Nguyễn Huyền
(VNTB) – Vì sao thẩm phán không yêu cầu các giám định viên đối chất với tác giả các bài báo đang bị cáo buộc theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (tu chỉnh 2017)?
“Qua giám định, cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Phạm Chí Dũng, 5 bài viết của Nguyễn Tường Thụy và 6 bài viết của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Một số tờ báo đã tường thuật như vậy về hành vi được cho là phạm tội hình sự “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”.
Dường như đây là một vụ án dáng dấp “án văn tự”, hay còn được biết tới với tên “văn tự ngục”.
Nếu thẩm phán cùng hai vị hội thẩm thật sự có quyền tư pháp độc lập, tôi tin rằng họ cũng rất tò mò vì sao chỉ có 36 bài báo trong suốt 5 năm trời lại có thể chứa đựng quá nhiều cáo buộc về hành vi phạm tội hình sự?
Tò mò còn là vì dường như trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, đến nay chưa có thông tư hướng dẫn “Quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm báo chí”, mà mới chỉ có “Quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa” tại Thông tư số 08/2019/TT-BVHTTDL, do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hôm 03/9/2019. Trong khi đó thì về mặt tố tụng, đây lại là bắt buộc, vì Luật Giám định tư pháp, ở Điều 3 “Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp”, ghi rằng “Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định”.
Có ý kiến sở dĩ thẩm phán cùng các vị hội thẩm ngần ngại ‘cự nự’ với bên Viện Kiểm sát, Công an trong các vụ án “an ninh quốc gia” liên quan đến các bài đăng báo, vì cả cấp Viện Kiểm sát lẫn bên Công an đều được trao cho quyền tư pháp như tòa án.
Trong lúc đó thì về nguyên tắc chung, quyền tư pháp là một quyền độc lập chỉ được dùng để chỉ cho hoạt động xét xử của tòa án, không nên được dùng cho cả các cơ quan điều tra, và nhất là cho cả cơ quan công tố buộc tội của Viện kiểm sát như hiện nay – những quyền này đều là một phần của quyền hành pháp.
Quyền tư pháp lẽ ra cần phải được mở rộng đối tượng xét xử kể các các hành vi lập pháp và hành pháp như các quốc gia khác.
Khác với thời kỳ chiến tranh, cũng như thời bao cấp, tư pháp chỉ được xem xét như là một trong các ban ngành như các bộ của hành pháp, vì nó chỉ được hiểu là một trong những lĩnh vực cần quản lý của Nhà nước như các lĩnh vực ban ngành khác mà thôi, thì nay phải là một ngành độc lập, có khả năng xét xử cả các hành vi của lập pháp và hành pháp. Do đó trong tương lai không xa, các hoạt động của các cơ quan lập pháp và cả hành pháp cũng phải đặt trong vòng xét xử của toà án.
Cuối cùng, cải cách tư pháp cần trao cho tòa án quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật, đồng thời phải đặc biệt chú ý đến bảo đảm tính độc lập cho thẩm phán.
Và chỉ khi được như những điều tối thiểu ở trên, mới hy vọng các phiên tòa “văn tự ngục” sẽ minh định vì sao, vì đâu các câu chữ gói gọn trong bài đăng báo lại có sức mạnh của “chống Nhà nước CHXNCN”?