Ngụy Hữu Tâm
(VNTB) – Ôn lại kỷ niệm xưa ở Viện khoa học Việt Nam, xưa vốn là “vườn trẻ TW” và nay là “tháp ngà khoa học VN” và một vài nét liên quan.
1.
Vào tháng hè oi bức, giữa hai tuần giãn cách liên tiếp tại Hà Nội. Sau Sài Gòn cả trên tháng nay vì đại dịch covid 19, cúm Tàu, tôi phải nằm nhà chán ngắt dẫu truyền hình chiếu đủ các môn thể thao của Olympic Tokyo 2020 trên đủ các kênh, với công nghệ HD và màn hình phẳng rộng như đang ngồi trong rạp chiếu phim với hình ảnh vẫn hết sức rõ nét và các cuộc thi tài cực kỳ hấp dẫn, nhưng nằm nhà xem mãi cũng chán.
May quá có nhiều hồi ký về những gì đã xảy ra trên nước ta thời hiện đại xuất hiện trên mạng, đặc biệt là các bài viết về cuộc Cải cách Ruộng đất long trời lở đất mà nay dù nhà nước đã biết bao nhiêu lần “sửa sai”, “minh oan” cho những người bị hại, thậm chí còn trao giải thưởng cho người sống sót dẫu họ đều ở tuổi xế chiều mà phần lớn đều đã ra đi. Đề tài này bắt buộc chúng ta phải ngẫm nghĩ về những gì còn sâu lắng hơn thế rất nhiều, hầu như, nếu tôi nói không ngoa, mang tính triết lý đời người, hay rộng hơn, là lịch sử thế giới vì nó liên quan tới ĐCSVN trong bối cảnh mối liên hệ với ĐCSTQ và những hệ quả của nó, nhất là khi ngày nay Trung Cộng đã vươn lên vị trí ngang ngửa với Hoa Kỳ và chèn ép đàn em hết mức có thể.
Từ nguồn cảm hứng đó, tôi thấy mình phải viết một chút gì, dẫu mình chẳng có trải nghiệm như các tác giả trên, càng không có chút năng khiếu văn học gì. Nhưng khi đã thích thì bắt buộc phải làm. Và khi mọi người đã viết được, thì tôi cũng dám thử viết, dù ngắn hơn rất nhiều vì đề tài quá rộng, một chút ít về bản thân ở tư cách là người từng tham gia xây dựng Viện khoa học Việt Nam những năm trước và những con người khác – các đồng nghiệp – ở đấy, dẫu cho khi đó chắc chỉ có không đến ngàn người, nay ba ngàn chăng, quá nhỏ để nói lên điều gì, nhưng biết đâu chẳng có bạn đọc thích thú, nhất là các đồng nghiệp để kiểm chứng hay chỉ đơn giản là so sánh. Hơn nữa về đề tài này cũng có rất nhiều bài trên mạng rồi, nhưng cứ xin coi đây là một bổ sung mà thôi. Nhìn sự việc ở một góc độ khác, vì nói là xây dựng rồi làm việc ở Viện khoa học Việt Nam, nhưng tôi đi công tác ở ngoài cũng khá nhiều, chưa nói cuối đời rời hẳn, tuy vẫn có mặt đó, nhưng coi như đã bỏ hẳn nghiên cứu khoa học, mà làm dịch thuật là chính. Nhưng dẫu sao vẫn gắn bó với những con người ở đó, nếu không làm sao có bài này được?
