Việt Nam Thời Báo

VNTB – Từ Chung  

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

 

(VNTB) – Nếu kể từ vụ án Nhân Văn Giai Phẩm thì đã 4 thế hệ người cầm bút ở Việt Nam bị đảng Cộng Sản bị cầm tù hay sát hại.

 

Tác giả Võ Văn Quản vừa có bài viết hơi bất ngờ và khá thú vị (“Bốn Nhân Vật Dân Sự Xuất Sắc Của Việt Nam Cộng Hòa Có Thể Bạn Chưa Biết”) trên Tạp Chí Luật Khoa

– Giáo sư Nguyễn Văn Bông 

– Bộ trưởng Cao Văn Thân 

– Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy 

– Nhà báo Từ Chung

Xin được ghi lại đôi ba đoạn chính về nhân vật cuối :

“Từ Chung là biên tập viên, là cây bút của tạp chí Chính Luận, một trong những tờ báo độc lập được đón đọc và nể trọng nhất miền Nam Việt Nam thời điểm bấy giờ… Sự trỗi dậy của tờ báo phần lớn nhờ vào tầm nhìn và chủ trương của ông Đặng Văn Sung, một dân biểu có tiếng, và hoạt động quản trị của thư ký – biên tập viên Từ Chung. 

Cuối năm 1965, sau nhiều loạt bài chỉ trích hành vi tấn công dân thường và các hoạt động quân sự không phù hợp của phe Việt Cộng, Đặng Văn Sung và Từ Chung nhận tối hậu thư của phe này: một là im lặng – hai là chết. 

Vài ngày sau khi nhận được tối hậu thư, Từ Chung thay mặt tòa soạn viết thư trả lời phe Việt Cộng đăng trên Chính Luận. Theo ghi nhận của ‘Vietnam Information Notes do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu trữ, Từ Chung khẳng định rằng Chính Luận là một tờ báo trung lập và từng vạch trần tất cả sai phạm của mọi bên trong chính trường miền Nam, song duy chỉ có Việt Cộng là đưa ra kiểu đe dọa vô pháp như vậy. Ông khẳng định: Các anh có thể giết chúng tôi, nhưng tinh thần của chúng tôi sẽ còn sống mãi. Ngày 30 tháng 12 năm 1965, sau hai năm quản lý tờ báo, Từ Chung bị Việt Cộng (nhiều khả năng là biệt động Sài Gòn) bắn chết ngay trước cửa nhà ông bằng bốn phát đạn.”

Nhà báo Thụy Giao cho biết thêm chi tiết: “Từ Chung là anh cả trong một gia đình gồm bảy anh em trai, thế nhưng chỉ có hai người anh lớn trong nhà là Vũ Mạnh Sơn Nhất Huy và Vũ Mạnh Sơn Nhị Hoàng vào được miền Nam, năm người em phải ở lại miền Bắc với cộng sản sau năm 1954. Từ Chung mất đi để lại một vợ trẻ và bốn con thơ, cháu lớn nhất mới 12 tuổi…

Từ Chung đỗ tú tài tại Hà Nội, vào Nam, ông được học bổng du học tại Thụy Sĩ năm năm và đậu bằng Tiến Sĩ Kinh Tế tại Fribourg năm 1961. Về nước, ông được Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Ðại Học Huế mời giảng dạy tại trường Luật, và sau đó được mời làm ủy viên trong Hội Ðồng Cố Vấn Kinh Tế nhưng ông từ chối vì yêu nghề viết báo.

Từ Chung viết rất nhiều thể loại, từ điểm sách, văn chương, văn hóa đến chính trị, kinh tế v.v… nhưng nổi tiếng nhất là các bài xã luận về kinh tế. Từ Chung là người Việt Nam đầu tiên đã giản dị hóa môn học khô khan khó hiểu là kinh tế học, đưa môn học này về gần với quần chúng bình dân. 

Những bài xã luận của Từ Chung về kinh tế được độc giả thuộc mọi trình độ khác nhau, từ các ông giáo sư đại học, các chuyên viên kinh tế thượng thặng đến các cậu sinh viên, các bà nội trợ đều thấu hiểu tường tận những biến chuyển kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đến mình. Những bài viết xã luận về kinh tế của ông thường được một số trí thức gọi đùa là ‘mục kinh tế chợ’ đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp giai cấp và thế hệ độc giả khác nhau. Về dịch thuật, Từ Chung có dịch cuốn ‘Bí Danh’ (Secret Name) của Lâm Ngữ Ðường.”

Ký giả Lê Thiệp kết luận: “Lập trường chống cộng của Chính Luận rất rõ rệt và đối với người Cộng sản thì đây là một mối nguy phải được dập tắt. Họ chọn cách dễ nhất là bạo lực. Ðặc công Việt Cộng đã bắn gục Từ Chung khi ông trên đường về nhà. Ba vị ký giả từng ký vào bản văn hứa sẽ không lùi trước nỗ lực đóng góp cho vận mệnh đất nước, ông Từ Chung là người đầu tiên đã trả giá cho nỗ lực đó bằng chính sinh mạng của mình.” 

Từ Chung sinh năm 1924, bị giết chết vào ngày 30 tháng 12 năm 1965. Ba mươi hai năm sau, sau khi miền Nam thất thủ, người Việt tị nạn cộng sản vẫn tổ chức một buổi lễ long trọng để tưởng niệm ông – theo tường thuật của ký giả Cam Vũ :

Ba tờ báo Ngày Nay (Houston), Xây Dựng (San Jose) và Thế Kỷ 21 (Quận Cam) đã cùng nhau tổ chức một buổi tưởng niệm cố ký giả Từ Chung vào lúc 3 giờ chiều ngày 12 tháng Tư 1997, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, thuộc thị xã Westminster, Quận Cam, California.

Phòng sinh hoạt chiều hôm ấy được trang hoàng đớn giản nhưng mỹ thuật và trang nghiêm. Trên nền phông trắng của sân khấu có treo một bức chân dung phóng lớn của Từ Chung với ghi chú: ‘Từ Chung (1924-1965)” bên cạnh là hàng chữ ‘Tưởng Niệm Từ Chung”, tất cả được nâng đỡ bởi sắc đỏ, xanh và trắng của một bình hoa lớn đặt ngay bên dưới. Khoảng 100 người đã ngồi hết các dãy ghế trong phòng.

Một câu hỏi đã được đặt ra trong bài bình luận của tờ Người Việt số ra ngày 12 tháng Tư 1997, viết rằng: “Nhiều người sẽ hỏi Từ Chung là ai, nhất là các bạn trẻ dưới bốn mươi tuổi. Chính vì câu hỏi đó mà chúng ta cần tổ chức lễ tưởng niệm và ghi nhận những đóng góp của Từ Chung vào việc tranh đấu xây dựng cho một nền báo chí tự do và có trách nhiệm ở trong nước ta.

Từ Chung đã bị đặc công CSVN ám sát năm 1965 ngay trước cửa nhà trong lúc đi làm công việc của một nhà báo. Lúc đó ông là Tổng Thư ký nhật báo Chính Luận. Tờ báo có lập trường chống Cộng này đã bị đe dọa nhiều lần, có lúc đã bị đặt bom. 

Nhưng cái chết của vị Tổng Thư ký đương nhiệm là kết quả một hành động khủng bố tàn nhẫn và man rợ nhất. Những kẻ ra lệnh giết ông bây giờ còn sống ở Việt Nam. Họ muốn cái chết của ông sẽ làm cho những người làm báo và viết báo ở miền Nam run sợ và lùi bước, nhưng họ đã thất bại. 

Từ Chung đã hy sinh như một chiến sĩ hy sinh trên chiến trường. Sự hy sinh của ông càng dũng cảm phi thường vì tay ông không một tấc sắt tự vệ. Cũng như nhiều người làm báo thời đó, Từ Chung biết cộng sản có thể giết ông bất cứ lúc nào, nhưng ông không lùi bước”.

Đúng như lời Từ Chung (“các anh có thể giết chúng tôi, nhưng tinh thần của chúng tôi sẽ còn sống mãi”) trước khi bị bắn gục, vào hôm 30/12/1965. Tinh thần bất khuất của thế hệ các ông vẫn “sống mãi” với nhiều người cầm bút đến sau. Xin ghi lại một số tên tuổi (theo thứ tự năm sinh) mà chúng tôi đã từng có hân hạnh được là độc giả̉:

Nguyễn Văn Hóa (1995) Huỳnh Thục Vy (1985) Đoàn Kiên Giang (1985) Trương Châu Hữu Danh (1982) Nguyễn Phước Trung Bảo (1982) Đường Văn Thái (1982) Nguyễn Văn Điển (1983) Huỳnh Thị Tố Nga (1983) Bùi Văn Thuận (1981) Nguyễn Viết Dũng (1986) Lê Hữu Minh Tuấn (1989) Nguyễn Anh Tuấn (1980) Nguyễn Thanh Nhã (1980) Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (1979) Phạm Đoan Trang (1978) Lê Dũng (1970) Lê Chí Quang (1970) Lê Anh Hùng (1973) Nguyễn Chí Tuyến (1974)  Nguyễn Lân Thắng (1975) Lê Trọng Hùng (1979) Phạm Thanh Nghiên (1977) Phạm Chí Dũng (1966) Vũ Quang Thuận (1966) Phạm Hồng Sơn (1968) Tạ Phong Tần (1968) Nguyễn Vũ Bình (1968) Nguyễn Văn Đài (1969) Nguyễn Minh Sơn (1963) Huy Đức (1962) Phạm Viết Đào (1952) Nguyễn Tường Thụy (1952) Phạm Thành (1952) Trần Đức Thạch (1952) …

Chúng tôi xin được vinh danh ông, một ngòi viết tài năng & bất khuất. Cùng lúc, chúng tôi cũng xin phép được gửi lời tri ân tất cả những người cầm bút (thuộc mấy thế hệ đến sau) đã dũng cảm tiếp tục nói thay cho cả dân tộc, về mọi tệ trạng ở Việt Nam, dù cái giá mà họ phải trả là chất chồng những năm tháng tù đầy.

Nguyễn Hữu Đang sinh năm 1913, Nguyễn Văn Hóa chào đời năm 1995. Nếu kể từ vụ án Nhân Văn Giai Phẩm thì đã 4 thế hệ người cầm bút ở Việt Nam bị đảng Cộng Sản bị cầm tù hay sát hại. Liệu cường quyền & bạo lực sẽ còn có thể “ngự trị” ở xứ sở này thêm bao lâu nữa ?  

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Một Chút Tình Riêng Về Miền Sơn Cước

Do Van Tien

VNTB – Những Tín Hiệu Gửi Từ Kon Tum

Do Van Tien

VNTB – Đêm Havana và Ngày Hà Nội 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo