VNTB – Trung Cộng và các quốc gia khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương

VNTB – Trung Cộng và các quốc gia khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương

Phạm Bá Hoa

 

(VNTB) –

 

Trung Cộng uy hiếp Philippines trên Biển Đông.

Ngày 6/8/2023, quân đội Philippines cho biết: 

“Một tàu hải cảnh Trung Cộng vừa có hành động ngăn chặn vừa bắn vòi rồng vào tàu của Philippines đang thực hiện nhiệm vụ chuyển quân và tiếp tế thường lệ gần Bãi Cỏ Mây -quần đảo Trường Sa của Việt Nam- Những hành động của tàu hải cảnh Trung Cộng là rất nguy hiểm. 

“Chúng tôi kêu gọi tàu hải cảnh Trung Cộng và Quân Ủy Trung Ương Trung Cộng, hành động thận trọng và có trách nhiệm để ngăn chặn những tính toán sai lầm, và tai nạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân”. 

Sau vụ này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Các đe dọa của Trung Cộng vẫn lặp đi lặp lại trên Biển Đông, trực tiếp đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực. Hoa Kỳ sẵn sàng sát cánh cùng đồng minh Philippines trước những hành động nguy hiểm đó”.

Bốn quốc gia phản đối “bản đồ 10 đoạn” của Trung Cộng.

Ngày 28/8/2023, Trung Cộng công bố “bản đồ mới với đường 10 đoạn”, bao gồm diện tích “bản đồ 9 đoạn” cộng thêm quần đảo Đài Loan và vùng tranh chấp trên dãy Himalaya vào lãnh thổ của họ, và họ tuyên bố rằng: “Các quốc gia có phản đối bản đồ mới này, cần phải nhìn nhận tình hình một cách lý trí”.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Cộng có bản tin trên trang Tweet, như sau: “Bản đồ với “đường lưỡi bò 10 đoạn” mà chúng tôi vừa chánh thức phổ biến ngày 28/8/2023 trên trang Web của Bộ Tài Nguyên, “dựa trên cách vẽ đường biên giới quốc gia của chúng tôi và các quốc gia khác trên thế giới. Bản đồ  mới” gồm “đường lưỡi bò 10 đoạn” mà trong đó có cả quần đảo Đài Loan, tương tự bản đồ Trung Hoa năm 1948”.

Ngay lập tức là phản ứng của Ấn Độ: “Bản đồ mới này gồm cả vùng đang tranh chấp chủ quyền trên dãy Himalaya. Trong cùng thời gian, các quốc gia ven Biển Đông cũng lên tiếng phản đối. Biển Đông là vùng biển có đường hàng hải quốc tế quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá vào khoảng 3.000 tỷ mỹ kim được vận chuyển qua lại mỗi năm”.

Ngày 31/8/2023, Bộ Ngoại Giao Philippines phát biểu trong cuộc họp báo, rằng: “Đường chữ U -cũng là đường lưỡi bò- của Trung Cộng từ cuối đảo Hải Nam dài xuống hướng Nam đến 1.500 cây số, và lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia. Nỗ lực mới nhất của Trung Cộng nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán đối với các thực thể và các vùng biển của Philippines là không có căn cứ theo luật quốc tế”. 

“Trung Cộng hãy hành động có trách nhiệm, tôn trọng các nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế, và tôn trọng phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế năm 2016. Theo đó, Trung Cộng không có căn cứ pháp lý cho việc giành chủ quyền trong đường chín đoạn trên Biển Đông”.

Cùng ngày 31/8/2023, Malaysia cho biết, đã gửi Công Hàm phản đối ngoại giao đối với bản đồ này, và trong một Thông Cáo có đoạn: “…. Bản đồ mới không có giá trị ràng buộc gì với Malaysia, và quan điểm của Malaysia chúng tôi, do Trung Cộng mà Biển Đông trở thành một vấn đề phức tạp, nhạy cảm…”.

Vẫn ngày 31/8/2023, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng nói rằng: “Tranh đoạt chủ quyền Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vì vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982″.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đài Loan Jeff Liu nói rằng: “Đài Loan hoàn toàn không phải là một phần của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (= Trung Cộng)”.

Vẫn là ngày 31/8/2023, phát ngôn viện Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Uông Văn Bân trình bày trong buổi họp báo thường lệ, rằng: “Chúng tôi đang có một “tuần lễ nhận thức chung về bản đồ quốc gia”, và chúng tôi chưa từng nhập nhằng về vấn đề lãnh thổ của mình. Quan điểm của chúng tôi về Biển Hoa Nam (Biển Đông) luôn rõ ràng. Hàng năm, giới chức có thẩm quyền của chúng tôi thường xuyên cập nhật và công bố các kiểu bản đồ chuẩn khác nhau, Chúng tôi hy vọng là các bên liên quan có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và có lý”. (tóm lược bản tin đài BBC ngày 31/8/2023)

Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN.

