(VNTB) – Những người chịu đựng các chế độ độc tài đều biết rằng “không gian công” tồn tại không phải vì lợi ích của người dân mà là một cơ chế giám sát của nhà nước độc tài.
Ruth Ben-Ghiat là một nhà sử học người Mỹ. Cô là một học giả về chủ nghĩa phát xít và các nhà lãnh đạo độc tài. Cô là giáo sư lịch sử và nghiên cứu tiếng Ý tại Đại học New York. Trong bài viết về hậu thế của các chế độ độc tài lâu dài ở Syria và Libya, cô nhận xét rằng nhà tù là kho lưu trữ những câu chuyện phản kháng, và cái giá của sự im lặng và sự sợ hãi.
Các chế độ độc tài có vẻ vững chắc cho đến khi thực tế hé lộ là những chế độ ấy không thể tồn tại nữa. Những kẻ độc tài đang nắm quyền, dường như không thể lay chuyển và toàn năng, cho đến khi chúng đột ngột ra đi. Tuy nhiên, có thể mất thời gian rất lâu để các chế độ độc tài đó biến mất – trong một số trường hợp là cả đời của nhiều người.
Chúng ta đang thấy hình ảnh trên các phương tiện truyền thông về người dân Syria đã bị sốc rằng tên bạo chúa và chế độ của hắn cuối cùng đã sụp đổ. Các hình ảnh như thế nói lên những tổn hại về mặt tâm lý và xã hội trong nhiều thập kỷ của chế độ độc tài.
Kinh nghiệm trong chuyển đổi cũng nhắc nhở chúng ta về lòng dũng cảm của bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó đã phản đối nhà nước, tố cáo những hành vi lạm dụng hoặc nói lên sự thật về những gì đang xảy ra trong nước.
Khi các chế độ độc tài tồn tại lâu đời, như triều đại Assad ở Syria (cha Hafez nắm quyền trong 29 năm, cho đến năm 2000, và sau đó con trai Bashar cai trị thêm 24 năm nữa), bạo chúa Tây Ban Nha Francisco Franco (36 năm), hay nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi (42 năm), nhiều thế hệ có thể lớn lên cùng với những nhà lãnh đạo tham nhũng và tàn bạo.
Để nhắc nhở người dân về những rủi ro khi không tuân theo mệnh lệnh của nhà nước độc tài, lãnh tụ và những người hỗ trợ y đảm bảo rằng y luôn hiện diện trước mặt họ 7 ngày mỗi tuần và 24 giờ mỗi ngày –và không chỉ thông qua những bức chân dung mọi nơi trên các tòa nhà, đường phố và trường học. Lãnh tụ là điều đầu tiên mọi người nhìn thấy khi mạng lưới tuyên truyền của y bắt đầu phát sóng mỗi ngày. Và điều cuối cùng họ nghe được khi nó ngừng phát sóng buổi tối có thể là lời “chúc ngủ ngon” do đích thân nhà độc tài ấy nhắn nhủ.
Không có gì ngạc nhiên khi các chế độ độc tài lâu đời sụp đổ, mọi người khó có thể tin rằng kẻ hành hạ họ đã thực sự ra đi, cùng với những đồng phạm duy trì sự sùng bái cá nhân, giữ bí mật và tra tấn kẻ thù của y. Trong một môi trường đầy rẫy những thuyết âm mưu, tin tức về việc tên bạo chúa đã sụp đổ có vẻ chỉ là một tin đồn khác. “Lãnh đạo của chúng ta mãi mãi” là khẩu hiệu của triều đại Assad. “Chúng ta sẽ ở bên nhau cho đến khi chết” là phiên bản của Tổng thống độc tài Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Đó là lý do tại sao thi thể của nhà độc tài Phát xít Benito Mussolini được trưng bày tại quảng trường Milan sau khi y bị quân du kích Ý giết vào tháng 4 năm 1945, và tại sao thi thể của Gaddafi được đặt trong phòng bảo quản lạnh ở Misrata để công chúng xem. Một số người Libya đã lái xe hàng trăm dặm để tận mắt chứng kiến rằng y đã chết.
Những kẻ độc tài gây tổn thương cho người dân như một biện pháp khiến họ sợ hãi và im lặng, và tổn thương tâm lý có thể tồn tại rất lâu sau khi lãnh tụ không còn quyền lực nữa. Hàng thập niên kiểm duyệt và tự kiểm duyệt cũng có những ảnh hưởng lâu dài.
Những người chịu đựng các chế độ độc tài đều biết rằng “không gian công” tồn tại không phải vì lợi ích của người dân mà là một cơ chế giám sát của nhà nước độc tài. Các cuộc hội họp công cộng và các sự kiện văn hóa, thể thao luôn là lãnh địa màu mỡ cho những kẻ chỉ điểm. Ở Syria của Assad, Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan, hay Trung Quốc của Tập, một nhận xét lạc lối hoặc bài đăng trên mạng xã hội có thể dẫn đến một vụ kiện, một chuyến thăm của cảnh sát mật hoặc một vụ bắt giữ, có lúc giữa đêm khuya.
Đó là lý do tại sao tự kiểm duyệt có thể là một cơ chế tồn tại ở các nước độc tài. Trong nghiên cứu về tuyên truyền của Đức Quốc xã và Cộng hòa Dân chủ Đức, Randall Bytwerk – một giáo sư chuyên nghiên cứu tuyên truyền của Đức Quốc xã và Đông Đức – trích dẫn một người đàn ông sống ở Liên Xô – một kinh nghiệm lâu dài khác về chế độ chuyên chế – người đàn ông ấy thú nhận có sáu khuôn mặt: “một cho vợ tôi; một, ít thẳng thắn hơn, dành cho các con tôi, đề phòng trường hợp chúng buột miệng thốt ra điều gì đó ở nhà; một dành cho bạn thân; một dành cho người quen; một cho đồng nghiệp của tôi tại nơi làm việc; và một cái để trưng bày trước công chúng.”
Trong những chế độ độc tài kéo dài, giữ im lặng có thể là một thói quen khó bỏ. “Cha tôi tự dạy mình không được nói những điều ông nghĩ”, một người Albania nói, nhớ lại rằng gia đình cô đã sống qua 41 năm dưới chế độ độc tài của Enver Hoxa. Thậm chí nhiều thập kỷ sau khi Hoxa qua đời, cha cô “vẫn ăn nói rất nhẹ nhàng, nghiêng mình và đồng tình với mọi chuyện”.
Như Bytwerk viết trong cuốn sách có tựa đề “Cong khòm xương sống”, các chế độ độc tài cần cái ảo ảnh về sự đồng thuận của đông đảo dân, chính xác bởi vì chúng chuyên chế và tham nhũng. “Người dân giả vờ tin, và chính phủ giả vờ tin rằng người dân tin… Chính phủ nói với người dân những điều không đúng sự thật và công dân thường biết là không đúng sự thật, nhưng chính phủ lại yêu cầu họ cư xử ở nơi công cộng như thể chúng là sự thật.”
Lịch sử đàn áp và thích ứng toàn cầu này, mà chế độ Assad ở Syria là một phần trong đó, cung cấp bối cảnh cho những gì chúng ta đang thấy trên các phương tiện truyền thông. Những người Syria thức tỉnh háo hức lên tiếng, những người cuối cùng có thể làm chứng cho sự khủng khiếp của chế độ, những người có thể dùng tên thật của mình và thẳng thắn lên tiếng về sự thật của chế độ. Họ trải nghiệm và biết phẩm giá trong tự do.
Phóng viên Ruth Sherlock của Hãng Thông tấn Quốc gia Hoa Kỳ, hiện đang ở thủ đô Damascus của Syria, ghi lại cách “những người tôi đang phỏng vấn dựa vào micrô để cho tôi biết tên đầy đủ của họ. Điều này là không thể có dưới chế độ độc tài vừa sụp đổ. Người Syria đang tìm thấy tiếng nói của mình”.
Khi chứng kiến những trải nghiệm tuôn trào này, chúng ta cũng có thể nghĩ đến những người không lên tiếng, dù là do vết thương thể xác trong tù hay do chấn thương tâm lý rất nặng. Thật là choáng ngợp khi bước vào một thế giới vẫn tiếp tục diễn ra khi bạn vẫn chưa thức tỉnh khỏi địa ngục của giam cầm – nghĩa đen là sâu trong lòng đất, như trường hợp của những người ở nhà tù Sednaya của chế độ. Một số tù nhân ở tù lâu đến nỗi họ không hề biết rằng Bashar Assad đã kế nhiệm cha mình 24 năm trước.
Ở một tình trạng mà việc nói sự thật từ lâu đã bị hình sự hóa, thì thông tin từ các nhà tù sẽ là cơ sở cho lịch sử tương lai của chế độ. Theo nghĩa này, những nhà tù khủng khiếp đó hiện đang được tiết lộ cho thế giới cũng là kho lưu trữ về sự phản kháng và lịch sử truyền miệng của chế độ chuyên chế. Bên trong những bức tường của các nhà tù nầy là cả một thế giới những câu chuyện về bạo lực của chế độ và sự kiên cường của những người phải chịu đựng nó. Bây giờ những câu chuyện đó có lẽ có thể được kể ra.
Ở Libya của nhà độc tài Gaddafi, nhà tù khét tiếng là Abu Salim ở thành phố Tripoli, và thật phù hợp khi Mùa xuân Ả Rập phiên bản Libya bắt đầu bằng một cuộc biểu tình của những người phụ nữ yêu cầu thông tin về những người thân yêu của họ đã bị giam cầm và biến mất ở đó. Nhà văn Libya Hisham Matar có một số người thân ở Abu Salim đang thụ án dài hạn. Năm 2012, một năm sau khi Gaddafi sụp đổ, Matar trở về Libya và cuối cùng được đoàn tụ với chú Mahmoud.
Mahmoud kể với anh về cách anh sống sót sau 21 năm trong tù: “Tôi đã giữ một vị trí trong tâm trí, nơi tôi vẫn có thể yêu thương và tha thứ cho mọi người. Dù tôi ở trong tù, nhưng chúng chưa bao giờ thành công trong việc lấy được điều đó của tôi.”
___________________
Nguồn:
Ruth Ben-Ghiat. In the Shadow of Dictatorship: Prisons as Archives of Resistance Stories, and the Toll of Silence and Fear. https://lucid.substack.com/p/in-the-shadow-of-dictatorship-prisons