Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 4)

Đoàn Viết Hoạt

 

(VNTB) – Trực tiếp đọc Mác tôi hiểu tại sao Mác hấp dẫn được nhiều trí thức.

 

Mác viết với cả con tim và khối óc của mình. Mạch văn lôi cuốn, lý luận sắc bén. Thêm vào đó là kiến thức sâu rộng. Nhưng đồng thời tôi cũng hiểu tại sao Lý đông A đã nhìn ra được những sai lầm căn bản của Mác. Sai lầm vì không phân biệt được giữa con người và tự nhiên vừa thống nhất lại vừa đối lập. Nên không thấy rằng chỉ từ khi con người biết tách khỏi tự nhiên, không để bị nhiên hóa, tìm hiểu, khai thác và điều chỉnh lại tự nhiên để xây dựng và phát triển đời sống đặc thù của con người thì con người mới bắt đầu lịch sử của mình. Như Lý Đông A đã nói: “Loài người thành tựu được là bởi sự tu chỉnh tự nhiên” (*). Và do đó không thể coi thời kỳ nguyên thuỷ, khi con người còn hòa lẫn vào tự nhiên và sống theo tự nhiên như các loài động vật khác, như là thời kỳ đầu tiên của lịch sử nhân loại, và hình thái mẫu mực của xã hội loài người, mà Mác gọi là “cộng sản nguyên thủy”.  Lý Đông A cũng cho rằng không thể có một nền “kinh tế tự nhiên” như Mác quan niệm vì còn tự nhiên thì chưa có kinh tế và kinh tế là một hành vi của con người tách ra và tu chỉnh lại tự nhiên. Từ đó tôi hiểu tại sao Lý Ðông A nhận xét rằng Mác muốn nuôi người như sắt với muối trong phòng thí nghiệm. Ðồng thời ông bác bỏ quy luật mâu thuẫn của Mác và cho rằng mâu thuẫn giai cấp chỉ xẩy ra trong thời kỳ bệnh thái của xã hội chứ không phải là quy luật thường thái của xã hội con người. Ðem tình trạng bệnh thái làm quy luật thuờng thái, lại biến nó thành quy luật đấu tranh thì không những sai lầm mà còn là tội ác.

Rất nhiều điều tôi biết được đã giúp tôi hiểu rõ nhiều quan điểm mới lạ của chính Lý Đông A, đã đưa ra từ đầu thập niên 1940, khi ông mới 20 tuổi. Như học thuyết bản vị của ông. Khi còn ở Sài Gòn tôi không hiểu bao nhiêu, chỉ mơ hồ thấy rằng đây là một mô hình tổ chức và quản lý mới để thực hiện lý tưởng nhân chủ của Lý tiên sinh, nhưng không thấy rõ cụ thể như thế nào. Khi học về học thuyết hệ thống (systems theory) (*) tôi mới hiểu được học thuyết bản vị. Học thuyết hệ thống là khám phá tuyệt vời trong ngành khoa học quản lý của Tây phương, đưa ra một tầm nhìn mới, một mô hình tổ chức và quản lý hoàn toàn mới, không theo mô hình kim tự tháp, nhưng theo mô hình mạng, network, mà LĐA gọi là cơ năng hóa. Mỗi đơn vị, mỗi cơ cấu, mà LĐA gọi là “bản vị” (unit trong tiếng Anh) kết hợp nên và vận động bởi nhiều thành phần khác nhau nhưng cùng hướng về một trung tâm, mà LĐA gọi là những “cơ năng thành phần”. Vào thời điểm tôi làm luận án tiến sĩ, tức là đầu thập niên 1970, học thuyết hệ thống mới bắt đầu được vận dụng trong quản lý kinh tế, thương mại và quân sự. Những thập niên sau đó tiếp tục được khai triển và áp dụng trong mọi ngành hoạt động của xã hội tại các quốc gia tiên tiến. Điều mà Lý Đông A quan tâm khi đưa ra mô hình bản vị-cơ năng, và chế độ chính trị xã hội mà ông gọi là chế độ cơ năng hay cơ năng hóa, không phải chỉ là hiệu năng của công việc, mà quan trọng hơn là vị trí và vai trò của con người, của người trong tổ chức và trong công việc; là quan hệ giữa người làm việc với tổ chức và công việc. Lý Đông A quan niệm rằng con người phải vừa là động lực vừa là cứu cánh của mọi công việc, và công việc phải là môi trường để phát triển người làm việc, chứ không phải chỉ lấy mục tiêu là gia tăng năng suất. Ông cho rằng: “Yếu điểm của Stakhanovisme và Taylorisme là lấy hiệu suất của công việc làm mục tiêu, mà cơ năng vận động lấy phát dương sinh mệnh trong công việc làm mục tiêu.” (**)

Từ đầu năm 1974 trở đi, sau khi công việc ở Vạn Hạnh đã tạm ổn định, tôi bắt đầu tập trung vào các hoạt động Duy Dân. Tôi nói với Thầy tôi ra lại tờ nội san Nghĩa Gốc. Tôi trực tiếp phụ trách cùng một số anh em trẻ lo từ bài vở đến ấn loát. Lúc đầu chúng tôi cố gắng ra đều đặn mỗi tháng một số, về sau nhiều khi phải hơn một tháng mới ra được một số. Những bài quan trọng tôi đều đưa Thầy tôi xem trước khi đưa in roneo. Một đồng chí của Thầy tôi tương đối khá giả đã mua một máy in roneo mới giúp cho việc in ấn.