Ngày 6/9/2023, Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos, Jr. tham dự Hội Nghị thuợng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia.  

 Phát biểu bên lề Hội Nghị, Tổng Thống Marcos Jr. nói rằng: “Lịch sử cuối cùng sẽ phán xét, liệu nhà nước pháp quyền có thắng thế hay không, từ đó mở ra một kỷ nguyên mà tất cả các quốc gia đều thực sự bình đẳng, độc lập, và không bị bất kỳ quyền lực nào đe dọa. 

Mặc dù Philippines cam kết tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia thiết lập trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời duy trì và thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhưng chủ quyền và quyền tài phán hàng hải của Philippines luôn bị thách thức. Vì vậy, tôi kêu gọi ASEAN không cúi đầu trước bá quyền Trung Cộng, đặc biệt là vấn đề Biển Đông”. (trích bản tin của Bình Minh trong e-mail tmyloan@gmail.com ngày 8/9/2023)

Australia và Philippines tập trận trên Biển Đông.

Ngày 25/08/2023, quân đội Australia và Philippines thực hiện cuộc tập trận chung tại căn cứ Hải Quân, cách Bãi Scarborough (Hoàng Nham) của Philippines trên Biển Đông khoảng 240 cây số. 

Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos nói với báo chí tại Zambales, rằng “Đây là hình ảnh cực kỳ quan trọng trong bang giao hợp tác gần gũi giữa hai quốc gia. Khi có rất nhiều sự kiện làm biến động trong khu vực, những cuộc tập trận hợp tác chiến lược gần gũi giữa các quốc gia trong khu vực, là cách mà chúng tôi chuẩn bị đối phó với bất kỳ tình huống nào”. 

Trong cuộc họp báo này, có Bộ Trưởng Quốc Phòng Australia Richard Marles tham dự.

Cuộc tập trận lần này được xem là quy mô, với 1.200 quân của Australia và 560 Thủy Quân Lục Chiến của Philippines tham dự. Về Hải Quân với Không Quân, thì có trực thăng cùng với phản lực cơ của Australia tập trận, trong khi các chiến hâm của Australia bảo vệ chung quanh khu vực.  

Ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Australia Richard Marles và ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Pilippines Gilberto Teodoro, cùng ra tuyên bố chung: “Chúng tôi -Australia và Philippines- sẽ phối hợp tuần tra chung trên Biển Đông và những khu vực khác mà chúng tôi cùng quan tâm. Những hoạt động hợp tác song phương đó, có thể sẽ có sự tham gia của các quốc gia khác cùng cam kết duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực”. (trích bản tin đài VOA ngày 25/8/2023)

Trung Cộng Quốc vượt giới tuyến eo biển Đài Loan

Ngày 13/9/2023, cơ quan phòng vệ Đài Loan ra thông báo: “35 phản lực cơ chiến đấu Trung Cộng bay quanh đảo Đài Loan trong vài giờ. Trong số đó, 28 chiếc vượt qua kênh Bash, hướng tới Tây Thái Bình Dương tham gia cuộc “huấn luyện thực tập trên biển và trên không cùng với “hàng không mẫu hạm” Sơn Đông.                                                                   

“Đài Loan đã theo dõi tình hình và giao nhiệm vụ cho phản lực cơ chiến đấu tuần tra trên không, trong khi chiến hạm và các bệ phóng hỏa tiễn sẳn sàng đáp trả”. 

Trước đó -ngày 11 và 12/9/2023- 22 phản lực cơ chiến đấu và 20 chiến hạm của Trung Cộng hoạt động chung quanh Đài Loan, trong khi “hàng không mẫu hạm” Sơn Đông hoạt động vùng biển Đông Nam, cách Đài Loan khoảng 111 cây số.  

Bộ Quốc Phòng Trung Cộng chưa bình luận về bản tin của Đài Loan.

Hồi tháng 8/2023, Trung Cộng phản ứng dữ dội khi Phó Tổng Thống Đài Loan Lại Thanh Đức -ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử năm 2024 của đảo quốc này, dừng chân tại Hoa Kỳ trong chuyến công du Paraguay. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng lên án ông Lại Thanh Đức là “kẻ gây rối”, và sẽ bị đáp trả bằng những biện pháp mạnh mẽ. 


 



CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)