Đức Minh
(VNTB) – Những tháng còn lại của năm 2020, chính trường xứ Việt đang vào cuộc nước rút cho kỳ chung cuộc của “Hoa Sơn luận kiếm”.
Ngày 2-10, Ban Tổ chức Trung ương Đảng tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành Tổ chức xây dựng Đảng 9 tháng năm 2020. Báo cáo kết quả công tác 9 tháng năm 2020, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, đã tham mưu cấp ủy hoàn thành 100% đại hội cấp cơ sở, 99,92% đại hội cấp trên trực tiếp cơ sở, tổ chức thành công 14/67 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương theo đúng quy định, chất lượng, việc thảo luận, đóng góp vào các dự thảo văn kiện đại hội cấp trên được nâng lên.
Việc bầu cử bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan và kết quả cơ bản theo đúng phương án nhân sự do cấp ủy khóa trước chuẩn bị. Những người trúng cử đều có tỷ lệ phiếu bầu cao.
Bên cạnh đó, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã triển khai đồng bộ công tác cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội khóa 15. Có 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã thực hiện xong quy trình giới thiệu nhân sự Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Xem ra những quân cờ trên bàn cờ chính trị đang dần đi vào quỹ đạo của một ván ‘cờ thế’, hay ‘cờ tàn’ cho các toan tính lựa chọn ‘giáo chủ’ đăng đàn sau hồi chung cuộc của “Hoa Sơn luận kiếm” – như cách nói dân dã của dân Sài Gòn ghiền truyện kiếm hiệp Kim Dung.
Về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng hoàn thành đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương với chất lượng cao, đúng tiến độ, đồng thời, rút ra những kinh nghiệm hay, bài học quý để chuẩn bị tổ chức thật tốt Đại hội XIII của Đảng.
Ông Phạm Minh Chính, cam kết: Đảm bảo công tác nhân sự Đại hội XIII ‘trong ấm ngoài êm’ (!?).
Ông Phạm Minh Chính, hàm trung tướng công an, từng là thứ trưởng Bộ Công an. Ông cũng là một những kiếm khách võ lâm được cho là sẽ góp mặt thượng đài trong nhóm kiểu như “võ lâm ngũ bá” trên đỉnh Hoa Sơn ở tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình. Mở ngoặc nói thêm, rất nhiều ý kiến cho rằng ông Phạm Minh Chính lúc giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh – dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã được giao thực hiện đề án đặc khu Vân Đồn với sự hỗ trợ công khai từ phía Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến – Trung Quốc.
Đồn đoán còn là việc Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi ấy đã chủ động đề xuất về sự đồng bộ của xây dựng thêm đặc khu Móng Cái. “Ông Phạm Minh Chính không phải như những lãnh đạo Đảng hay lãnh đạo địa phương khác mà chờ phía trên giao việc. Mà ông muốn chủ động trong công việc.
Thứ nữa, ông Phạm Minh Chính viết rất nhiều sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rồi ổng có nghiên cứu từ thời ổng là Tuỳ viên sứ quán ở Đông Âu trong giai đoạn Đông Âu chuyển hoá từ độc tài sang dân chủ. Từ đó mới sinh ra là ông Phạm Minh Chính cũng muốn tích cực làm đặc khu này” – nhà báo tự do Quang Hữu Minh đã có nhận định như vậy về chính khách Phạm Minh Chính.
Rất dễ nhận ra về ông Phạm Minh Chính là một chính khách ‘số má’, và điều này nên khi ông mạnh miệng tuyên bố về Đảm bảo công tác nhân sự Đại hội XIII ‘trong ấm ngoài êm’, có thể hiểu theo đa từng ngữ nghĩa: Thứ nhất, ông Chính đã ‘quán triệt’ tuân thủ về những quân cờ, nước cờ, thế cờ mà ông Tổng bí thư yêu cầu cho nhân sự Đại hội Đảng lần thứ 13.
Thứ hai, là nói vậy mà không phải vậy. Ông Chính ngầm cảnh báo rằng đang có làn sóng ngầm âm ỉ đe dọa phá vỡ viễn cảnh ‘trong ấm ngoài êm’. Để mọi chuyện im xuôi, thì ông Tổng bí thư phải nghe theo lời sắp đặt của ông Chính lúc bước vào giai đoạn của thế ‘cờ tàn’.
Thêm từng ngữ nghĩa nữa, là ông Chính đang bắn tin đe dọa phe nhóm quyền lực nào đó ở Bộ Chính trị, khi Bộ này vừa có quyết định phân công bà Phạm Thị Thanh Trà làm Phó ban Tổ chức Trung ương, đồng thời chỉ định bà Trà tham gia Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ.
Bà Trà từng là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII. Em trai của bà Trà là Phạm Sỹ Quý – người dính lùm xùm việc sở hữu “biệt phủ” khi đang làm giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Yên Bái, vào đầu năm ngoái cũng được chuyển công tác về Hà Nội, bất chấp nhiều chứng cứ cho thấy thế lực chị em Phạm Thị Thanh Trà – Phạm Sỹ Quý là một ổ tham nhũng to nhất ở tỉnh Yên Bái.
“Trong ấm, ngoài êm” hay sẽ là “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”?