VNTB – Tư do tôn giáo ở Việt Nam có bị hạn chế như Mỹ nói?

VNTB – Tư do tôn giáo ở Việt Nam có bị hạn chế như Mỹ nói?

Nguyễn Thị Sen

 

(VNTB) – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6 công bố báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023. Trong đó nhận xét rằng vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc Việt Nam.

Các tín đồ tôn giáo ở nhiều vùng khác nhau vẫn tiếp tục bị nhà cầm quyền theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ, đe dọa và phân biệt đối xử tùy tiện. Báo cáo nhắc đến trường hợp các tín đồ Tin Lành người thiểu số tại Đắk Lăk bị công an đánh đập trong khi bị thẩm vấn về vụ xung đột sắc tộc.

Ở Tây Bắc và Tây Nguyên, đại diện/lãnh đạo các nhóm tôn giáo thường  bị công an triệu tập họp định kỳ, hoặc đe dọa hoặc xử phạt hành chính để gây áp lực, buộc họ phải tuân thủ các yêu cầu của chính quyền như  đăng ký hoạt động tôn giáo và chấm dứt các buổi lễ được cho là tụ tập bất hợp pháp. Đồng thời báo cáo cũng tố cáo việc các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận cũng tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức/nhóm tôn giáo không đặng ký. 

Chính quyền địa phương ở các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn và Thái Nguyên tiếp tục đe doạ, hành hung để  cưỡng ép các tín đồ đạo Dương Văn Mình bỏ đạo.

Trong khi đó, chính quyền địa phương ở một số vùng ở Tây Nguyên “đã hăm dọa và đe dọa dùng bạo lực” đối với các tín đồ của các nhóm đạo Tin Lành chưa đăng ký

Tháng 4/2023, chính quyền tỉnh Đắk Lắk bắt giữ ông Y Krec Bya, một thành viên của Hội thánh Tin Lành đấng Christ và buộc ông tội “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Bộ luật Hình sự. Chính quyền địa phương cáo buộc ông thu thập và phổ biến thông tin “xuyên tạc”, “gây chia rẽ” dân với chính quyền, cũng như chia rẽ các nhóm tôn giáo khác.

Báo cáo cũng đề cập vụ chính quyền Phú Yên bắt giữ ông Nay Y Blang hồi tháng 5. ÔngNay Y Blang là người của Hội thánh Tin Lành đấng Christ, và cáo buộc ông “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Bộ luật Hình sự. Công an địa phương cáo buộc ông truyền đạo và tiến hành các hoạt động tôn giáo “bất hợp pháp”, cùng nhiều cáo buộc khác.

Vào cuối tháng 7, chính quyền tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã bắt giữ ba người Khmer Krom với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Các ông Tô Hoàng Chương, Thạch Cương và Danh Minh Quang bị bắt vì “ đã lên tiếng báo động với cộng đồng quốc tế về việc chính quyền xâm hại quyền của họ” và trấn áp “việc phổ biến các tài liệu quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số và tự do tôn giáo cho các cộng đồng”.

Phía Mỹ nhận định rằng chính quyền Việt Nam vẫn hạn chế quyền tự do đi lại hoặc quyền xuất cảnh của nhiều người ủng hộ tự do tôn giáo và đại diện của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký thông qua lệnh cấm xuất cảnh hoặc thu hồi hộ chiếu. Minh chứng cho việc hạn chế đi lại là trường hợp Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai,  của đạo Cao Đài độc lập bị cấm đi ra nước ngoài để tham dự Hội Nghị Thượng đỉnh về Tự Do Tôn giáo.

Tháng 12/2023, chính quyền An Giang kết án tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập Nguyễn Hoàng Nam 8 năm tù vì tội  “tuyên truyền chống nhà nước” khi đăng tải các tài liệu “phá hoại chính sách tôn giáo hoặc đoàn kết dân tộc”.

Ngày 29/12/2023, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 đã được sửa đổi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo. 

Đáp lại báo cáo này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã “ Đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo” vì “Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam“.

Toàn bộ báo chí Việt Nam đã đồng loạt đăng tải nội dung trả lời họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/7/2024 và cũng như tuyên bố khẳng định “báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ đưa ra nhận định thiếu khách quan về Việt Nam”. 

Động thái này hoàn toàn tương phản với hai sự kiện nổi bật liên quan đến tôn giáo hiện nay.

Một là việc đầu đà Thích Minh Tuệ bị mất tích trên 3 tuần ngay tại vườn nhà ở Tây Nguyên. Đây là vụ mất tích thứ hai của thầy Thích Minh Tuệ. Lần mất tích thứ nhất là tối 3/6/2024 tại Huế. Sau đó gần một tuần, thầy Thích Minh Tuệ được VTV cho xuất hiện trở lại trong một chương trình được đồn đoán là dàn dựng vụng về để trả lời thắc mắc của dư luận. 

Từ Huế, thầy Thích Minh Tuệ “được” đưa đi làm Căn cước công dân, và “được” đưa đi “ẩn tu” ở nhà ngay trong đêm.  Hơn 70 người đồng hành với thầy Thích Minh Tuệ đã bị giải tán, áp tải về tận quê. Thầy lại được đưa ra công chúng sau lần mất tích thứ hai với một video cũng đầy nghi vấn. 

Vụ mất tích của thầy Minh Tuệ không được làm sáng tỏ, các cấp chính quyền cũng như báo chí hoàn toàn làm ngơ, không có được thông tin từ bất cứ nơi nào cứ như thầy đã “ bốc hơi” một cách kỳ lạ từ vườn nhà.

Hai là vụ Thượng toạ Thích Chân Quang với những nghi vấn về học vấn sau khi ông bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng trong 2 năm. Nghi vấn gian lận bằng cấp của TT. Thích Chân Quang đã bị đẩy lên rầm rộ, buộc Bộ Giáo Dục phải vào cuộc yêu cầu thanh tra trường Đại Học Luật Hà Nội.

Cho tới nay chỉ có một mình báo Người Lao Động rón rén cho đăng bài “Mạng xã hội bàn tán một bằng bổ túc cấp 3” đề bàn về bằng cấp 3 của một người đàn ông. Vụ bằng cấp của ông Thích Chân Quang đã được thả lỏng cho mạng xã hội thoải mái bàn tán, không bị bóp tương tác trên mạng xã hội để pha loãng đi vụ mất tích của thầy Thích Minh Tuệ.

Việt Nam có tự do tôn giáo hay không, đánh giá của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có khách quan hay không? Câu trả lời hẳn đã rõ!


 



CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)