Việt Nam không thiếu những trường hợp vì nghèo mà chết, và chết vì đói ăn như thế. Trước đó, tại xã Đức Bồng, Vũ Quang, Hà Tĩnh, một bé gái lớp 3 (Trường Tiểu học Đức Bồng) vì quá đói nên khi đi xe, đã đâm vào thành cầu, rơi xuống sông chết.
Và “Thóc gạo cứu đói của chính phủ” tưởng chừng là câu nói đã được giải quyết cách đây hàng chục năm, nhưng đến năm 2015, nó vẫn hiện diện tại Quảng Trị, Lào Cai, Quảng Nam, Điện Biên, Ninh Thuận, Yên Bái…
Nhưng cũng tại Tp. Vinh (Nghệ An) hay nhiều tỉnh thành khác, không thiếu những bộ phận cán bộ “2Đ” – theo cách mà cử tri Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây.
“2Đ” không phải đói, mà là Đôla và Đất.
Nhưng họ không chết vì đôla và đất như 3 em học sinh trên, họ chỉ bị kiểm điểm, khiển trách và cao nhất là kỳ luật Đảng.
Và họ tiếp tục giàu lên nhờ mối quan hệ chính trị và tài sản bòn vét lúc tại chức.
Sự nghèo đói của nhân dân và cái giàu lên của một bộ phận không nhỏ giờ đây trở thành một bức tranh chung của chế độ hiện tại, một sự phi lý đến cùng cực vẫn diễn ra. Khi “chủ nhân” bị áp đặt và vắt kiệt sức bởi hàng loạt thứ thuế, phí cũng như nghĩa vụ làm cả đời trả nợ công nhằm đáp ứng cho nhu cầu “sài sang” của “đầy tớ.” Và không ngẫu nhiên mà theo một đánh giá gần đây, người Việt gánh thuế phí cao nhất ASEAN.
Một trong thói quen tiêu sài của “đầy tớ” thời nay chính là thông qua tham nhũng, tham nhũng trở thành quốc nạn, tham nhũng vặt từ “con gà, con vịt chạy lạc vào nhà quan”, cho đến những vụ án tham nhũng lớn như PMU 18, Vinalines hay các vụ án tham những qua vốn ODA đến nỗi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ông Mutsuya Mori cảnh báo Việt Nam không được để xảy ra tham nhũng trong bất kỳ dự án ODA nào do Nhật Bản bản tài trợ nữa, nếu không Nhật Bản sẽ “dừng viện trợ.”
Nhiều người bảo chính quyền Việt Nam “ăn mày ODA”, nhưng nếu ăn mày đó có thể giúp cho đất nước này được tốt lên thì đó cũng là “ăn mày yêu nước“, còn “ăn mày ODA“ mà còn gắn thêm ăn bẩn đồng tiền vay nước ngoài, thì đó là sự ăn trên quyền lợi của quốc gia dân tộc.
Nhưng chỉ một bộ phận nhỏ quan chức biết xấu hổ vì hành động tham nhũng, ngay cả trên đồng vốn ODA, còn lại là thông đồng, tiếp tay cho thả tay chi tiêu ngân sách, tăng cường đầu tư công lãng phí và coi đó là hành vi đương nhiên của thể chế – xã hội kim tiền.
Và họ lại tiếp tục giàu lên trong sự nghèo đói của quốc dân bởi sự thỏa hiệp với tham nhũng.
Theo Điểm C, Khoản 3, Điều 39 Dự thảo BLHS sửa đổi gần đây thì: “Người bị kết án không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và b khoản này nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một phần hai số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.“
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi, mà dân cứ chết đói, chết rét, thiếu tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.”
Và bao năm nay, sau cái ngày thống nhất, dân vẫn chưa được ăn no, mặc đủ, vẫn có những trường hợp chết vì đói thì một “bộ phận không nhỏ“ lại tăng lên, lại giàu nứt vách, đổ tường với những biệt phủ – những cán bộ “vì chế độ“ – “2Đ“.