Tôi cũng tìm dịp phổ biến tư tưởng của cụ Lý trong giới sinh viên. Những hiểu biết của tôi về các ngành học thuật mới của Âu Mỹ đã giúp tôi hiểu rõ hơn các quan niệm của cụ Lý, nhất là về phần lý luận thực tiễn, tức phần kế hoạch xây dựng xã hội. Tôi đem những khám phá của mình ra nói chuyện với các bạn thân thiết và một số sinh viên trẻ hơn. Tôi đặt trọng tâm vào việc phổ biến tư tưởng và càng về sau này tôi càng ít chú ý hơn đến mặt tổ chức đảng. Tôi cho rằng đảng Ðại Việt Duy Dân đã đi vào lịch sử. Nhiệm vụ lịch sử của nó là công bố cho quốc dân biết là đã có một Lý Ðông A và một hệ thống tư tưởng và một phương pháp luận mới. Những người hoạt động dưới danh nghĩa đảng Ðại Việt Duy Dân đã hoàn thành nhiệm vụ của họ đúng như Lý Đông A đã viết trong tiểu luận “Thế Hệ”:

 “Trong thế kỷ XX, nước Việt đã trải qua bốn thế hệ người, mỗi thế hệ có một mẫu mực đặc sắc, nó đánh dấu cho sự tiến hóa tất nhiên của nòi giống qua từng giai đoạn nào. Lấy năm 1940 đây mà nói, những vị già nua vào hạng cha chú chúng ta từ 50 tuổi trở lên, không còn dư địa làm chủ được thời đại nữa. Những các anh chị chúng ta từ 30 tuổi hơn cũng không thích hợp và có viễn kiến, cái viễn kiến có nền tảng đích thực để mà ra dẫn dắt cho được đời sống mới và khó khăn này trên một văn minh mới và phải sáng tạo cho dân tộc được. Còn những người của ngày nay, nghĩa là 30 tuổi trở lại, 16 tuổi trở ra, đấy chỉ là những nút chuẩn bị và liên lạc cho một thời đại Việt lớn lao lên và sung sướng lên trong máu xương và đau khổ, hạng này là nền tảng của văn minh mới. Nhưng mà chủ nhân chân chính của văn minh Vạn Thắng mới của Việt là những con em chúng ta 16 tuổi trở về. Họ sẽ đứng lên oanh liệt và chỉ huy sáng suốt được lịch sử dân tộc về tương lai.” (*)

Nhưng còn một nhiệm vụ nữa quan trọng hơn. Ðó là khai triển và thực hiện những quan điểm mới đó ra trong đời sống cá nhân và xã hội. Nhiệm vụ này chỉ thực hiện được bởi những người được trang bị về cả hai mặt nhận thức và kỹ năng. Nhận thức thống quan xuyên suốt đông tây kim cổ để định hướng hành động, làm cho hành động có động cơ và cứu cánh nhân bản, phát huy được đường sống đặc thù của loài người, điều mà Lý Ðông A gọi là Nhân Ðạo, đường sống người. Ðể con người không bị vong thân theo thú vật hay theo thuần túy tự nhiên vô tình, vô định, điều mà Lý Đông A gọi là bị “nhiên hóa”. Và được trang bị cả kỹ năng khoa học để biến nhận thức thành hành động, biến ý tưởng thành tiến trình hiện thực và kết quả cụ thể, nâng cao đời sống con người cả tinh thần lẫn vật chất, cả phẩm chất lẫn khối lượng.

Và điều quan trọng hơn là nhiệm vụ này không thể thực hiện được trong bất cứ một hình thức khuôn khổ khô cứng và đóng cõi nào, cả về mặt tư duy lẫn về mặt hành động. Về mặt tư duy, dù Lý Ðông A có gọi hệ thống tư tưởng của ông là “chủ nghĩa”, nhưng ông cũng cho rằng chủ nghĩa được sản sinh ra từ quốc dân, chứ quốc dân không sinh ra từ chủ nghĩa.