Dù các bài vừa nhắc ở trên và bài của tôi đều muốn nói về số phận dân tộc Việt trong một thời khoảng, thế nhưng nếu như có thể coi các bài trên như một bức tranh chân dung vẽ nhiều người mà tác giả đồng thời vẽ nhiều người mẫu thì bức của tôi lại là một bức chân dung tự họa mà tôi tự khắc họa chính mình để muốn nói về cả một cộng đồng nhiều người, cứ tưởng dễ mà lại quá khó, nên chuyện thành công hay không hãy xin để bạn đọc phán xét, tôi chỉ là một họa sỹ tồi nhưng có đầy đam mê và quyết tâm muốn vẽ một bức tranh đẹp, thế chắc cũng là quá đủ chăng?…
Dẫn nhập hơi dài dòng, xin bạn đọc lượng thứ. Nhất là tuy mang tính mô tả lịch sử, tôi không thể đề tên cụ thể từng người liên quan mà chỉ viết tắt hay đổi tên vì số lớn người nhắc đến, nay dẫu chưa ra đi thì cũng đều đã trên dưới 80 tuổi cả rồi, và vì điều kiện bắt buộc cho sự tế nhị là vậy, nên dẫu cho người trong cuộc có thể đoán ngay ra người thực mà không sợ lầm lẫn, bởi vì tôi không hề hư cấu, trái lại muốn trung thực nhất có thể, nhưng vẫn là từ góc nhìn của cá nhân cho dù sức có hạn và cùng thời gian và cùng đề tài ấy đã có nhiều tác giả viết, nên có thể thiếu khách quan nên mong lượng thứ. Xin xem thêm: https://funix.edu.vn/blog/goc-xmen/dau-nam-di-tham-bao-tang-ngo-rat-vo-ly-nhung-lai-vo-cung-thuyet-phuc/, https://cespsite.wordpress.com/2018/09/02/nguoi-viet-tram-lang-viet-nam-di-truoc-ve-sau-phan-2/, http://dongtac.hncity.org/…
2.
Tôi tốt nghiệp khoa Lý khóa 9 Đại học Tổng hợp Hà Nội (các khoa ĐHTHHN đều có các giáo viên và sinh viên nổi tiếng vì đấy là cái nôi đào tạo nhân tài đất nước, riêng khoa Văn tự hào bao nhiêu về cựu sinh viên của mình: Diệp Minh Tuyền người viết Khúc quân hành hay Hoàng Thị Ý Nhi, nữ sĩ tài ba, thì ngỡ ngàng biết bao với NPT, đồng môn trước tôi một khóa, nhưng lại hết sức mang tiếng xấu về sự bảo thủ, tham lam vô độ cộng với tham nhũng quyền lực) năm 1968 khi trường ĐHTH Hà Nội đang còn sơ tán trên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, vào những năm kể từ 1965 sau khi Mỹ bắt đầu đánh phá Miền Bắc, chúng tôi vốn sống và nghe giảng ở những lán trại trong rừng, làm thí nghiệm với dòng điện ọc ạch phát ra từ những chiếc máy nổ cũ kỹ, từ chốn rừng xanh núi đỏ hoang sơ tôi về lại thủ đô ngàn năm văn vật nhưng nay buồn tẻ do vắng hoe vì sơ tán.
Cầm tờ quyết định tốt nghiệp đại học và giấy giới thiệu công tác đến Cục Cán bộ, Bộ Công An, khi ấy nằm ngay Phố Nguyễn Du ven hồ Thiền Quang thơ mộng. Như tất cả bạn bè cùng lớp và cùng lứa thời đó, thanh niên thời chiến mà, tôi đã viết đơn với nguyện vọng xin vào phục vụ trong các lực lượng vũ trang, thì bị anh sĩ quan tiếp nhận hồ sơ, với bộ mặt lạnh như tiền từ chối thẳng thừng: Đồng chí về lại Phòng Tổ chức trường, chắc họ nhầm lẫn chi đó. Tôi về Trường gặp anh Lam Đỏ, Trưởng phòng Tổ chức Trường, nhìn vào mắt tôi cười xòa: “Họ nói thế thôi, ngành Công An vốn nặng thành phần chủ nghĩa lắm mà, họ ưu tiên công nông cơ, nhất là lại có đợt sinh viên nước ngoài mới về, họ tha hồ chọn. Cậu thì lo gì, thôi về lại Ủy ban Khoa học Nhà nước là cơ quan đã cử cậu đi học nhé”, tôi chỉ nhìn mũi anh.
Sau khi tốt nghiệp công nhân kỹ thuật ở Dresden, CHDC Đức về, tôi vốn đã công tác 2 năm tại Viện Đo lường UBKHNN mà. Thế là tôi đến nhận công tác tại tòa nhà màu đỏ lừng lững tọa lạc ở 39 Trần Hưng Đạo, vốn là trụ sở của hãng Shell, ngay trong trung tâm thành phố với các anh cùng lớp là Đoàn quang phổ, Minh, Nguyễn hạt nhân, Khắc vô tuyến, cùng khoa, Phú, Văn khoa Toán, Vũ hóa, Hồng lý ở ĐHTH Leningrad và Moscow, sau này là những lãnh đạo nổi tiếng của VHLKH & CNVN, mới về.
