Văn Nguyên Dưỡng
[ads_custom_box title=”Lời toà soạn” color_border=”#050ce8″]
Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng hiện sống tại Hawaii, nguyên trưởng phòng 2 ( Phòng Tình Báo) bộ tư lệnh sư đoàn 5 BB. Người tham dự trận chiến An Lộc từ bắt đầu đến kết thúc. Trong bài viết của ông dưới dây có thể có một vài chi tiết khá nhạy cảm với một vài người.
[/ads_custom_box]
8. TỬ THỦ AN LỘC LÀ QUYẾT TÂM SẮT ĐÁ CỦA TƯỚNG TƯ LỆNH MẶT TRẬN LÊ VĂN HƯNG CŨNG LÀ TƯ LỆNH SĐ5BB, NHƯNG KẾ HOẠCH TỐI ƯU GIÚP TƯỚNG HƯNG GIỮ VỮNG AN LỘC LÀ CỦA ĐẠI TÁ LÊ QUANG LƯỠNG LỮ ĐOÀN TRƯỞNG LỮ ĐOÀN 1 NHẢY DÙ.
Tại thị xã tỉnh lỵ An Lộc, ngoài các Trung đoàn 7 và 8 (-) của SĐ5BB, một Tiểu đoàn Pháo binh và Đại đội 5 Trinh sát -bảo vệ BTL/HQ Sư đoàn (tất cả dưới 2,500 quân), chừng hai Tiểu đoàn ĐPQ của Tiểu Khu Bình Long (tất cả dưới 800 quân), Chiến đoàn 33 BĐQ (hơn 1,500 quân), Chiến đoàn 52/SĐ18BB (400 quân, kể cả thương binh), ngày 14 tháng 4 Tướng Minh cho tăng viện vào thị xã Lữ đoàn 1 Nhảy Dù (chừng 2,200 quân), và ngày 17 tháng 4, Chiến đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (chừng 450 quân). Tổng cộng, lực lượng phòng thủ tại An Lộc của Tướng Lê văn Hưng chừng trên 7,500. Tại Bộ Tư lệnh HQ nhẹ của Tướng Hưng, Phòng 3 Hành Quân của Trung tá Trịnh Đình Đăng ở khu nhà mặt tiền xoay ra đường Nguyễn Huệ bị một hỏa tiển 122 ly rơi trúng, 6 sĩ quan tham mưu của ông tử thương. Phòng 2 Hành Quân của tôi trong cùng một dãy nhà đó cũng có một sĩ quan tử thương. Các sĩ quan tham mưu của Trung tá TĐĐ không còn người nào để làm việc, nên ông cùng tôi và hai sĩ quan cấp Đại úy của tôi là Dương Tấn Triệu và Nguyễn Chí Cường phải đảm đương việc thu nhặt tin tức hành quân của tất cả các đơn vị để lập quyển nhật ký hành quân cho Sư đoàn về trận An Lộc. Sau này quyển nhật ký hành quân này do tôi giữ nên tai họa đổ lây sang cho tôi sau khi tướng Hưng bị thất sủng…. Theo ghi nhận của chúng tôi sau khi liên lạc với toàn bộ các cánh quân phòng thủ thì trong trận tấn công của CSBV vào An Lộc ngày 13 tháng 4, tổn thất của bạn là 28 tử thương, 53 bị thương, mất 3 súng cộng đồng và 42 súng cá nhân; địch 169 chết ở các tuyến phòng thủ bạn, 2 bị bắt. Ta tịch thu được 3 súng cộng đồng, 50 súng cá nhân, 2 máy truyền tin, bắn hạ từ 14 đến 16 chiến xa T-54 va PT-76 của địch.
Nên lưu ý là khi TWC/MN tung quân tấn công đợt thứ nhất vào thành phố ngày 13 tháng 4, 1972 thì Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và Chiến đoàn 81 BKND chưa được tăng viện, quân số phòng thủ chỉ chừng dưới 5,500 người nếu tính cả nhân dân tự vệ võ trang. Trong ngày này, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng đang giải tỏa chốt chặn của Sư đoàn 7 CSBV ở Tàu-Ô, vì trận CSBV tấn công An Lộc nói trên nên Tướng Minh lệnh cho rút ra để chuẩn bị vào An Lộc tăng cường cho SĐ5BB. SĐ21BB từ miền Tây được đưa vào thay thế.
Ở đây, có một điểm cần nêu lên là, trong ngày 13 tháng 4, bởi sự tấn công dữ dội của Sư đoàn Công trường 9 CS của TWU/MN cộng với các đơn vị chiến xa 202 và 203 từ miền Bắc vào và ba Trung đoàn pháo của Sư đoàn 69, hay 70 Pháo, được tăng cường Trung đoàn Pháo Phòng không từ miền Bắc và Trung đoàn Đặc công 429, các tuyến phòng thủ của Trung đoàn 8 (-), Trung đoàn 52 (-) và Chiến đoàn 3 BĐQ ở mặt bắc và đông bắc đã phải lui về tuyến phòng thủ thứ hai trong thành phố. Một phần thành phố trong khu vực thương mãi phía bắc đường Nguyễn Trung Trực và sân bay Đồng Long tạm thời bị địch chiếm giữ, mặc dù có một số chiến xa của chúng bị hạ trong khu vực trách nhiệm của mỗi đơn vị.
Xin tưởng tượng, một thành phố với chiều ngang 1 km và chiều dài 2 km chỉ trong đêm 12 rạng 13 tháng 4, phải chịu từ bốn đến năm nghìn quả đạn đại pháo của CSBV thì có nơi nào không bị pháo dội phải? Binh sĩ phòng thủ và cư dân trong thành phố bị thương rất cao. Bệnh viện tỉnh nằm trước mặt Bộ Tư lệnh Hành quân SĐ, cách một con đường, bị pháo nhiều đợt. Người bị thương đưa vào đó trong những ngày trước chết nằm la liệt khắp nơi. Có những xác chết rồi bị banh xác thêm một đôi lần nữa. Trước tình cảnh đó, Đại tá Bùi Đức Điềm, Tham mưu trương Hành quân Sư đoàn, khi dứt tấn công chiến xa, tìm đâu đó được một chiếc xe ủi đất, tự mình lái xe đào những đường rãnh lớn và binh sĩ Đại đội Trinh sát Sư đoàn phụ thu dọn xác chết và các mảnh vụn thi thể cư dân, đem chôn tập thể dưới các đường rãnh này. Binh sĩ đơn vị chết thì chôn tại chỗ bố phòng của đơn vị. Các việc này lập lại nhiều lần suốt trận chiến dài một trăm ngày ở An Lộc. Đại tá Điềm luôn luôn ở trên chiến trường, trong các hố cá nhân với binh sĩ ở đâu đó khi pháo rộ và đi giám sát đôn đốc binh sĩ mọi nơi trong tuyến phòng thủ của Bộ Tư lệnh HQ và các đơn vị của Sư đoàn. Ông là một sĩ quan can trường, cẩn trọng và nhiệt tình. Tôi chưa từng thấy một cấp chỉ huy nào như ông. Chỉ vào đêm tối ông mới xuống nằm cạnh bên tôi trong hầm khi đã hiểu biết vững vàng mọi việc trong ngày trên mặt đất và làm hết sức mình trong ngày.
Sau trận tấn công này, các đơn vị phòng thủ của Tướng Hưng không thể tản thương, thay quân và tiếp tế đạn dược hay thực phẩm được nữa vì đã mất sân bay Đồng Long, một phần thành phố phía bắc thị xã trong khu thương mãi, và hai ngọn đồi quan trọng ở đông nam thị xã là Đồi Gió và Đồi 169. Hệ thống tiếp tế bằng C-47 Chinooks ở sân bay Đồng Long hoàn toàn đình chỉ. Cư dân vẫn sống trong các dãy phố chung với binh sĩ các đơn vị ở những khu vực của tuyến phòng thủ mới và một số lớn chạy về sống tạm bợ cạnh dòng suối cặp đường rầy xe lửa ở khu đông nam thị xã. Trong khu vực hành chánh phía nam Đại lộ Hoàng Hôn, ở khu vực suối nói trên và ở các khu vực phòng thủ binh sĩ chia xẻ gạo, cơm xấy và thực phẩm với dân. Cũng ghi nhận là trước đó, trong ngày 8 tháng 4, cư dân trong thành phố chừng hơn ba ngàn người tị nạn chia làm hai đoàn do một linh mục Công giáo và một đại đức Phật giáo hướng dẫn di chuyển theo QL-13 về Chơn Thành, nhưng vừa qua khỏi đồn điền Xa Trạch bị Sư đoàn Công trường 7 pháo kích, hàng trăm người chết, bị thương. Xác chết nhầy nhụa trên mặt đường và khu vực chung quanh. Một số chạy ngược về An Lộc, kỳ dư đều bị chúng bắt không còn biết tung tích gì nữa sau đó.
