Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trong khi chờ có Luật về hội…

Khánh Tùng

 

(VNTB) – Hiến pháp năm 2013 đã tái khẳng định quyền tự do lập hội (tự do hiệp hội) của công dân (tại Điều 25).

 

Tuy nhiên, để hiện thực hóa đầy đủ quyền này, khuôn khổ pháp luật liên quan cần được sửa đổi, bổ sung ở nhiều khía cạnh. Việc ban hành một đạo luật tốt về hội, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, sẽ tạo ra một nền tảng quan trọng cho quyền dân chủ.

Trong thời gian chờ đợi sự hiện diện của Luật về hội, xin được đưa ra một số khuyến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tự do hiệp hội đến các cơ quan hoạch định chính sách, đặc biệt là cơ quan lập pháp.

Thứ nhất, quyền tự do hiệp hội là một quyền dân sự cơ bản, việc mở rộng nó cần cái nhìn hệ thống và quyết tâm chính trị. Tôn trọng và thúc đẩy tự do hiệp hội nên đặt như là một ưu tiên trong chính sách mở rộng các quyền tự do (bên cạnh các quyền về ngôn luận, báo chí, hội họp, tiếp cận thông tin và bầu cử) và cải cách xã hội. Mở rộng tự do là giải pháp thiết yếu giúp lành mạnh hóa xã hội, và duy trì phát triển bền vững của quốc gia.

Thứ hai, tự do hiệp hội nên được quan niệm là một quyền dân sự – tự do hợp đồng của các cá nhân – chủ yếu do luật dân sự điều chỉnh.

Do đó, Bộ luật Dân sự cần bao gồm những quy định mang tính nguyên tắc về tự do hiệp hội. Bên cạnh đó, dự Luật về Hội hay có thể mang tên Luật về Tự do hiệp hội, cần sớm được Quốc hội thông qua.

Liên quan đến nội dung của dự luật về hội, có một số kiến nghị cụ thể:

Một, về cách tiếp cận: Cần xác định đây là đạo luật để bảo đảm thực thi quyền tự do hiệp hội (lập hội), chứ không phải luật thuần túy về thủ tục hành chính.

Do đó, luật cần xác định các cơ quan nhà nước – cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, trung ương và địa phương, có các nghĩa vụ tôn trọng, không cản trở, bảo vệ, xử lý các vi phạm, và thúc đẩy hỗ trợ các điều kiện thực thi quyền này của mọi cá nhân.

Hai, về phạm vi điều chỉnh: Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, giữa các cá nhân và giữa các hội, luật về hội nên điều chỉnh cả các tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Luật cần xác định rõ có loại hội không cần đăng ký và có loại hội cần đăng ký (có tư cách pháp nhân), hai nhóm này bình đẳng với nhau.

Ba, về thủ tục lập hội: Khi hội có nhu cầu đăng ký, thủ tục cần đơn giản, rõ ràng để các cá nhân, nhóm có thể đăng ký qua hình thức ‘thông báo việc lập hội’. Việc đăng ký này phải thực sự là “đăng ký”, chứ không giống như cấp phép, xin – cho như hiện nay. Chỉ nên quy định một cơ quan chịu trách nhiệm là đầu mối quản lý việc thành lập và hoạt động của các hội, bỏ chế độ bộ chủ quản.

Ngoài các khuyến nghị ở trên, cần tiếp tục cập nhật tham khảo các quốc gia khác về quyền tự do lập hội.

Ở cấp quốc gia, một số nước hiện chủ yếu sử dụng luật dân sự để điều chỉnh các vấn đề về hội như Thái Lan, Hà Lan, Italia …, xuất phát từ quan niệm cho rằng tự do lập hội cũng là một dạng của tự do thỏa thuận hợp đồng bởi các cá nhân.

Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan đưa ra định nghĩa: “Hợp đồng thành lập hội liên hiệp là một hợp đồng, qua đó nhiều người thoả thuận hợp nhau lại để cùng tiến hành một hoạt động chung ngoài mục đích chia lời” (Điều 1274).

Phổ biến hơn, nhiều quốc gia có đạo luật riêng về hội, chủ yếu xuất phát từ đặc thù của các hội là phi lợi nhuận và có thể có số lượng thành viên rất đông, tầm ảnh hưởng lớn.

Cạnh đó, các nhà nước một mặt phải tôn trọng quyền tự do lập hội, một mặt phải duy trì trật tự, kiểm soát các tổ chức, nhóm gây nguy hại cho xã hội như các băng nhóm tội phạm, bài ngoại, các chính đảng phát xít, kỳ thị sắc tộc…

Một số quốc gia có luật về hội tương đối sớm là Anh với Luật về Sự liên kết năm 1825, Luật Công đoàn năm 1871; Pháp có Luật về Hội năm 1901.

Sau năm 1945, nhiều quốc gia ban hành luật về hội mới, ví dụ, Luật về Hội của Cộng hòa Liên bang Đức năm 1964 để thay thế cho các đạo luật cũ có nội dung hạn hẹp, gò bó.

Đến cuối thập niên 1980, làn sóng dân chủ ở Đông Âu song hành với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã tạo môi trường mới để nhiều quốc gia trong khu vực này ban hành các luật về hội hiện đại và cởi mở, ví dụ như Luật về Hội của Ba Lan năm 1989, Luật về Hội của Hungary năm 1989.

Về cơ bản, luật về hội của các quốc gia quy định những nội dung sau: (1) phạm vi điều chỉnh của luật gồm các loại hội, tổ chức nào được điều chỉnh; (2) điều kiện thành lập, gia nhập hội; (3) cơ quan, thủ tục đăng ký, thành lập hội; (4) quyền của các hội; (5) cơ quan giám sát, xử lý vi phạm; (6) chấm dứt hoạt động của hội.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: tại sao không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao Việt Nam xem nhẹ tài phán Hiến pháp?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chưa thể có Luật Biểu tình vì sợ các thế lực thù địch, phản động?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.