VNTB – Trẻ sử dụng Internet quá mức là… bắt chước phụ huynh?

VNTB – Trẻ sử dụng Internet quá mức là… bắt chước phụ huynh?

Mai Lan

 

(VNTB) – Thời gian rảnh, cha mẹ chỉ biết dùng điện thoại thì con cái cũng sẽ bắt chước.

 

Khảo sát mới đây của Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho thấy có đến 89% trẻ em Việt Nam có sử dụng Internet, trong đó 87% dùng Internet mỗi ngày.

Môi trường số cho trẻ em?

Giới chuyên gia về phần mềm nhìn nhận phần lớn các em dùng chung các phần mềm như người lớn, chẳng hạn cùng một phần mềm YouTube, TikTok, Facebook, cùng chơi một tựa game. Rất ít có các công cụ tạo một môi trường số riêng cho trẻ em.

Một kết quả khảo sát về những mối nguy hại trên môi trường Internet với trẻ em được bà Nguyễn Phương Thanh Trúc – giám đốc điều hành Cyber Purify – công bố cho biết có tới hơn 79% trẻ em tiếp xúc không mong muốn với nội dung khiêu dâm trên Internet.

Cũng khoảng 70% trẻ em cho biết mình từng gặp phải tình trạng bắt nạt trên mạng. Ngoài ra là những nguy cơ khác như những nội dung gây hoảng sợ, nội dung có ngôn ngữ thù hận…

Bên cạnh đó, nhiều trẻ em cũng chưa biết cách bảo vệ “danh tính số” của mình. Theo bà Trúc, nhiều bạn trẻ hồn nhiên gia nhập các hội nhóm mạng xã hội phát ngôn tùy tiện, chia sẻ bí mật cá nhân, hoặc thậm chí có thể tung tin giả và sai sự thật, nhưng không biết rằng có thể tiềm ẩn nguy hiểm. Bởi vì mọi hành vi của người dùng trên mạng xã hội đều được hệ thống ghi lại và có thể gây bất lợi cho chính em ấy.

“Cha mẹ không nên lo lắng khi con không nghe lời mình, mà hãy lo lắng vì con luôn quan sát mình. Chính cha mẹ sẽ là những tấm gương phản chiếu cho con. Thời gian rảnh, cha mẹ chỉ biết dùng điện thoại thì con cái cũng sẽ bắt chước.

Ngược lại nếu cha mẹ dùng thời gian thường đọc sách, chơi thể thao thì con cũng sẽ học như thế. Cha mẹ chỉ cần thay đổi chính mình, con cái sẽ dần thay đổi theo” – nhiều ý kiến từ giới chuyên gia giáo dục đồng nhận xét như vậy.

Bình đẳng và công bằng trong tiếp cận Internet

Đầu năm nay, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF đã đưa ra một báo cáo chủ đề “Môi trường online an toàn cho trẻ em – Những chiến lược và thách thức toàn cầu”. Nghiên cứu được thực hiện bởi Văn phòng nghiên cứu của UNICEF, trong đó chỉ ra những thuận lợi cùng nguy cơ tác động đến sự phát triển của trẻ em trong thời đại số.

Ông Gordon Alexander – giám đốc Văn phòng nghiên cứu của UNICEF – cho rằng ranh giới giữa hai thế giới “online” và “offline” ngày càng được thu hẹp. Trẻ em trong thời đại số có thể dịch chuyển dễ dàng qua cả hai môi trường thực và số.

“Internet mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho trẻ em về học tập và hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, Internet cũng khiến trẻ tiếp xúc với những nguy hiểm, bất kể tuổi tác, vị trí địa lý và các ranh giới khác.

Trách nhiệm với người lớn để đặt ra một khuôn khổ đảm bảo trẻ em bình đẳng và công bằng truy cập Internet, cùng với một sự an toàn hơn môi trường trực tuyến” – ông Gordon Alexander nói.

Việt Nam đã có trường học dành cho trẻ nghiện game trên Internet

“Tôi biết nghiện game trên Internet là nguy hiểm, biết rằng không nên cho con chơi game. Nhưng con tôi về nhà kể rằng trong lớp của con, các bạn đều được chơi game. Cứ sau khi học bài xong là chơi game thoải mái, các bạn còn hẹn nhau để lên mạng chơi cùng nữa. Con than thở hoài nên tôi khuyên bà xã cho con chơi để con được giải trí như các bạn. Ban đầu mỗi ngày 30 phút, rồi tăng lên 40, 50 phút, bây giờ cháu chơi đến 1g-2g sáng mới đi ngủ”;

“Con tôi đã cãi cha mẹ rằng con không nghiện game, mỗi ngày con chỉ chơi game 45 phút, còn phần lớn thời gian con chỉ xem mấy clip người ta chơi game mà thôi. Nhưng đâu chỉ xem, ban đêm con chat với đám bạn về game đó một cách say sưa đến 2g sáng mới chịu đi ngủ. Vậy nên sáng ra uể oải. Cháu toàn kiếm cớ để không phải đi học”…

Hai ý kiến trên là ghi nhận khá phổ biến, đặc biệt là lúc học trò được nghỉ hè.

Để có thể dễ hình dung hơn nữa chuyện nguy cơ nghiện Internet đe dọa giới trẻ, mới đây Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao được lập trường phổ thông nội trú IVS, nhận học sinh nghiện games/ internet. IVS TP.HCM hiện có 2 cơ sở là tại Làng Đại học Quốc gia Thủ Đức, và phường Thạnh Lộc, quận 12.

Tuy nhiên trong thời đại kỹ thuật số, thì liều lượng sử dụng hàng ngày về Internet là cần quan tâm. Điều quan trọng là cân bằng giữa thời gian lên mạng và thực tại, giữa giải trí và học tập. Trẻ em ở độ tuổi khác nhau cần sự cân bằng khác nhau nên rất khó để đưa ra chuẩn chung. Và trẻ em sẽ thiệt thòi nếu như bị ngăn cản tiếp xúc với công nghệ – mấu chốt nằm ở việc chọn ra khoảng thời gian hợp lý và cách tiếp cận phù hợp…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)