Việt Nam Thời Báo

VNTB – Từ giấy không… đến ngụy biện

Phương Thảo (VNTB) Thông thường khi chưa có bằng chứng xác đáng, cảnh sát và chính quyền sẽ không ra thông báo, thông cáo hay tuyên bố gì cả. Cùng lắm họ chỉ nói “ chúng tôi cho là …” hay “ người được cho là…” và sẽ nói còn chờ thêm kết quả điều tra. Điều mà có thể nhận thấy khi luật sư của Trịnh Xuân Thanh báo cho cảnh sát về khả năng ông ta bị bắt cóc, cảnh sát vẫn nói rằng ” tình nghi…” mà không sử dụng từ như “ tin chắc”.

Cho đến nay thì cả Ngoại trưởng Đức lẫn luật sư của ông Thanh đều khẳng định việc bắt cóc và vi phạm luật pháp quốc tế lẫn luật của Đức là hoàn toàn không thể chối cãi được.

Trong thông cáo báo chí của luật sư Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf đã nêu rõ Hà nội có ý định dùng thông tin sai sự thật để che đậy hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Việt nam.

Thông cáo nêu rõ “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông Thanh đều không tự nguyện để mình bị rơi vào tay các cơ quan Việt Nam. Ông ta đã biết chắc chắn rằng tại Việt Nam, vì lý do chính trị ông ta sẽ hoàn toàn không được xét xử công bằng.

Tất cả những nhận biết có được cho đến nay chỉ có thể dẫn đến kết luận là theo chỉ thị của chính phủ Việt Nam, ông Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin và bị dùng bạo lực đưa về Việt Nam một cách bất hợp pháp.”

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng đã tuyên bố nhân viên mật vụ Việt nam bị “yêu cầu trục xuất vì chúng tôi tin chắc rằng ông ta dính líu tới vụ bắt cóc …”

Điều tin chắc của người Đức dựa vào bằng chứng pháp lý như lời khai của nhân chứng, biển số xe,  hình ảnh camera trên đường phố, lộ trình xe được lưu lại trong GPS định vị xe,  để đưa tới bằng chứng ông Thanh được đưa từ Đức sang Praha, Tiệp khắc và sau đó lên máy bay bằng cáng thương. Chỉ hai ngày sau chính phủ Đức đã tìm ra người phụ nữ Việt nam, người được cho là con gái của một vị Bộ trưởng và cũng là người tình của Trịnh Xuân Thanh, bị bắt cóc cùng Trịnh Xuân Thanh nằm ở bệnh viện Việt Đức Hà nội có công an canh giữ.

Việt nam phải mất 11 tháng mới bắt được Trịnh Xuân Thanh và đã sơ hở để lại vô số dấu vết mà từ đó cảnh sát Đức chỉ cần có hai ngày đã biết được gần như toàn bộ quá trình bắt cóc người tại Đức của mật vụ Việt nam. Sau đó lại còn khuyến mãi thêm những thông tin mà Hà nội giấu nhẹm như ông Thủ Tướng dù chỉ gặp Merkel có 30 phút ở Hamburg nhưng cũng đã lên tiếng yêu cầu cho dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước và chưa được phía Đức chấp thuận và rằng Trịnh Xuân Thanh sở dĩ được vào Đức là vì ông ta có hộ chiếu ngoại giao, và những người tham gia bắt cóc ông Thanh cũng dùng bỏ bọc ngoại giao để đưa ông Thanh về Việt nam trót lọt.

Những điều này chỉ một lần nữa cho thấy, Đức không nói cho có, nói lấy được để che lấp những gì khuất tất như chính quyền Việt nam đã và đang làm, mà nói có chứng cứ xác đáng.

Nguỵ biện 

Không ít người hả hê khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt sau một thời gian chạy trốn vì cho rằng kẻ tham nhũng phải bị trừng trị và rằng ông Thanh là kẻ tội phạm bị truy nã quốc tế. Đồng thời lên tiếng chỉ trích chính phủ Đức cũng như những ai không đồng tình với cách thức ngang nhiên bắt cóc người tại thủ đô Berlin.

Đúng là tham nhũng của dân thì phải bị trừng trị. Nhưng điều đó không có nghĩa bất chấp thủ đoạn và luật lệ để đạt được mục đích.

Nước Đức không dung thứ kẻ phạm tội dù ở đâu, bằng chứng là ông Thanh và vợ cùng nộp đơn xin cư trú, nhưng không ông Thanh khôn được chấp thuận vì là đối tượng đang bị truy nã ở Việt nam. Ông Thanh đổi sang xin quy chế tỵ nạn chính trị, và hồ sơ đang được cứu xét. Đức chưa muốn cho dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt nam vì e rằng ông ta sẽ bị án tử hình, một hình phạt mà ở Đức và nhiều quốc gia châu Âu không còn áp dụng nữa.

Ông Thanh không hề có tên trong danh sách tội phạm bị truy nã của Interpol dù báo chí lề phải cho đăng tải lời xác nhận chắc như đinh đóng cột của ôngThượng tướng Lê Quý Vương cho biết Ban thư ký của Interpol đã ra lệnhtruy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh từ 29/9 sau khi nhận yêu cầu của Công an Việt nam.

Sau đó ngày 6/12, khi đã tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn “nhấn mạnh và thông tin, cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã quốc tế với Trịnh Xuân Thanh. Việt Nam sẽ phối hợp với các nước và “tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu, chúng ta làm theo luật pháp quốc tế và phải có thời gian”.

Thế nhưng những lời nguỵ biện dành cho việc bắt cóc vẫn là “ ông Thanh là tội phạm hình sự bị interpol truy nã nên bị bắt là đúng.” Nếu thật ông Thanh bị truy nã quốc tế, thì người thực hiện vụ bắt giữ phải là cảnh sát Đức và thực hiện một cách công khai chứ không lén lút bắt cóc và ngang nhiên coi thường thoả thuận của Merkel với ông Phúc.

An ninh Việt nam có thể được phép coi thường ông Phúc, nhưng với Merkel đó là sự bất tín của ông Phúc và của cả chính quyền Việt nam, và coi thường luật pháp Đức vì “ chính quyền Đức không ra lệnh bắt dẫn độ và không tiến hành điều tra dẫn độ đối với ông Trịnh Xuân Thanh.”

Ông Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng — An ninh khóa XIII của Quốc hội cho rằng: Người bị truy nã, đang lẩn trốn ở nước ngoài nếu muốn ra đầu thú, họ có thể đến Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của Việt Nam ở nước sở tại để liên hệ. Sau đó, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng trong nước để đưa người bị truy nã đó về đầu thú.

Vậy nếu ông Thanh muốn đầu thú, thì có thể đường hoàng tới toà Đại sứ Việt nam tại Berlin chứ tại sao lại xuất hiện đột 10 ngày sau khi mất tích với thần thái thẫn thờ, đầu tóc rối bời, xanh xao tiều tuỵ cùng với một đơn xin đầu thú với đầy lỗi chính tả mà chính báo chí Đức cũng mỉa mai ông ta đã tự nguyện như vậy đó. Nếu ông Thanh thật sự tự nguyện đầu thú, thì báo chí Việt nam đã cho lên mạng và lên sóng ngay khi ông Thanh xuất hiện chứ không phải đợi đến khi mọi chuyện vỡ lở mới lật đật dựng màn kịch vụng về chống chế cho hành động phi pháp của nhà cầm quyền và lời nói dối của dàn lãnh đạo từ cao xuống thấp.

Một sự việc khác có thể củng cố thêm việc Hà nội hoàn toàn thua về lý trong sự việc này là họ đã không dám trả đũa về mặt ngoại giao với Đức sau khi một nhân viên mật vụ Việt nam bị trục xuất về Việt nam cùng với hứa hẹn của Ngoại trưởng Đức rằng họ hiện “ đang bàn về các biện pháp khác, không chỉ về việc trục xuất những người có trách nhiệm.

Tin bài liên quan:

VNTB – Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, căng thẳng giữa Đức và Việt nam gia tăng

Phan Thanh Hung

Những ngày cuối cùng của Đảng Cộng sản? (Phần cuối)

Phan Thanh Hung

VNTB- Cho một Việt Nam tự do và thịnh vượng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo