Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt (phần 1)

 

Đoàn Viết Hoạt

 

Theo Thầy tôi cho biết thì cụ Lý tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm 1920 tại Hoa Lư, Ninh Bình. Khi hoạt động cách mạng mới lấy tên là Lý Ðông A, có nghĩa là Lý Trần, vì hai chữ Ðông A trong Hán tự ghép lại thành chữ Trần. Ðây là hai triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam. Không biết vì lý do gì ngay từ thuở nhỏ cụ Lý đã được gia đình gửi lên chùa ở. Cụ học chữ Hán, Nho học và Phật học ở chùa cho đến năm 14 tuổi thì ra Hà Nội, nghe nói có thời gian trọ học tại nhà ông Ngô Tất Tố, lúc đó đang coi Thư viện Viện Viễn Đông Bác Cổ. Ông tự học Pháp văn tại đây, và trong thời gian này vào đọc sách tại Thư Viện Quốc Gia, lúc đó do ông Ngô Đình Nhu đang làm Giám đốc.

Thân phụ tôi hơn cụ Lý 20 tuổi. Thầy tôi bắt đầu biết cụ Lý khoảng cuối năm 1942 nhưng trong trường hợp nào thì tôi không rõ. Sau khi theo cụ Lý và gia nhập đảng Ðại Việt Duy Dân một thời gian ngắn, Thầy tôi kết nạp được thêm bốn người nữa và thành lập tổ cách mạng đầu tiên của ông. Theo thủ tục, mỗi người chọn một bí danh. Năm người đều đồng ý chọn 5 dòng họ Ðinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, cùng ghép vào 5 tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thầy tôi đứng đầu lấy tên là Ðinh Nhân còn 4 người kia lần lượt lấy tên là Lê Nghĩa, Lý Lễ, Trần Trí và Nguyễn Tín. Tất nhiên theo đúng quy định của đảng Ðại Việt Duy Dân, mọi đảng viên Duy Dân đều phải lấy bí danh có chữ Thái đứng đầu. Nên trong đảng Đại Việt Duy Dân thì Thầy tôi có bí danh là Thái Nhân.

Thầy tôi cho biết mọi đảng viên Duy Dân đều lấy họ Thái vì Lý Ðông A, Thư Ký Trưởng của đảng, cho rằng núi Thái Sơn, thuộc Sơn Ðông vùng Hoa Bắc Trung Hoa ngày nay, cách đây trên 4000 năm là địa bàn cuối cùng của chủng tộc Miêu, lúc đó đã làm nông nghiệp. Trong cuộc tương tranh với chủng tộc Hoa, lúc đó còn là du mục, do Hoàng Ðế lãnh đạo, Miêu tộc lúc đó do Xuy Vưu lãnh đạo, bị thua sau hơn ba năm chiến đấu, bỏ mất cứ điểm cuối cùng ở Hoa Bắc. Thái Sơn, một ngọn núi thiêng ở tỉnh Sơn Ðông, bị Hoàng Ðế chiếm mất. Lý Ðông A gọi đây là thất bại Thái Sơn, thất bại đầu tiên và quan trọng của Miêu Tộc, tổ tiên của Việt Tộc, trước người Hán. Vì thất bại này mà toàn bộ di sản văn hóa nông nghiệp gồm dịch học, nông lich và chữ viết (khoa đẩu) bị mất vào tay người Hán. Theo Lý Ðông A thì đây là thất bại văn hóa đầu tiên và hậu quả hết sức nghiêm trọng vì người Hán từ đó tạo ra vũ khí văn hóa và chính trị sắc bén là Khổng học với tư tưởng Ðại Hán, để đi chinh phục, bành trướng và đồng hóa các dân tộc chung quanh thành nước Trung Hoa ngày nay. Tổ tiên chúng ta đã ghi nhớ sự kiện này với câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn”. Các đảng viên Duy Dân phải lấy họ Thái để nhắc nhở nguồn gốc dân tộc và nguồn gốc văn hoá đó, đồng thời nuôi dưỡng ý chí phục hoạt sức mạnh văn hóa tiềm ẩn của dân tộc làm vũ khí tinh thần cho việc xây dựng đất nước trong thời đại mới.

Vì Thầy tôi hơn tuổi cụ Lý nên cụ Lý đồng ý để hai người gọi nhau là Tiên sinh. Theo Thầy tôi kể lại thì mỗi lần về làng gặp Thầy tôi, cụ Lý thường giảng giải cho Thầy tôi nghe về lý luận cũng như thời cuộc. Thầy tôi kể rằng vào khoảng giữa năm 1944, Lý Tiên Sinh về làng đưa cho Thầy tôi chiếc cặp da đựng đầy tài liệu và bảo Thầy tôi chép lại. Chiếc cặp da này lúc nào Lý Tiên Sinh cũng mang theo bên mình. Cụ Lý bảo Thầy tôi rằng đây là lần đầu tiên cụ cho chép lại tất cả những tập tài liệu viết tay của cụ, và cụ gọi đó là ấn bản lần thứ nhất. Lúc đầu Thầy tôi chép một mình, nhưng sau thấy quá chậm nên phải kêu thêm một người nữa cùng chép, thế mà cũng phải mất sáu tháng mới xong. Thầy tôi nói rằng cụ Lý viết chữ rất nhỏ, nhiều khi phải dùng kính lúp soi mới đọc rõ được. Trong nhiều bản chép lại sau này chúng ta thấy cuối bản có ghi thêm hai chữ X.Y. trước tên Thái Dịch Lý Đông A. Theo thân sinh tôi thì đó là những bản đã được chính cụ Lý đọc lại và công nhận là chép đúng nguyên bản viết tay của cụ. Tất nhiên điều này không có nghĩa là tất cả những bản sao chép, đánh máy lại sau này có thêm hai chữ X.Y. đều không sai với nguyên bản gốc, vì những bản này sao đi chép lại nhiều lần, không có gì bảo đảm là không bị sai lạc với bản chép lại đầu tiên có hai chữ X.Y. 

Sau này khi tôi lớn khôn và bắt đầu tìm hiểu về tư tưởng Lý Ðông A, tôi thường được Thầy tôi kể cho nghe nhiều mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Thầy tôi có liên quan tới cụ Lý. Tôi còn nhớ một số chuyện quan trọng mà tôi muốn ghi chép lại ở đây như những dấu tích lịch sử đáng lưu ý liên quan đến Duy Dân và Lý Ðông A, một nhân vật mà càng hiểu biết tôi càng tin rằng đây là một thiên tài tư tưởng hiếm có của dân tộc Việt.

Vào khoảng giữa năm 1944, một hôm cụ Lý đến nhà Thầy tôi bàn công việc. Thầy tôi tường trình về kết quả phát triển cơ sở cách mạng của ông. Lúc đó Thầy tôi và các đồng chí của ông đã kết nạp được hàng mấy chục đảng viên trên một địa bàn khá rộng của nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và vùng người Mường ở Hòa Bình, Thanh Hóa. Nghe Thầy tôi tường trình, cụ Lý có vẻ không bằng lòng và trách Thầy tôi vì cụ đã dặn Thầy tôi không nên phát triển rộng mà chỉ cần “ quý hồ tinh bất quý hồ đa” mà thôi. Thầy tôi giải thích rằng anh em họ quá hăng say nên cứ phát triển không ngăn cản được. Cuối cùng cụ Lý đành chấp nhận và cho phép thành lập Cán Sự Bộ 002 (thường viết tắt là CSB/002, hoặc chỉ gọi tắt là 002 (Linh linh hai), và cử Thầy tôi làm Cán Sự Trưởng. 

Vào đầu năm 1945, khoảng sau Tết ta, cụ Lý lại đến và giở một tấm bản đồ ra xem rồi chỉ vào một chỗ trên bản đồ nói với Thầy tôi:

   “Cộng Sản mới bị Tây bắt mấy cán bộ cao cấp ở chỗ này.”

Nghe thế Thầy tôi tỏ vẻ vui mừng và nói rằng:

 “Thưa Tiên sinh, Cộng sản nó có ít cán bộ cao cấp mà bị bắt thế thì hẳn yếu đi đấy.” 

 Cụ Lý lắc đầu cười bảo Thầy tôi:

  “Tại Tiên sinh không biết đấy chứ tôi thấy thời cơ của họ đang tới. Tôi sợ rằng mùa thu này họ sẽ lên.” 

Thầy tôi bán tín bán nghi không nói gì cả.

Sau đó chừng hai tháng, cụ Lý lại đến và bảo Thầy tôi sửa soạn đi công việc với cụ ít ngày. Hai người đến Hoa Lư, Ninh Bình, ở nhà một đồng chí, mượn hai căn buồng. Cụ Lý ở buồng trong, Thầy tôi ở buồng ngoài. Cụ dặn Thầy tôi canh chừng ở buồng ngoài không cho ai vào buồng trong để cụ thiền định suy ngẫm mọi việc, đến giờ ăn cơm cụ mới trở ra. Thỉnh thoảng cụ cũng trở ra trước giờ cơm để trò chuyện với Thầy tôi. Trong dịp này cụ có làm vài bài thơ bảo Thầy tôi thổi sáo cho cụ ngâm, trong đó Thầy tôi nhớ mãi một số câu chan chứa niềm u uẩn:

 

                          Nghĩ đến sự nước nòi lòng tan nát

                          Có ai còn nhớ chữ trượng phu chăng?

                          Núi Lam Sơn còn sống lại Thánh vương

                          Ðể mở lại nước non nòi Ðại Việt.

                                          (Quốc Sỉ, 4824 TV (1945) (*)                        

 

Cụ định ngồi tịnh tâm như thế hai tuần lễ nhưng được khoảng hơn một tuần thì cụ bảo với Thầy tôi sửa soạn ra về. Trước khi chia tay, cụ nói với Thầy tôi đại ý như sau:

“Tôi xem thấy Việt Minh sắp lên rồi, thời cơ của chúng ta chưa tới, chúng ta phải rút đi thôi. Tôi sẽ ra lệnh giải tán Tổng Ðảng Bộ, tôi nói trước để Tiên sinh biết rồi sẽ có chỉ thị chính thức sau, Tiên sinh cứ giữ kín đừng cho ai biết vội nhé.” 

Sau đó hai người chia tay.

Tới đầu năm 1946, ngay trước khi xẩy ra vụ Hòa Bình, Thầy tôi đang ở nhà quê thì có liên lạc viên quen thuộc của cụ Lý về bảo Thầy tôi lên gặp cụ ở Hà Nội. Lúc đó Thầy tôi đang bị canh chừng rất gắt nên Thầy tôi nói với người liên lạc rằng ông không thể rời làng lúc này được vì sẽ bị theo dõi, sợ làm lộ chỗ ở của cụ Lý. Thầy tôi yêu cầu người liên lạc trở ra Hà Nội dặn cụ Lý bảo trọng thân thể, nếu có việc thật cần thiết thì Thầy tôi sẽ tìm cách lên Hà Nội, còn nếu không thì thôi. Vài hôm sau người này trở về lấy từ trong xe đạp ra một mảnh giấy gập nhỏ đưa cho Thầy tôi. Theo lời Thầy tôi kể lại thì mảnh giấy chỉ bằng bàn tay, viết hai mặt, chữ rất nhỏ. Ðây là chỉ thị chính thức giải tán Tổng Ðảng Bộ, rút vào bí mật, từ nay mỗi nơi tự hoạt động theo đúng đường lối đã đề ra cho thời kỳ tĩnh viên, không cần đợi chỉ thị từ trên. Thầy tôi rất tiếc vì loạn lạc đã không giữ được chỉ thị quan trọng này. Và kể từ đó Thầy tôi không còn gặp được cụ Lý nữa


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 3)

Do Van Tien

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 5)

Do Van Tien

VNTB – Học Thuyết Bản Vị

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo