Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tư nhân đầu tư trồng 63.000 ha lúa để xuất khẩu

Thới Bình

(VNTB) – Một công ty tư nhân đã đầu tư cánh đồng trồng lúa để xuất khẩu với diện tích đến 63 ngàn héc-ta (ha).

 

Theo chương trình hợp tác với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thì Công ty Trung An sẽ triển khai xây dựng và phát triển nông nghiệp sạch, xanh và bền vững tại vùng nguyên liệu lúa gạo, đảm bảo giảm chi phí trong sản xuất, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất lúa gạo bền vững, an toàn theo định hướng hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tiền thân là Công ty TNHH Trung An, được thành lập ngày 16–1996 tại ấp Thạnh Phước 1, xã Trung An, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chế biến xay xát gạo. Trung An hiện là một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành chế biến gạo sạch và xuất khẩu gạo.

Từ năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ và sản xuất lúa đạt chuẩn theo mô hình cánh đồng lớn với 12.860 ha và tăng lên gần 75.000 ha vào năm 2018. Đến năm 2021, Kiên Giang đã xây dựng được 783 cánh đồng lớn với diện tích gần 75.000 ha, trong đó số cánh đồng lớn gắn kết tiêu thụ là 651 cánh đồng với diện tích 53.478 ha, tăng 74,35% so với năm 2020.

Qua thực hiện cánh đồng lớn đã giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tốt tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, gieo sạ tập trung, năng suất trung bình đạt 6,5 tấn/ha (vụ Hè thu) và 7,4 tấn/ha (vụ Đông xuân) cao hơn so với sản xuất truyền thống của nông dân khoảng 300 kg/ha và tăng lợi nhuận bình quân từ 3- 3,7 triệu đồng/ha.

Riêng đối với Công ty Trung An, trong vụ Đông Xuân 2021-2022, công ty đã triển khai, phối hợp với hợp tác xã và nông dân được 100 ha sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu, sản lượng khoảng 460 tấn. Sản xuất 600 ha lúa đạt chứng nhận GlobalGAP, sản lượng bình quân khoảng 4.800 tấn.

Bên cạnh đó, Trung An còn thực hiện liên kết tiêu thụ lúa ổn định từ 2.000 đến 3.000 ha/vụ trên các địa bàn huyện vùng Tứ giác Long Xuyên. Dự kiến trong niên vụ năm 2022-2023, công ty sẽ mở rộng khoảng 4.000 ha, chủ yếu ở huyện Hòn Đất và một phần huyện Giang Thành, Kiên Lương.

Tại báo cáo tài chính quý II/2022, Trung An (mã chứng khoán: TAR) ghi nhận doanh thu quý đạt 765 tỷ đồng – giảm nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn giảm nhẹ xuống 676 tỷ đồng với việc doanh nghiệp tìm được nguồn nguyên liệu giá tốt. Vì vậy, lợi nhuận gộp quý II của TAR tăng 31% so với cùng kỳ lên 89 tỷ đồng.

Trong quý, doanh thu từ hoạt động tài chính của TAR đạt hơn 3 tỷ đồng; chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt ghi nhận 22 tỷ đồng và 40 tỷ đồng – tương đương tăng 16% và 33%. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của TAR tăng gấp 2 lần quý trước lên ngưỡng 28 tỷ đồng. Kết thúc quý II năm nay, TAR báo lãi ròng 24 tỷ đồng – tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt 299 đồng/cổ phiếu.

Dự đoán về tình hình kinh doanh sắp tới của TAR, Agriseco Research đánh giá kết quả kinh doanh khả quan đến từ việc xuất khẩu gạo tăng trưởng tích cực khi doanh nghiệp cho biết đã trúng thầu xuất khẩu gần 50.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2022.

Hiện nay, giá lúa mì thế giới liên tục tăng mạnh trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa tăng nhiều. Gạo có thể trở thành một sản phẩm thay thế cho các loại lương thực khác. “Trước tình trạng này, nhiều nước đã tăng nhập khẩu các mặt hàng lương thực thay thế như gạo, giúp Trung An liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn”, Agriseco Research nhận định.

Ngoài hoạt động kinh doanh chính, TAR có kế hoạch chuyển nhượng lô đất có diện tích khoảng hơn 10.000 m2 tại tỉnh Cần Thơ và kỳ vọng ghi nhận 470 tỉ đồng lợi nhuận từ giao dịch này.

Ở dự án 63.000 ha lúa ở tỉnh Kiên Giang, phía Trung An cho hay sẽ đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất và làm theo quy trình hữu cơ. Ngoài phát triển vùng nguyên liệu, công ty còn đầu tư hệ thống nhà máy chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị để phục vụ xuất khẩu. Đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ để phục vụ sản xuất và cung ứng ra thị trường nhằm mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu lúa gạo.

Tư nhân sở hữu đất đai nông nghiệp với diện tích 63 ngàn héc-ta để trồng lúa là một sự kiện đáng chú ý ở đồng bằng sông Cửu Long hiện tại.


Tin bài liên quan:

VNTB – Doanh nghiệp đang sợ báo chí cách mạng!

Phan Thanh Hung

VNTB- Nhân quyền với Hà Nội: mọi chuyện vẫn còn bỏ ngỏ?

Do Van Tien

VNTB – Ai đã giết chết sự hào sảng của người Đất Mũi?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo