Hàn Lam
(VNTB) – Tại phiên họp tháng 10-2022 của Quốc hội sẽ xem xét tờ trình về việc giảm thuế xăng dầu theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Quy trình sẽ là Bộ Tài chính trình Chính phủ về nội dung giảm thuế VAT với xăng dầu và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Sau đó Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ở kỳ họp gần nhất (tháng 10-2022). Nếu muốn sớm hơn, cần phải triệu tập cuộc họp Quốc hội bất thường để xem xét, quyết định.
Theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia …), ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn …). Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại Việt Nam, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999.
Tại Khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn như sau: “4. Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế …”. Do đó, về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay.
Điều này cũng tương tự với thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra cũng theo đề nghị của Bộ Tài chính, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31-12-2022 như sau: Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 1-1-2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7-2022, đề nghị hiệu lực thi hành của nghị quyết kể từ ngày 1-8-2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.
“Theo quy định, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu Quốc hội họp bất thường. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định có triệu tập một kỳ họp bất thường. Theo tôi, với vấn đề cần thiết và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như thế này cũng nên xem xét tổ chức phiên họp bất thường ngắn, có thể trong một ngày để Quốc hội quyết định việc giảm thuế. Cái đấy là cần thiết cho nền kinh tế” – Ông Hoàng Anh Công, phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết như vậy.
Ông Hoàng Anh Công nói rằng vì theo quy định, việc thay đổi mức thuế là thẩm quyền của Quốc hội và không ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết khi Quốc hội không họp. Do vậy, nếu việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu thực sự cấp bách, phải triệu tập kỳ họp bất thường.
Câu hỏi đặt ra là liệu trong tuần này có lệnh triệu tập kỳ họp bất thường đó của Quốc hội hay chưa?