Tôi cùng Đoàn, Minh, Nguyễn, Vũ và Hồng được làm việc tại ba phòng Vật lý Quang phổ, Hạt nhân, và Chất rắn khi ấy có các anh Hùng, Anh ở Leningrad về, Tố ở Ba Lan về, làm trưởng phòng. Phòng tôi khi đó đã có một anh tốt nghiệp trước tôi 2 khóa, cũng ngành Quang phổ, ĐHTHHN, sau này trở nên hết sức nổi tiếng vì là phò mã rồi thành viên Ban điều hành Bộ Bưu chính viễn thông, là anh Xuân. Đấy là nòng cốt cho Viện Vật lý thành lập ngay năm sau, 1969, khi được bổ sung các anh Văn, Vọng, Cao, Đoàn, chị Nguyễn, sau này là chị Võ Hồng Anh, con gái đại tướng, rất hùng mạnh cho Phòng Vật lý lý thuyết. Anh Văn, vì đã là giáo sư của Liên Xô, tuy Việt Nam chưa phong, được cử là Viện trưởng.
Cũng phải nhắc lại tiền thân của VKHVN khi ấy vẫn đang còn là Trung tâm Khoa học Tự nhiên, gọi tắt theo tiếng Nga là NIKI vì do Liên Xô giúp xây dựng ở địa điểm nay là 18 Hoàng Quốc Việt, nhưng khi ấy chỉ là con đường làng Bưởi nhỏ hẹp – rộng chưa đến 8 mét! Còn viện thì do thợ nề và nông dân quanh vùng xây, mới chỉ có hai tòa nhà và hai phân xưởng đều đang xây dở tầng một, xung quanh là ruộng lúa và bãi lầy, và do anh Nguyễn Trọng Yêm phụ trách.
Tôi rất phấn khởi vì được làm quang phổ hồng ngoại với anh Thân Văn Lượng (sau này anh đi làm TS ở CHDC Đức, tốt nghiệp về BCA sau xin ra được, về dạy Đại học Tôn Đức Thắng SG, tôi có gặp được một lần) mới ở Leningrad về làm trưởng nhóm và các bạn vốn là dân tốt nghiệp hóa Quốc, ĐHTHHN và Đình mới tốt nghiệp ở ĐHTH Schiller, Jena, CHDC Đức về, trên máy UR-20 của CHDC Đức, là một trong những máy lý hóa –quang phổ hấp thụ hồng ngoại đắt nhất mà Việt Nam lúc đó có.
Tôi còn được phân công hướng dẫn luận án đại học ngay cùng với anh Lý Hòa ở nhóm QP khoa Lý ĐHTHHN, nhớ cùng anh đưa sinh viên lên thực tập ở nhà máy hóa chất Lâm Thao, sau giải phóng 1975 anh Hòa về SG làm hiệu trưởng ĐHTH TPHCM. Rồi khi ngành vật lý laser bắt đầu phát triển thì tôi được cử theo đuổi ngành này. Còn nhớ, các anh TĐA và CĐT bên Bộ CA mang ống laser He-Ne từ Đức về và chúng tôi đã lắp lên cho chạy, chúng tôi tự hào biết bao đó là những máy laser đầu tiên ở Việt Nam, điều chỉnh hai gương song song để tạo buồng cộng hưởng khó thế nào.
Đến hè năm 1973 tôi được cơ quan cử đi nghiên cứu sinh, đi thi. Đây là kỳ thi thứ 2, trước đấy, tức từ 1971 trở về trước không có thi, ai được cơ quan cử đi học là đi. Và chỉ nhờ có sự nỗ lực của bộ trưởng Đại học khi đó là GS. Tạ Quang Bửu để kiên quyết bắt thi chứ không xét lý lịch nữa thì chất lượng sinh viên và nghiên cứu sinh cũng như cán bộ nói chung mới gia tăng, nhưng việc đấy lại đụng đến con ông cháu cha. Cho nên sau đó ông bị thất sủng, đến khi về hưu, ông mắc bệnh gọi xe nhà đi bệnh viện mà cũng bị từ chối thẳng thừng bị lái xe nói dỗi: xe hỏng.
Kết quả thi nghiên cứu sinh tôi đỗ nên được học ngoại ngữ một năm, nhưng vì tôi đã vững tiếng Đức nên đi ngay đầu năm 1974, cùng anh Cứ, cán bộ ĐHTHHN – vốn tốt nghiệp Đại học Văn-Khoa Huế, vốn khóa trước và khi anh này đã học xong tiếng Đức, sau này anh về Viện khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng và chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với nhau, anh Trần nổi tiếng với khái niệm Ba giáo sư vật lý có chung tên vần C. Tôi sang Viện Quang học Quang phổ – ZOS, VHLKH CHDC Đức, Adlershof, Berlin.
Với điều kiện làm việc miễn chê với trình độ các nhà khoa học – thày giáo và đồng nghiệp – và thiết bị tân tiến nhất thời đó, cuối năm 1977 tôi nhận bằng TS VL của ĐHTH Berlin HUB về lại Viện Vật lý và ít lâu sau được cử làm Phó phòng, Q. Trưởng phòng, trong thời gian chờ được kết nạp Đảng (về sự việc này tôi cũng đã có viết một bài báo mạng, đăng đã lâu trên tờ bauxitevn, nay chắc bạn đọc muốn nhắc lại, tôi chỉ xin nói ngắn gọn: tôi không muốn vì phải thề như ở đảng mafia và cũng hiểu không thể vì vướng lý lịch như sau này chứng minh, cậu em dù đang tại ngũ tại sân bay Trà Nóc chuẩn bị đi học sĩ quan, khi cán bộ ra Bắc xác minh lý lịch thì được giải ngũ ngay).
Về chuyện nhận chức Phó phòng có sự kiện hay nên nhắc lại, 34 tuổi nhận chức Phó phòng thời ấy có lẽ hơi sớm nên các anh lớn tuổi đùa ngay: Thằng Tâm vừa lên chức phá phòng, khá đúng. Còn anh Đức bạn cùng khóa, có pha chút ghen tỵ, lại hỏi: Ở nước ngoài nhà khoa học chỉ quan tâm làm chuyên môn, sao ở ta mọi người ham làm quan thế nhỉ. Tôi trả lời: Tôi phải làm trưởng chỉ vì không muốn người yếu chuyên môn hơn mình quyết định việc nghiên cứu của mình mà thôi. Có lẽ câu trả lời này cho đến nay vẫn đúng cho thể chế toàn trị này.
Đúng khi anh Văn đã làm lãnh đạo VKHVN mà vẫn khư khư giữ chức viện trưởng Viện Vật Lý (VVL) để phải mâu thuẫn gay gắt với các anh Xuân và Hồng để các anh này…tách ra một VVL khác, cũng nằm trong VKHVN. Và cậu cháu, con rể cô em gái tôi, tốt nghiệp TS giỏi ở Anh, sang công tác vài năm ở đại học danh tiếng TH Zurich, Thụy Sĩ, về nước (Viện Dầu khí chỗ anh TNT, ở dưới có nhắc) làm việc vì bố bị ung thư, cũng hành động y như tôi và cũng có câu trả lời tương tự khi được tôi hỏi.
Cũng phải nói rằng, thời gian đó dù cơ sở vật chất nghèo nàn nhưng anh em chúng tôi được đào tạo khá cơ bản và đồng bộ, khá đoàn kết nên làm việc so với hoàn cảnh là khá kết quả, cũng vẫn có báo cáo khoa học gửi ra nước ngoài dù còn ít. Phòng Quang học, khi đó do tôi phụ trách, có đến trên 30 cán bộ với 10 người đã có bằng TS, trong đó tôi quý nhất anh Trần Khiêm Thẩm, TS hóa ở Liên Xô, hình như Bacu về, phu quân chị Lê Viết Kim Ba, bạn học thời nhỏ Moritzburg Đức với tôi, sau này chị được giải thưởng Kovalevskaja về công trình thiết bị lọc máu, mà chắc chắn anh đóng góp không ít.
Anh Thẩm vướng lý lịch nên không được kết nạp Đảng và càng không được nhận vị trí lãnh đạo, chỉ bởi vì anh ở Nam ra mà không thuộc diện cán bộ tập kết nên bị tổ chức Đảng nghi ngờ địch cử ra phá ta. Tôi nhớ nhất ở anh Thẩm là từ duy ý chí anh hay dùng cho các nhà lãnh đạo, mà khi đó chúng tôi, các cán bộ trẻ với quá ít trải nghiệm đời và kinh nghiệm chính trị, chỉ hiểu rất hời hợt, và câu chuyện hài hước anh kể, khi anh ruột anh, bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, ra Bắc thăm ông em, hỏi anh nên trồng cây gì và nuôi con gì thì anh độp ngay: “nên trồng cây thuốc phiện và nuôi con cave”, thời đó chưa ai dùng và cũng không biết có phải anh sáng tác hay không.
Từ ý này thì tôi phải thành thật mà nói rằng những người cộng sản Việt Nam đúng là vậy, họ tuy rất thông minh và tràn đầy quyết tâm, thế nhưng vì ít học nên ngây thơ đến mức không tưởng, có gì tác hại cho sự phát triển của một dân tộc hay không nếu lãnh đạo đất nước mà họ lại như thế, và nay cũng là phổ biến và từ cấp thấp nhất? Trong đầu tôi lại hiện lên, dù đã nửa thế kỷ trôi qua, toàn thể cán bộ viện chúng tôi ngồi trên nóc ngôi nhà lớn nay là hội trường VHLKHTN&CNVN để nghe anh Văn huấn thị về kinh nghiệm của Liên Xô gửi người đi học các nước tiên tiến ra sao, đến các Viện hiện đại nhất học những thầy giỏi nhất, hay của Trung Quốc khi ấy lấy trọng điểm cho khoa học là máy tính, công nghệ vũ trụ, bán dẫn, laser, công nghệ sinh học như thế nào? Dẫu không sai nhưng không tưởng vì không thực tế. Thế cho nên Z181 hay thậm chí kế hoạch chế tạo bom nguyên tử (như Bắc Hàn hiện nay ư?) đều thất bại.
Cũng phải nói lãnh đạo hết sức quyết tâm. Tôi tốt nghiệp TS cuối năm 1977 thì cuối 1982 được sang Pháp một năm làm post-doc. ở Université Paris-Sud với giáo sư Yves Meyer. Với bạn trẻ ngày nay là quá chậm nhưng thời đó là ưu tiên hết sức. Về đời sống riêng, tôi lập gia đình 1971, có con trai cuối năm 1972, đúng thời Hà Nội đánh bom B-52. Tôi sinh con gái 8 năm sau tức là giữa năm 1980. Khi ấy nuôi con khó thế nào, nhà nước cũng chỉ cho phép nuôi hai con mà thôi, xin bạn đọc lượng thứ cho tôi khỏi phải nhắc lại.
Kể từ sau giải phóng Miền Nam, cấm vận, chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc liên miên nên đời sống vô cùng khó khăn, VKHVN không thể khác được, chuyện đi nước ngoài, lại tư bản nữa, là một sự ban ơn lớn của lãnh đạo, mọi người hay nói nửa đùa nửa thật, đi Pháp là để chuẩn bị đi chuyên gia. Đúng thế, nhà nước bắt đầu phải trả nợ, Algeria có cho ta vay dầu và nước ta trả nợ bằng cách gửi công nhân xây dựng, các cán bộ ngành y tế và giáo dục sang đó, mà dù đã trả hết nợ ở Algeria, điều đó cho đến nay vẫn thực hiện cho các nước khác, chỉ có điều là để tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước, các nước chậm phát triển đều làm vậy.
Khi tôi về thì tình hình xã hội như trên đã nói, lại nữa dần dà trong phòng còn có hai anh Đức và Sĩ tốt nghiệp TS bậc 2 ở Đức (Dr. habil. hay Dr. sc.) và Liên Xô (Dr. Nauk, TSKH ở ta) về, lại là đảng viên nữa nên khi tôi chỉ là Q. Trưởng phòng hờ, tự biết thế đứng của mình hết sức bấp bênh, tất nhiên tôi biết phải tìm con đường thoát cho mình. Bên VKHVN ít người đi chuyên gia vì các nước đều yêu cầu có quá trình giảng dạy. May quá bên Khoa Lý ĐHTHHN các anh bố trí cho tôi năm 1986 song song sang dạy bên đó, nên khi năm 1987 có anh Hoàng Đắc Lực, Trưởng phòng Hạt nhân, được đi chuyên gia, dạy ở Đại học Msila, Algeria, nên tôi có cớ để xin lãnh đạo cho đi.
Cũng phải mở ngoặc sau thời gian ở nước ngoài khá lâu, vợ tôi cũng đi Đức 2 năm 1985-87, thì chuyện gì phải đến sẽ đến, gia đình có lục đục nên tôi cũng phải nhân dịp này thoát ly. Lãnh đạo duyệt nên được cử đi thi tiếng Pháp và chuyên môn rồi đến Sứ quán kiểm tra lần cuối, tôi đã có thời gian tập dượt bên Paris-Sud và ĐHTHHN nên may mắn trót lọt.
(Còn tiếp)