Diễm My tổng hợp
(VNTB) – Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – RCEP của 15 quốc gia vùng Đông Nam Á Thái Bình Dương gồm cả Trung Quốc cho thấy rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực đang tăng lên.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – (RCEP)
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – (RCEP) Regional Comprehensive Economic Partnership – được xem là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới cho đến nay. Hiệp định này gồm có 10 quốc gia Đông nam Á và các quốc gia Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc.
GDP của toàn bộ khối này chiếm là hơn 26 nghìn tỷ đô la, chiếm gần 30% GDP toàn thế giới, và bao phủ 1/3 dân số thế giới, nơi được xem là các nền kinh tế lớn nhất và sôi nổi nhất trong khu vực.
Mục đích của hiệp định này là để thúc đẩy thương mại và tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
RCEP được thiết kế để giảm chi phí và thời gian cho các công ty và thương nhân bằng cách cho phép họ xuất khẩu hàng hóa của họ sang bất kỳ quốc gia ký kết nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt đối với từng quốc gia. Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực vào năm 2021.
Có đánh giá cho rằng mức độ bao phủ của các dịch vụ là chắp vá và hầu như không liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ, Nhật Bản sẽ duy trì thuế nhập khẩu cao đối với một số sản phẩm nông nghiệp “nhạy cảm về chính trị” đã được cắt giảm theo TPP như gạo, lúa mì, thịt bò và thịt lợn, sữa và đường.
Trong khi đó ông Lương Hoàng Thái, Trưởng phòng Chính sách Thương mại Đa biên tại Bộ Công Thương Việt Nam cho biết RCEP “sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp và đặt ra các quy tắc truyền dữ liệu.”
Hiệp định này được xem là tương tự như hiệp định TPP mà chính quyền Trump đã rút khỏi ngay sau khi Tổng thống Trump nhậm chức khiến Nhật, Singapore và Việt Nam thất vọng. Tuy nhiên, RCEP không có một điều khoản nào đề cập đến các cam kết về lao động cũng như môi trường và quy tắc cho các doanh nghiệp nhà nước.
Báo the Economist cho rằng với việc ký kết hiệp định này đánh dấu một thắng lợi cho Trung Quốc và đã bỏ Mỹ cũng như Ấn Độ lại phía sau. Trong khi Hoa Kỳ rút lui khỏi RCEP vì cho rằng đây là một thoả thuận lỗi thời không như TPP, và với Ấn Độ lo ngại sẽ làm tổn hại đến các ngành công nghiệp và nhà sản xuất trong nước.
Trung Quốc hả hê
Liu Zongyi, một học giả người Trung Quốc viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tỏ vẻ hả hê rằng Ấn Độ đã bỏ lỡ “cơ hội cuối cùng để hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa”. Với sự vắng mặt của Hoa Kỳ trong hiệp định này, câu nói trên có lẽ cũng có thể ám chỉ cho cả siêu cường số một trên thế giới.
Báo EU Today cho rằng “Nhờ ông Donald Trump, Hoa Kỳ hiện bị loại khỏi cả RCEP và TPP, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Obama dẫn đầu, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị loại khỏi hai nhóm thương mại trải dài khắp khu vực phát triển nhanh nhất trên trái đất.
Khi tham gia hiệp định thương mại đa phương đầu tiên này, Trung Quốc có thể thể hiện việc họ cam kết tự do hóa thương mại vào thời điểm Mỹ dường như tương đối xa rời khu vực và vẫn đang theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc, vui mừng gọi RCEP là “một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do”, à “tia sáng và niềm hy vọng”.
Trong khi xuất khẩu sang EU đang giảm và thì trong 6 tháng đầu năm nay ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Tờ Asian Times nhận định RCEP sẽ được Trung Quốc tận dụng như một tín hiệu cho Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về việc Bắc Kinh đã mở rộng chương trình thương mại tự do đa phương của họ ra sao dưới thời chính quyền Donald Trump khi ông Trump theo chủ nghĩa đơn phương và hướng nội hơn.
RCEP sẽ được coi là minh chứng cho cách tiếp cận chậm chạp đối với các cuộc đàm phán từ thương mại đến Biển Đông. Nhưng về lâu dài, một số thành viên của tổ chức này cũng lo lắng về việc Trung Quốc sẽ có thể thống trị châu Á về kinh tế, chính trị và quân sự.
Vì lý do đó, nhiều người ở ASEAN sẽ hy vọng rằng dưới thời Joe Biden, Hoa kỳ sẽ tái tham gia mạnh mẽ hơn với khu vực.