Ngọc Lan
(VNTB) – Nếu truyền thông có thương thì đừng ‘để ý’ đến chùa của họ để tránh bị chính quyền gây khó dễ…
Một ngôi cổ tự ở tỉnh Tiền Giang đã ‘năn nỉ’ rằng nếu truyền thông có thương thì đừng ‘để ý’ đến họ để tránh chuyện họ bị chính quyền gây khó dễ…
Cái khó đó là việc đến nay họ vẫn muốn có sự độc lập, không gia nhập vào tổ chức gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Và người miền Nam gọi đó là ngôi chùa Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh của miệt đồng bằng sông Cửu Long.
Bửu Sơn Kỳ Hương là một nhánh Phật giáo do ông Đoàn Minh Huyên sáng lập ở miền Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX, nhấn mạnh vào “thuyết hội Long Hoa” để khuyên con người làm lành lánh dữ.
Chủ trương của Bửu Sơn Kỳ Hương là lấy Phật làm căn, không thờ cốt Phật, không gõ mõ tụng kinh, không cạo đầu, không cúng kiến chè xôi và tu đâu cũng được. Người theo Bửu Sơn Kỳ Hương còn phải thi hành bốn ân lớn: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại.
Về phương thức tổ chức và thực hành tính cứu thế của các tôn giáo nội sinh vùng Nam bộ, thể hiện ở tổ chức mang tính nhập thế rất rõ, thể hiện ở tôn chỉ hành đạo Học Phật Tu Nhân và đền đáp Tứ đại trọng ân, thông qua việc học giáo lý và thực hành tôn giáo, sống có chuẩn mực đạo đức, thực chất là góp phần vào việc thực hiện cứu thế của tín đồ.
Về đặc điểm tính cứu thế của tôn giáo nội sinh vùng Nam bộ thể hiện: Tính cứu thế của các tôn giáo nội sinh vùng Nam bộ gắn liền với đức tin về sự tồn tại của Đấng cứu thế; là sự dung hợp Tam giáo và kế thừa tín ngưỡng dân gian; mang tính địa phương, giản dị và bình dân, và mang tính chất nhập thế.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tính cứu thế của tôn giáo nội sinh vùng Nam bộ trong giai đoạn hiện nay đã có những xu hướng biến đổi nhất định, như: các tôn giáo nội sinh mang tính cứu thế vùng Nam bộ đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết, bảo vệ tổ quốc, hòa nhập với xu thế phát triển chung của đất nước; thực hiện các công việc xã hội hoá trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, xã hội; tích cực tham gia vào các vấn đề an sinh xã hội.
Hoạt động của tôn giáo mang tính cứu thế vùng Nam bộ gắn với hoạt động thường nhật của tín đồ, chăm sóc phần đạo và phần đời. Những giá trị nhân văn trong tôn giáo cũng góp phần điều chỉnh hành vi của tín đồ, giúp họ hướng thiện, sống tốt đời, đẹp đạo…
Như vậy những ngôi chùa thể hiện niềm tin vào Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, theo quan điểm cá nhân người viết, cần được sự tôn trọng về quyền độc lập trong lựa chọn tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự thích hợp, bao gồm cả tổ chức được gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nếu chính quyền ở tỉnh, thành nào đó thuộc miền Nam Việt Nam vẫn giữ tâm thế “quốc doanh hóa” một tôn giáo nào đó, thì xin lưu ý là Hiến pháp bảo hộ quyền tự do lựa chọn và bày tỏ niềm tin của tôn giáo.
Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời năm 1849, và gần nửa thế kỷ sau đó thì người khai sinh ra đảng cộng sản Việt Nam mới sinh ra, để rồi đến tháng 2-1930 mới thành lập đảng cộng sản Việt Nam.
Trong ý nghĩa thời gian mang tính lịch sử ấy, thể chế chính trị hiện tại do đảng cộng sản “lãnh đạo toàn diện”, cần tôn trọng, hỗ trợ để Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ở các địa phương phát triển, không gò bó cứng nhắc trong mệnh lệnh hành chính buộc các chùa Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.