Từ ngày 14 tháng 4 trở đi An Lộc chỉ được tiếp tế bằng thả dù không vận của KQVN và Không lực Hoa Kỳ. KQVN, trong hai ngày đầu, sau mấy đợt thả đạn dược và thực phẩm khô cho các đơn vị phòng thủ bằng các loại vận tải cơ Faichild C-123 và C-119 bị phòng không CSBV bố trí dày đặc bao quanh thành phố xạ kích dữ dội làm thiệt hại 2 chiếc C-123 và mấy chiếc khác bị hư hại, vả lại vì bay cao nên các dù đạn và thực phẩm phần lớn rơi vào khu vực địch kiểm soát. Vì vậy, KQVN đã phải đình chỉ các hoạt động thả dù tiếp tế cho An Lộc sau 27 phi vụ. Cứu tinh của binh sĩ phòng thủ và số lớn cư dân là nguồn thả dù tiếp tế của đơn vị 347 Tactical Airlift Wing (U.S. 347th TAW). Do hệ thống phòng không của CSBV rất mạnh với tầm tác xạ kiến hiệu cao nên các vận tải cơ C-130 H.K. phải bay trên 10,000 bộ khi thả dù tiế́p tế. May mắn là đơn vị này đã tìm được nguyên tắc cho dù mở chậm sau khi thả ra khỏi phi cơ và dù chỉ mở ra cách mặt đất từ 10m đến 20m. Nhờ cách thả dù tiếp liệu này nên các lực lượng của Tướng Hưng từ ngày 16 tháng 4 trở đi nhận hơn 95% thực phẩm và đạn dược trừ đạn đại pháo 155 ly và 105 ly, vì cả Tiểu đoàn pháo của Sư đoàn trong thị trấn hoàn toàn bị pháo địch phá hủy trong ngày tấn công đầu tiên của chúng; không còn một khẩu nào sử dụng được, nên không tiếp tế đạn pháo.
Tuy nhiên lối thả dù tiếp liệu này cũng rất nguy hiểm cho binh sĩ trú phòng. Sức nặng của mỗi bọc dù thực phẩm hay đạn dược cũng phải từ hai đến ba, bốn, tấn. Dù vừa thả ra khỏi máy bay, chỉ là một chấm nhỏ, chừng chưa đầy ba mươi giây đã xuống đến mặt đất. Mỗt lần thả dù như vậy ít́ nhất cũng phải có đôi ba cộng sự phòng thủ bị dù rớt xập hay mấy chiếc hầm cá nhân bị dù chôn luôn xuống đất lẫn người chiến sĩ trong hầm vì có những chiếc dù chưa kịp mở đã đâm thẳng xuống mặt đất. Và ở tất cả những bãi thả dù này luôn có sự hiện diện của Đại Tá Bùi Đức Điềm. Chính ông là người phân phối thực phẩm, đạn dược theo nhu cầu của các đơn vị. Cấp bậc Đại tá của ông dĩ nhiên đầy đủ uy quyền đối với các toán tiếp tế của các đơn vị đến bãi nhận phần súng đạn và thực phẩm khô cho đơn vị. Không hề có vấn đề giành giựt thực phẩm bắn nhau ở bãi thả dù, bất cứ khu nào trong thành phố.
