Khánh An dịch
(VNTB) – Doanh nghiệp tư nhân đối mặt với những trở ngại mới
Tại hội nghị thượng đỉnh với các doanh nhân giàu nhất Trung Quốc vào cuối năm 2018, ông Tập Cận Bình đã tìm cách xoa dịu lo ngại rằng nhà nước đã tuyên chiến với khu vực tư nhân. Mặc dù các quan chức ở Bắc Kinh đã dành một năm trước đó để thuần phục những ông trùm ngỗ ngược, nhưng chủ tịch Trung Quốc vẫn khẳng định rằng những tin đồn về những biện pháp mạnh của Đảng đối với khu vực tư nhân là sai sự thật. Ông khuyến khích các nhà lãnh đạo doanh nghiệp “vững lòng “.
Đây là điều không dễ làm. Kể từ đó, Đảng Cộng sản đã tìm cách chủ động hơn trong các quyết định tuyển dụng và kinh doanh. Và sau khi khuất phục được một loạt các ông chủ cứng đầu tại các tập đoàn tài chính nợ nhiều, nhà nước hiện đang nhắm đến các tỷ phú công nghệ của Trung Quốc, nói rõ rằng những người chỉ trích thẳng thắn sẽ không được dung thứ.
Mối bận tâm chính của ông Tập luôn là duy trì sự ổn định xã hội và tài chính của Trung Quốc. Kiểm soát các doanh nghiệp lớn là một phần của kế hoạch đó. Không có gì ngạc nhiên khi nhà nước hiện đang tập trung vào các công ty công nghệ, vốn đã phát triển nhanh chóng. Sáu trong số 20 công ty niêm yết lớn nhất của Trung Quốc là các công ty công nghệ và với hàng tỷ người dùng, họ tiếp cận với cuộc sống và ví tiền của hầu hết mọi công dân.
Đòn trừng phạt dành cho ngành này đã bắt đầu với những gì giống như một cảnh báo đối với các tập đoàn công nghệ-tài chính lớn nhất Trung Quốc. Việc các cơ quan quản lý đình chỉ đợt phát hành lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ đô la của Ant Financial vào ngày 5 tháng 11 với thông báo trước chưa đầy 48 giờ trước đó được hiểu đơn thuần là một lời cảnh báo đối với người sáng lập Jack Ma, ông Ma trước đây đã chỉ trích các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc. Nhưng vào ngày 10 tháng 11, việc xuất bản rộng rãi một bản dự thảo các quy tắc mới cho các nhóm công nghệ đã cho thấy tham vọng của nhà nước trong việc khuất phục không chỉ Ant mà cả toàn bộ ngành công nghệ của Trung Quốc.
Mối quan hệ của ông Tập với các tài phiệt Trung Quốc luôn gặp rắc rối. Khi trở thành chủ tịch năm 2013, ông thừa hưởng một hệ thống công ty đầy rẫy gian lận, các quy định chắp vá và nợ nần chồng chất. Sau thành công của chiến dịch chống tham nhũng mà chủ yếu nhắm vào các quan chức, ông Tập nhắm vào một nhóm doanh nhân đang đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào các khoản đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài. Các giao dịch mua bao gồm SeaWorld, một tập đoàn công viên giải trí của Mỹ và Waldorf Astoria, một khách sạn sang trọng ở New York. Các quan chức cho rằng nhiều thương vụ mua lại này chỉ là những biện pháp ngụy trang lộ liễu nhằm chuyển hướng dòng vốn ra khỏi Trung Quốc.
Nhiều doanh nhân từng tự cho mình là Warren Buffett của Trung Quốc đang phải ngồi tù hoặc ở trong tình cảnh tệ hơn. Wu Xiaohui, chủ tịch của Anbang, công ty đã mua khách sạn Waldorf cùng với các tài sản khác, đã bị tuyên án 18 năm tù vào năm 2018 vì các vi phạm tài chính. Ye Jianming, người đã muốn mua 9 tỷ USD cổ phần của Rosneft, một tập đoàn sản xuất dầu của Nga, đã bị bắt giữ vào đầu năm 2018. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của ông ta. Xiao Jianhua, một nhà môi giới cho giới tinh hoa chính trị Trung Quốc, người từng kiểm soát Baoshang Bank, đã bị các đặc vụ Trung Quốc bắt cóc ngay trong căn hộ của ông ta tại khách sạn Four Seasons ở Hồng Kông vào năm 2017 và được cho là đang hợp tác với chính quyền trong việc giải thể tập đoàn tài chính của ông ta.
Cuộc đàn áp đã chấm dứt đột ngột sự bùng nổ chi tiêu toàn cầu của các công ty Trung Quốc: năm 2016 có 200 tỷ USD các thương vụ mua bán và sáp nhập ở nước ngoài, con số này vào năm 2019 chưa bằng 1/5 con số đó. Và dưới áp lực của chính phủ, các nhóm tư nhân đã thoái vốn tài sản trị giá hàng tỷ đô la. HNA, một hãng hàng không và tập đoàn hậu cần đã mua cổ phần lớn của Deutsche Bank và Hilton Worldwide, một tập đoàn khách sạn, đã bán tài sản trị giá hơn 20 tỷ USD trong những năm gần đây. Bảo hiểm Anbang đã được quốc hữu hóa, đặt Waldorf dưới quyền sở hữu của Bộ Tài chính Trung Quốc. Baoshang đã được nhà nước tiếp quản và cho phép nộp đơn phá sản vào tháng 8. Các thương vụ mua lại các câu lạc bộ bóng đá châu Âu của các tập đoàn Trung Quốc đã kết thúc.
Các nhà phân tích đã ca ngợi cách thức làm giảm bớt rủi ro hệ thống do các công ty như Anbang và HNA gây ra dưới thời ông Tập. Ở Trung Quốc, ít người dám chỉ trích những thất bại của Tập Cận Bình. Những ai làm như vậy đã bị xử lý nghiêm khắc. Ren Zhiqiang, một thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản, người từng điều hành một công ty bất động sản nhà nước, đã viết một lời nhắn tới bạn bè vào đầu năm nay, trong đó ông gọi ông Tập là “gã hề khỏa thân”. Ông Ren Zhiqiang bị kết án 18 năm tù hồi tháng 9 vì tội hối lộ và tham ô.
Đảng cũng đang gia tăng ảnh hưởng của mình đối với các công ty tư nhân tinh vi hơn. Theo một chiến lược được gọi là “xây dựng đảng”, các công ty đã được yêu cầu thành lập các đảng ủy, và đảng uỷ có thể xem liệu quyết định của công ty có phù hợp với chính sách của chính phủ hay không. Số lượng đảng uỷ trong các công ty giao dịch công khai nhưng do tư nhân kiểm soát vẫn còn thấp. Theo một cuộc khảo sát đối với 1.378 công ty niêm yết của Trung Quốc do Plenum, một công ty tư vấn, trong số 61% công ty tư nhân chỉ 11,5% có điều khoản xây dựng đảng trong điều lệ so với 90% doanh nghiệp nhà nước.
Lời mời của Đảng
Tuy nhiên, có vẻ sẽ có thêm nhiều chi bộ đảng. Vào tháng 9, ông Tập đã yêu cầu khu vực tư nhân “đoàn kết xung quanh đảng”. Một ngày sau Ye Qing, phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc, một tổ chức quyền lực Đảng Cộng sản, đã đưa ra một danh sách các yêu cầu chi tiết hơn. Ông kêu gọi các công ty tư nhân thành lập các bộ phận nhân sự do đảng lãnh đạo và các đơn vị giám sát cho phép đảng kiểm tra các nhà quản lý công ty.
Điều này có thể không ảnh hưởng đến tất cả các công ty như nhau. “Đối với các công ty lớn, không có chuyện đàm phán. Đảng tiếp cận quý vị và quý vị tuân theo,” Joe Zhang, một nhà tư vấn kinh doanh đã từng tham gia hội đồng quản trị của các tập đoàn nhà nước và tư nhân Trung Quốc, cho biết. Tuy nhiên, ông cũng lập luận rằng đối với hầu hết các công ty nhỏ hơn, ít được biết đến hơn và không quan trọng về mặt kinh tế, các chi bộ đảng chỉ là bù nhìn vì lợi nhuận sẽ quan trọng hơn tầm ảnh hưởng của nhà nước đối với việc ra quyết định. Ảnh hưởng của họ cũng có thể được hoan nghênh. Một giám đốc điều hành của công ty có đảng ủy, lập luận rằng khi hiểu rõ hơn tư duy của lãnh đạo đảng, “chúng tôi có thể điều hành công ty cho phù hợp”. Điều này ngăn chặn trước các xung đột tiềm năng với nhà nước.
Huang Tianlei thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, cho đến nay không bằng chứng cho thấy đảng ủy gây tổn hại cho lợi nhuận. Nhưng sự gia tăng ảnh hưởng của đảng có thể kìm hãm một số hoạt động. “Sự đổi mới có thể bị dập tắt. Nhiều biểu hiện quan liêu có thể nảy sinh. Ông Huang cho biết: Một công ty có thể chuyển từ định hướng lợi nhuận sang định hướng mục tiêu, hy sinh lợi nhuận.
