VNTB – Tư tưởng Lý Quang Diệu cho thủ tướng Việt Nam?

Hòa Cầm (VNTB) – Đến với lễ tang ông Lý Quang Diệu và trở về, “ngôi sao sáng” chính trị Việt Nam chỉ có đúng một sự lựa chọn: “Hành động Nhân dân” (*).


Liệu có bất ngờ?

Khi sang Singapore dự lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, liệu ông thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có thấy bất ngờ khi chứng kiến tận mắt (không qua thư ký, báo đài) cảnh hàng dài quang cảnh dân chờ vào viếng cố lãnh đạo Lý Quang Diệu. Thậm chí, có nhiều người “chịu đứng ngoài nắng nhiều giờ rất nóng và nhịn qua cả bữa ăn để có thể vào viếng”.

Có lẽ sẽ là bất ngờ, vì một nhà lãnh đạo độc tài hiếm hoi đem lại nhiều sự yêu mến như thế trong cộng đồng thế giới và chính đảo quốc Singapore.

Điều đó, cho thấy rằng, sự độc tài nếu mở ra cánh cửa tương lai cho một dân tộc, thì chắc hẳn đó sẽ là sự độc tài lành tốt hơn, tốt hơn dân chủ rối ren.

Liệu ông đang phân vân, ông đang lưỡng lự trước một số lựa chọn? Có thể, vì trước đó, vì ông đã chứng kiến trường hợp được sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh trong sự tiếc nuối, yêu thương của người dân.
Kế thừa tư tưởng nào?

Trong sổ tang chia buồn, ông Thủ tướng viết: “Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau.”

Tự hỏi, liệu ông Thủ tướng có thể kế thừa được tư tưởng xây dựng, phát triển quốc gia nào?

Nhưng rõ ràng, trong vị trí chính trị hiện nay, người có thể mở cánh cửa nhằm tạo “nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau” tại Việt Nam thì có vẻ ông thích hợp hơn cả.

Những lời cố vấn về kinh tế có thể bị bỏ qua, nhưng những quan điểm về chính trị của ông Lý Quang Diệu (One man’s View of the World’) có thể là một cơ hội tốt để tạo dấu ấn cá nhân, không phải nhiệm kỳ nữa, mà là trong lịch sử của dân tộc.

“Bị kìm hãm trong tư duy xã hội chủ nghĩa”, ông Lý Quang Diệu đánh giá về sự bế tắc của lãnh đạo Việt Nam trong cuốn sách 400 trang của mình.
Sự lựa chọn – duy nhất

Ông Thủ tướng không phải là ngôi sao kinh tế, nhưng ông chắc chắn là ngôi sao sáng nhất trong bầu trời chính trị Việt Nam. Vì ông đã có đủ 2 thứ cần thiết để vượt lên tứ bộ khung, đó là quyền lẫn tiền.

Vấn đề nằm ở sự lựa chọn, với độ tuổi 66, là cái tuổi Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục Bất Du Củ. Nghĩa là con người 70, sẽ có được cách xử sự và xử thế, thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy.

Vậy với tiềm lực đang có, lẽ nào ông Thủ tướng lại trở về vui thú đoàn viên?

Có lẽ không phải vậy, bước chân của ông Thủ tướng dừng lại sẽ là điều đáng tiếc. Vì việc lựa chọn như thế, khiến cho tất cả những nỗ lực thu vén của ông trong thời gian qua chìm vào quên lãng.  Nhưng với bản chất của ông, đặc biệt công khai hóa con cái, vị trí của con cái, có người con rể liên đới đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa, chắc hẳn, việc dừng lại, trở về an viên là một lựa chọn hạ sách trong ông.

Lịch sử chỉ ghi nhớ những nhà lãnh đạo độc tài bạo tàn, và những nhà dân chủ kiến thiết. Đó gần như là một sự bất biến.

Images intégrées 2


Từ sau khi mở cửa thực sự đến nay (1995), để được cúi đầu trước di ảnh, để dân tràn ra đường mà đón thi hài, để được ghi danh vào sử sách, để được khắc tên trên các tuyến đường là điều rất khó, vì công trạng đối với Đảng Cộng sản chỉ thực sự có trong thời kỳ chiến tranh, còn trong thời điểm hòa bình, xây dựng hiện nay, một nhà lãnh đạo cần có một lối đi khác, một lối đi mở cửa tương lai cho dân tộc. Mà khi như thế, người ta sẽ xem đấy là những cống hiến to lớn, phủ bóng 2 nhiệm kỳ kinh tế, chính trị đầy bê bết.

Đến với lễ tang ông Lý Quang Diệu và trở về, “ngôi sao sáng” chính trị Việt Nam chỉ có đúng một sự lựa chọn.

Và sự lựa chọn đó, nếu được thực hiện, hẳn đó là một “Hành động Nhân dân” (*).

* Đảng Hành động Nhân dân (PAP) do ông Lý Quang Diệu thành lập vào tháng 11/1954 và giành được 43/51 ghế Hội đồng lập pháp trong cuộc bầu cử toàn quốc 6/1959.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)