mạng tại Đồng Tâm vào đêm ngày 8, rạng sáng 9-1-2020 được trình bày quan điểm về vụ án. 3 công an bị đổ xăng đốt chết là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân.
Theo cáo trạng, 3 cảnh sát cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao khi tiến vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ mục tiêu. Tuy nhiên, 29 bị cáo trong vụ đã chống trả lực lượng chức năng. Khi 3 cảnh sát ngã xuống hố, các bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh đã chọc tuýp sắt gắn dao nhọn xuống rồi nhiều lần đổ xăng thiêu sống.
“Có luật sư cho rằng, có 2 bình khí CO2 đã cháy ở dưới hố, nghi ngờ nguyên nhân cái chết của 3 liệt sĩ công an. Tôi cho rằng cần nhìn nhận lại. Chúng ta có nên dựng lại hiện trường 1 vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui vào cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên? Nói 2 bình khí mà dẫn tới cái chết của 3 chiến sĩ tôi không đồng ý. Biển lửa trong hố đó cướp đi tính mạng của 3 chiến sĩ, có anh cháy trơ xương, hở lục phủ ngũ tạng ra liệu có sống được không? Không phải bất kỳ trường hợp nào cũng phục dựng, tái dựng hiện trường và thực nghiệm điều tra. Trường hợp này, chúng ta không nên thực nghiệm, như thế sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình thân nhân” – luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư Hà Nội), phát biểu.
Tôi không phải là luật sư, tôi đã tra tìm xem ông Nguyễn Hồng Bách có xuất thân ra sao, học hành thế nào mà kiến thức cơ bản về sự cháy lại như thời “liệt sĩ Lê Văn Tám” như tuyên truyền ở thời của nhà sử học Phan Huy Lê (1934 – 2018).
Xin dừng lại để nói một chút về cái sự cháy trong trường hợp Lê Văn Tám.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay số ra tháng 10 (năm 2009), giáo sư sử học Phan Huy Lê nói rằng ông đã được giáo sư Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện sử học và cũng là Bộ trưởng Tuyên truyền hồi thập niên 1940 kể cho nghe nhân vật Lê Văn Tám là do ông Liệu dựng lên để cổ vũ tinh thần chiến đấu của người Việt. Ông Phan Huy Lê cũng nói rằng ông Trần Huy Liệu đã nói với ông và hai người khác trong một cuộc gặp: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.
Dân ngành hóa trình độ hạng bét nhất cũng thừa hiểu khi đã tẩm xăng vào người và bật lửa để làm đuốc sống, thì người ta chỉ có thể chạy vài bước ngắn là đã không thể giữ thăng bằng vì nhiệt thay đổi đột ngột, làm gì có chuyện chạy một mạch vào kho đạn Thị Nghè như vào chỗ không người.
Trở lại với luật sư Nguyễn Hồng Bách.
Ông Bách có văn phòng mang tên “Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự”, đặt tại phòng 403, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo tự giới thiệu, thì ông Bách “có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bào chữa, tranh tụng, tư vấn đầu tư, tư vấn doanh nghiệp, đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động” – nghĩa là thế mạnh của luật sư Nguyễn Hồng Bách là tranh chấp dân sự ở phần quan hệ lao động.
Trong danh sách 5 cố vấn của “Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự”, thì đứng đầu là “Phó giáo sư – Tiến sỹ luật học – Đại tá Trần Văn Luyện – Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công An”. Xếp thứ tư là “Thượng tá Trịnh Văn Thảo – Nguyên trưởng phòng kỹ thuật hình sự – Công an Hà Nội”. Ba cố vấn còn lại đều thuộc Học viện tư pháp – Bộ Tư pháp.
Như vậy, tôi tin rằng hai cố vấn trong ngành công an kể tên cụ thể ở trên nếu thực sự học hành tử tế, chắc chắn sẽ tham vấn cho luật sư Nguyễn Hồng Bách về cách thực nghiệm về sự cháy trong môi trường yếm khí với vật chất gây cháy là xăng dân dụng, được đổ theo hướng từ trên miệng hố xuống phía dưới.
Ngoài ra, phép tính toán của các thợ lò thiêu ở Đài hóa thân Hoàn Vũ Văn Điển, chắc chắn sẽ hữu ích giúp cho luật sư Nguyễn Hồng Bách về con số thời gian tối thiểu để có thể thiêu cháy một người đang sống khỏe mạnh, có trang bị áo giáp với tâm thế chiến đấu, bằng chất gây cháy là xăng dân dụng ở môi trường yếm khí và cho ra kết quả như lời của luật sư Nguyễn Hồng Bách, là: “Biển lửa trong hố đó cướp đi tính mạng của 3 chiến sĩ, có anh cháy trơ xương, hở lục phủ ngũ tạng”.
Tôi không phải là luật sư. Tôi xin chép ra đây một đoạn giáo án thời tôi có thử làm giảng tập ở khối lớp 8, thay cho lời kết liệu có nên thực nghiệm lại hiện trường về vụ cháy ở Đồng Tâm:
“Các em đã biết ngọn lửa có là do các phản ứng hóa học giữa oxy trong không khí và nhiên liệu hoặc các vật liệu dễ cháy. Đó có thể là gỗ, ga, dầu hỏa. Nhưng dĩ nhiên, gỗ hay ga không tự nhiên cháy dù oxy có ở xung quanh. Ồ, nếu không thì chúng ta làm sao có rừng, làm sao có đồ gỗ trong nhà phải không nhỉ? Nhưng khi có một sự tác động như nhiệt, có sự cọ xát…, vật liệu sẽ bị làm nóng tới khi đạt nhiệt độ bắt cháy (ignition temperature), sự cháy xảy ra.
Điều này nghe có vẻ dễ hiểu, nhưng không phải ai cũng biết nhé. Quá trình để xảy ra sự cháy của gỗ hay than cũng phức tạp đấy nhé các em. Các em có bao giờ phải nhóm bếp củi không nhỉ? Các em luôn phải mồi bằng ngọn lửa, sau đó quạt mạnh một lúc, ban đầu có rất nhiều khói bay ra, lắm lúc bực mình vì khói cay xè mắt rồi mà lửa vẫn chưa bùng lên nhỉ. Các em có biết vì sao?
Khi em mồi, rồi quạt mạnh, sự cháy chưa xảy ra đâu. Đầu tiên, nhờ quá trình mồi với nhiệt tỏa ra từ ngọn lửa mồi, gỗ bị nung nóng. Khi nhiệt độ đạt 300F hay 150oC, cellulose, thành phần chính của gỗ, bị phân hủy tạo nên các hợp chất dễ bay hơi cấu tạo từ các nguyên tố Carbon, Hydro, Oxy. Chính các hơi này tạo thành khói làm cay mắt chúng ta. Phần chất rắn còn lại chính là than, mà thành phần chủ yếu là carbon, và tro chính là các khoáng không cháy có trong gỗ (Canxi, Kali…). Than củi mà chúng ta mua về để nướng chả chính là phần than còn lại sau quá trình đốt yếm khí gỗ, chỉ đủ để phân hủy cellulose như trên. Do đó, khi đun than củi thì không có nhiều khói như khi đun bằng củi (gỗ). Vậy nếu bây giờ ai hỏi các em vì sao đốt giấy tạo ra nhiều khói thế, em đã tự tin trả lời chưa nhỉ?
Khi các hợp chất bay hơi đạt đến độ nóng cần thiết (khoảng 500F hay 260oC), các phân tử này tiếp tục bị bẻ gãy và tác dụng với oxy tạo thành hơi nước, khí cacbônic và các sản phẩm khác. Đó là sự cháy. Tất nhiên carbon, thành phần chính của than, cũng bị oxy hóa bởi oxy trong không khí, nhưng phản ứng đó rất chậm so với phản ứng cháy của các khí ở trên. Do đó, khi nướng chả, các em sẽ thấy than duy trì ngọn lửa được lâu.
Những nhiên liệu như xăng dầu, gaz lỏng chỉ có 1 giai đoạn cháy: nhiệt làm bay hơi gaz, và đốt cháy khí gaz. Con người cũng học được cách khống chế ngọn lửa như sử dụng nến để đạt được quá trình cháy chậm như với than. Phản ứng cháy tỏa rất nhiều nhiệt. Chính điều đó duy trì sự cháy, và làm cho sự cháy lan tỏa. Nhiệt tạo ra do sự cháy đó duy trì vật liệu ở nhiệt độ bắt cháy, do đó sự cháy tiếp tục xảy ra cho đến khi không còn gì để cháy nữa, hoặc đến khi đội cứu hỏa can thiệp bằng các phương pháp dập lửa.
Bên cạnh nhiệt, phản ứng cháy kèm theo tỏa sáng. Ngọn lửa có màu gì phụ thuộc vào vật liệu cháy, và độ nóng của ngọn lửa. Màu sắc không đều trong ngọn lửa có nguyên nhân từ sự không đồng nhất nhiệt độ. Các em thấy điều này rất rõ trên bếp ga. Phần nóng nhất thường có màu xanh, phần ít nóng hơn có màu vàng hoặc cam.
Một đặc điểm nữa của sự cháy, đó là ngọn lửa luôn hướng lên cao. Đó là do khí nóng thì luôn nhẹ hơn không khí xung quanh, do đó khí nóng sẽ nổi lên trên, kéo theo ngọn lửa…”.
Không lẽ luật sư Nguyễn Hồng Bách đã quên mất kiến thức hóa học hồi lớp 8?
1 comment
Có bao nhiêu nhân sự trong lực lượng PCCC ở VN? Lực lượng này gồm có dân phòng + PCCC cơ sở + PCCC chuyên ngành + Cảnh sát PCCC, tổng hợp lại thì nhân số trên cả nước có thể là hàng triệu người. Kiến thức và dũng khí của nhân viên PCCC ở VN ra sao mà không một ai trong số đó có ý kiến về sự vô lý trong bản kết luận điều tra của công an HN về cái chết của 3 công an té hố ở Đồng Tâm?
Nếu không có kiến thức chuyên môn mà làm trong ngành PCCC thì liệu những nhân viên / cán bộ PCCC có thể làm việc hữu hiệu?
Nếu có kiến thức chuyên môn, hiểu biết những gì là hợp lý hay vô lý, mà không dám mở miệng lên tiếng phản bác thì những nhân viên / cán bộ PCCC tự thân có thấy hèn nhát quá độ không?
Tội nghiệp! nhân viên / cán bộ PCCC dám đi vào biển lửa nhưng không dám làm chứng cho sự thật – công lý chỉ vì sợ bọn độc tài dối trá côn đồ.