Có thể các đảng ủy sẽ nhanh chóng đóng một vai trò lớn hơn trong các công ty công nghệ. Một loạt các quy định mới thể hiện một mối đe dọa trực tiếp hơn. Ant kết nối với hàng trăm triệu người thông qua các nền tảng thanh toán và cho vay. Giống như những đại công ty công nghệ khác của Trung Quốc, Ant nắm giữ dữ liệu quý giá về khách hàng cũng như kiểm soát hàng trăm tỷ đô la cho vay và chi tiêu. Quyền lực đó nằm trong tay tư nhân là nguồn gốc gây căng thẳng giữa đảng và các doanh nhân.
“Những nguồn lực này cần được kiểm soát chặt chẽ và lòng trung thành chính trị của các công ty và doanh nhân đối với không chỉ chế độ mà còn với các nhà lãnh đạo chính trị, cần phải được duy trì nghiêm ngặt,” Sun Xin, một học giả tại King’s College London, nói. “Trường hợp của Ant chỉ là một biểu hiện của logic cơ bản này.”
Việc dừng IPO của Ant được kích hoạt bởi các quy định dự thảo mới nhằm vào hoạt động cho vay vi mô trực tuyến. Đối với Ant, các quy tắc chỉ có thể được hiểu là một cuộc tấn công vào nền tảng cho vay của công ty, nguồn doanh thu lớn nhất của công ty. Ông Ma có thể hối tiếc khi so sánh các ngân hàng của Trung Quốc với các hiệu cầm đồ trong một bài phát biểu vào tháng 10. Những lời này đã khiến các quan chức cấp cao tức giận và tham gia vào việc đình chỉ vụ IPO một cách vội vàng. Nhưng ông Ma không có lỗi, mặc dù ông có thể đã đẩy nhanh tiến độ tấn công vào các quy tắc chống độc quyền .
Tranh giành ảnh hưởng
Các quy tắc mới sau khi được xem xét trong một thời gian, sẽ lần đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát độc quyền đối với các công ty thương mại điện tử và internet. Trong nhiều năm, luật chống độc quyền của Trung Quốc đã không miễn trừ cho các công ty này nhưng cũng không bị nhắm đến trong các trường hợp độc quyền. Điều này cho phép một số công ty kiểm soát phần lớn nền kinh tế kỹ thuật số.
Họ cũng nhắm vào các cơ cấu cho phép các công ty công nghệ Trung Quốc huy động vốn ở nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài bị cấm mua cổ phần trực tiếp, trong hai thập kỷ gần như tất cả các tập đoàn công nghệ khát vốn đã lách luật bằng cách sử dụng một “thực thể có lãi suất thay đổi” (VIE) để liên kết nguồn tiền nước ngoài với thị trường Trung Quốc. Họ tạo ra một công ty cổ phần ở nước ngoài nhằm cho phép người nước ngoài đầu tư. Công ty đó có một thỏa thuận theo hợp đồng với một công ty trong nước để nhận được lợi ích kinh tế của các tài sản được tín chấp.
Hình thức gọi vốn VIE từ lâu đã được các nhà chức trách Trung Quốc bỏ qua, nhưng không được pháp luật công nhận đầy đủ. Người nước ngoài hầu như không có quyền đòi lại tài sản mà họ đã đầu tư vào. Các quỹ nước ngoài từ lâu đã lo lắng về vấn đề này nhưng hầu hết các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn sử dụng để niêm yết cổ phiếu của họ ở nước ngoài.
Các quy tắc chống độc quyền mới có thể yêu cầu các công ty chấp thuận các thỏa thuận như vậy, câu hỏi được đặt ra là liệu VIE có được phép trong tương lai và để mà vốn nước ngoài sẽ tiếp cận các công ty công nghệ Trung Quốc. Đe dọa rút lại sự chấp thuận ngầm cho VIE là một cách thức khác để nhà nước đe dọa các công ty và chủ sở hữu.
Có lẽ các quy tắc mới sẽ làm ông Ma bớt nói thẳng hơn. Ông Ma đã không nói công khai về vấn đề này, nhưng Ant đã quy phục và đồng ý tuân theo các quy định mới.
Ông Tập đã nói rõ rằng không có công ty nào dù lớn hay có giá trị tới đâu được phép thách thức nhà nước.
Nguồn: https://www.economist.com/business/2020/11/14/china-takes-aim-at-its-entrepreneurs