Đứng chỉ huy thu nhặt và phân phối thực phẩm ở bãi thả dù nghĩa là phải vừa đội pháo CSBV vừa có thể bị đè bẹp, chết tức khắc, bởi những chiếc dù nặng rơi nhanh không thể tưởng. Người ta tâng bốc nhau về công trạng của vị chí huy này hay vị chỉ huy nọ. Cũng có người tự tâng bốc chính mình, nhưng tôi hiện diện ở chính chiến trường đó, chỉ thấy những người câm nín làm việc như vị đại tá này hay một hạ sĩ Truyền tin của Sư đoàn, tên Lê văn Sáu, dù ngày hay đêm, pháo vừa dứt đã thấy anh hết trèo lên trụ điện này đến trụ điện nọ nối lại những mạch điện thoại bị đứt vì pháo kích hay vì bất cứ lý do nào đó, suốt cả một trăm ngày của trận chiến. Tiếc rằng không có một thẩm quyền nào đó cầm chiếc “Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương” dúi vào tay Tổng Thống để gắn cho Đại tá BĐĐ hay một Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu gắn cho Hạ sĩ Sáu….
Sau trận tấn công đầu tiên của các đơn vị TWC/MN vào An Lộc, một phần của phía bắc thị xã bị chúng chiếm (Bản đồ # 4). Nhất là mất Sân bay Đồng Long, không thể tải thương, thay quân và tiếp tế, nên kế hoạch của Tướng Minh là thả Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, gồm các Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù và Đại đội Trinh Sát, do Đại tá Lê Quang Lưỡng (sau này thăng cấp Chuẩn tướng, Tư lệnh SĐ Nhảy Dù cuối cùng của QLVNCH) chỉ huy, ở hai bãi ruộng trống cặp QL-13 mà đầu mùa Hè chưa có mưa và ruộng khô trơ gốc rạ, nằm ở quãng giữa cầu Cần Lê và sân bay Đồng Long, để từ đó quân Dù sẽ tiến xuống hướng nam, tấn công vào đơn vị địch chiếm giữ sân bay và phía bắc thành phố. Trong khi đó thì ở phía nam thành phố Tướng Hưng sẽ đưa một cánh quân BĐQ của Trung tá Nguyễn văn Biết kết hợp với Trung đoàn 7 của Trung tá Lý Đức Quân tấn công lên phía bắc chiếm lại khu phố bị mất ngày hôm trước. Dĩ nhiên KQVN và KLHK sẽ thả bom dọn bãi đáp và yểm trợ cho Dù đổ quân và cho BĐQ và bộ binh khi tấn công.
Kế hoạch này khi đưa về SĐ5 thì được Đại tá Cố vấn William Miller yểm trợ hết mình, nhưng Tướng Hưng do dự vì muốn gặp Đại tá Lê Quang Lưỡng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù trước cuộc đổ quân vào giải tỏa An Lộc ngày hôm sau 14 tháng 4. Ngày đó, vào sáng tinh sương, một trực thăng bay sát ngọn cây đưa Đại tá Lê Quang Lưỡng vào Bộ Chi huy Tiểu khu của Đại tá Trần văn Nhật. Tôi được lệnh đến đó đón Đại tá LQL về Bộ Tư lệnh Sư đoàn.
Khi vào hầm chỉ huy của Tiểu khu, tôi hiểu vì sao sau này các cố vấn Hoa Kỳ “mê” và hết lời khen ngợi Đại tá TVN, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long. Hầm ngầm của Bộ Chỉ huy Tiểu khu, gọi là B-15, trước đó của Lực lượng Đặc Biệt QLVNCH, được Hoa Kỳ xây dựng, sâu, kiên cố và rộng rãi gấp ba lần chiếc hầm u tối, chật hẹp, của Bộ Tư lệnh HQ/ Sư đoàn. Trong hầm, đèn sáng choang, các sĩ quan Việt-Mỹ ngồi ở các bàn hành quân, đề huề, đâu ra đó; bản đồ thành phố, bản đồ hành quân đầy đủ. Cũng không thiếu thuốc lá, café, trà ngon và thực phẩm khác. Như đã nói ở trên, Đại tá TVN là một sĩ quan can trường lại vô cùng tế nhị. Hầu hết các cố vấn Hoa Kỳ đều về tập trung tại đây, trừ Đại tá William Miller và hai sĩ quan dưới quyền ông, trong toán Cố vấn của SĐ5BB. Số cố vấn Hoa Kỳ của Tiểu khu và các đơn vị khác về đó trong suốt trận chiến có lẽ trên mươi người, hoặc nhiều hơn, từ cấp trung tá trở lại, chắc chắn đã được Đại tá TVN bồi tiếp chu đáo. Đó là do bản tính nồng nhiệt và sự tế nhị của ông mà tôi đề cập trên. Ngược lại, chính sự tận tâm giúp đỡ của số cố vấn ít oi này mà các chiến sĩ phòng thủ đã giữ vững được An Lộc nhờ vào sự yểm trợ tối đa của không trợ và không yểm của Không Quân Chiến Lược và Chiến Thuật Hoa Kỳ. Các cố vấn Hoa Kỳ ở Bộ Chỉ huy Tiểu khu Bình Long sau này về nước đều khen ngợi Đại tá TVN về sự liên lạc mật thiết giữa ông và họ, kể cả sự can đảm và tài thao lược của ông. Chuyện đó dĩ nhiên thôi.
Sự thực thì Đại tá TVN có ít quân, chỉ còn dưới một Tiểu đoàn Đia Phương quân, kể cả Nghĩa quân và Dân vệ, chừng hơn 600 binh sĩ –được những kẻ tâng bốc tăng thành cấp Trung đoàn với 1,000 người. Đại tá TVN không có quyền quyết định về mọi việc ở chiến trường An Lộc, mà là Tướng Tư lệnh Mặt trận Lê văn Hưng. Một trong những sĩ quan cố vấn của Chiến đoàn 52 là Trung úy James H. Willbanks, vào An Lộc trễ, và bị thương bởi đạn pháo kích, khi về Hoa Kỳ leo dần lên cấp Trung tá và theo học chương trình hậu đại học đã dựa phần lớn vào tài liệu của Đại tá William Miller, viết luận án Cao học và Tiến sĩ về Trận Chiến An Lộc, bốc thơm Đại tá TVN nức nở, nhưng đã xúc phạm lớn lao đến uy tín Tướng Lê văn Hưng. Có lẽ chính Willbanks cũng không hiểu rõ sự bất đồng ý kiến lớn lao giữa Đại tá Cố vấn Hoa Kỳ William Miller và Tướng Tư lệnh SĐ5BB Lê văn Hưng từ trước và trong trận chiến An Lộc diễn ra.
Nguyên do chính là vì từ trước khi diễn ra trận An Lộc, Tướng Hưng coi Đại tá William Miller chỉ một sĩ quan xuất thân từ hàng binh sĩ, là “un sorti-du-rang” theo cách nói không mấy nể trọng của người Pháp và coi Đại tá Miller như một người không hiểu biết nhiều về địch thủ trong cuộc chiến Việt Nam. Hơn nữa, Tướng Hưng coi cấp bậc là cấp bậc, tướng là tướng, tá là tá. Việt, Mỹ, có khác gì nhau…. Ngược lại, Đại tá Miller coi tướng Hưng là một sĩ quan trẻ tuổi –a young general– hàm ý là thiếu kinh nghiệm và coi Hưng là một trong các tướng “Đồng bằng Cửu Long”(one of the Delta-Clan generals) cũng với ý biếm nhẽ, kém tôn trọng. Họ khi dể lẫn nhau và ngấm ngầm trở thành những kẻ thù. Nhưng thái độ của mỗi người một khác. Đại tá Miller nhiều lần cãi vã với Tướng Hưng ngay trong hầm ngầm hành quân ở An Lộc. Mọi chuyện Tướng Hưng đều bỏ qua. Ngược lại, Đại tá Miller mang mối thù này về tận Hoa Kỳ và mở những cuộc thuyết trình, hội thảo, về trận chiến An Lộc và nhân các cơ hội này miệt thị Tướng Lê văn Hưng…. Tôi sẽ nói rõ hơn ở phần dưới.