Còn về tên chủ nghĩa, mặc dù Lý Ðông A gọi là “Duy Dân” nhưng thực ra trong hệ thống tư tưởng của ông không phải chỉ có một “duy” mà là ba “duy”, Duy Nhiên, Duy Nhân và Duy Dân. Sở dĩ lấy một “duy” để đặt tên vì ông muốn nhấn mạnh phần thực hiện trong xã hội, phần cho dân và do dân (Duy Dân). Hơn nữa “duy” chỉ là để chỉ phần trừu tượng, phần tư duy, phần “phạm trù tư tưởng”. Còn trong thực tế đời sống con người không thể có một “duy” duy nhất và biệt lập nào. Cả ba thứ “duy” đó đều quyện xoắn vào nhau không tách biệt nhau được. Nếu có thì chỉ có thể có một “duy” là Duy Nhiên, tức tự nhiên thuần túy, ở ngoài và tách biệt khỏi con người như đại tự nhiên, đại vũ trụ, không có và không cần tới con người. Nhưng trong đời sống con người thì tự nhiên đã biến đổi và tương quan chặt chẽ với con người, và do đó không còn chỉ là một “duy nhiên” được nữa, mà luôn tương quan với “duy nhân” và “duy dân”.  Nhưng gọi là chủ nghĩa Duy Dân vì “Chữ DUY DÂN của chúng ta manh nha từ cụ Phan Bội Châu. Cụ đã nói: “Dân chẳng Duy Tâm, chẳng Duy Vật, Dân chỉ Duy Dân” (dân chỉ vì dân). Mà xét ra, tất cả nền móng kiến thiết con người là cũng chỉ để kiến thiết cho người dân.” Và do đó, cũng giống như mọi tư tưởng lớn khác của nhân loại, mọi tên gọi, cơ chế hóa tư tưởng và hình thái tổ chức đều có thể dễ dàng làm sai lạc hoặc lu mờ những nét tinh túy nhất của hệ tư tưởng đó, nếu chúng ta không cẩn trọng, và hiểu toàn vẹn được ý nghĩa của nó.

Lý Đông A đã thành công trong việc soạn thảo khá đầy đủ bộ chủ nghĩa mà ông gọi là “Việt Duy Dân Quốc Sách Thảo Án Toàn Pho”. Ngày nay ông không còn nữa nhưng các tác phẩm do ông biên soạn vẫn còn được các đệ tử của ông lưu giữ khá đầy đủ, từ thế hệ khởi đầu, 1940’s, đến ngày nay, thế hệ 2000’s, hiện đã được chuyển thành các bản điện tử (PDF), một số đã được chú giải, và khoảng hơn 20 tập đã được đưa vào một trang nhà để mọi người quan tâm có thể cùng tham khảo.

Lý Đông A đã biết việc làm cách mạng của ông không có điều kiện để thành công. Theo thân sinh tôi cho biết, khi ông mới bắt đầu hoạt động trong đảng Duy Dân Lý Đông A đã dặn ông hãy “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, không cần phát triển đông người. Tuy nhiên thân sinh tôi quá hăng say và những người mà ông phát triển cũng hăng say tích cực như ông nên sau một thời gian ông đã phát triển được rất đông đồng chí. Vào cuối năm 1944 khi báo cáo thành quả này với Lý Đông A, ông bị khiển trách, dù cũng được chấp nhận thành lập Cán sự bộ 002, mà ông là Cán sự trưởng. 

Thân phụ tôi kể, đầu năm 1945, Lý Đông A về thăm ông tại nhà ở làng Yên Phúc, Hà Đông, trải ra một tấm bản đồ, chỉ vào một địa điểm trong bản đồ và nói cộng sản bị Tây bắt mấy cán bộ cao cấp ở đó. Thân sinh tôi mừng và nói như vậy nó yếu đi rồi. Cụ Lý cười nói tiên sinh không biết đấy, nó không yếu đâu, nó đang lên mạnh đấy. Rồi vào giữa năm 1945, cụ Lý lại về và nói thân sinh tôi sửa soạn đi với ông ấy đến nhà một đồng chí ở Ninh Bình, mượn hai căn buồng. Cụ Lý nói thân sinh tôi ở buồng ngoài canh chừng không cho ai vào buồng trong để ông ấy ngồi tịnh tâm xem xét tình hình. Lý Tiên sinh dự tính ngồi như thế khoảng 1 tuần, nhưng chỉ sau vài ngày cụ nói xong rồi. Trước khi chia tay cụ Lý nói với thầy tôi đại ý là “Mùa thu này Việt Minh sẽ lên. Thời của chúng ta chưa tới, chúng ta phải rút đi thôi. Tôi sẽ cho lệnh giải tán Tổng Đảng Bộ, nhưng Tiên sinh đừng cho ai biết vội.” Sau đó hai người chia tay. Đến đầu năm 1946, sau vụ Hòa Bình, một hôm có một đồng chí đi xe đạp, từ Hà Nội về, nói cụ Lý muốn gặp thân sinh tôi. Nhưng lúc đó thân sinh tôi phải hết sức cẩn trọng, đang bị theo dõi rất sát, nếu lên Hà Nội có thể làm lộ ra nơi cụ Lý đang trú ẩn. Ngày hôm sau người này trở lại đưa cho thân sinh tôi một mảnh giấy do Lý Đông A viết, chữ rất nhỏ. Đó là lệnh chính thức giải tán Tổng Đảng Bộ, và chỉ thị cho mỗi nơi tự sinh hoạt không cần chờ lệnh trên. Từ đó thân phụ tôi không nhận được tin tức gì về Lý Đông A nữa.

_______________________

(*) Lý Đông A. “Thế Hệ”. Bông Lau. 4822 TV, 1943 – tr. 10-11.   

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2020/05/tieu-luan-thang-nghia.pdf


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Học Thuyết Bản Vị

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam mới

Trương Thế Tử

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 7)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo