VNTB – Tưởng niệm nạn nhân của đảng cộng sản Tiệp Khắc 70 năm trước (27/ 6/ 1950 – 27 /6/ 2020)

VNTB – Tưởng niệm nạn nhân của đảng cộng sản Tiệp Khắc 70 năm trước (27/ 6/ 1950 – 27 /6/ 2020)

Giang Tử giới thiệu

 

(VNTB) – Tôi đã thua trong cuộc chiến này nhưng tôi ra đi trong danh dự. Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi yêu dân tộc tôi, và tôi chiến đấu vì sự an bình của nhân dân.

 

Lời dẫn

Nữ tiến sĩ Horáková là chiến sĩ chống phát xít Đức, bị bắt ra tòa với cáo trạng tử hình, tòa án phát xít chỉ kết án bà 8 năm tù giam

Sau chiến tranh thế giới II, bà lãnh đạo Đảng Xã hội Quốc gia Tiệp Khắc và công tác phụ nữ vì Dân chủ.

Bà bị an ninh cộng sản bắt giữ, ra tòa bị kết án tử hình, thụ án treo cổ ngày 27/6/1950.

Năm 1986, bản án kết tội bà bị hủy bỏ.

Năm 1990, bà được phục hồi danh dự hoàn toàn, truy nhận 2 Huân chương cao quí.

 

***

* Năm nay Đại sứ quán Séc (Tiệp Khắc cũ) tổ chức tưởng niệm 70 năm bà tử nạn vì đấu tranh cho Dân chủ.

“Ngày này, đúng 70 năm về trước, một trong những nhân vật và anh hùng xuất chúng nhất của thế kỷ 20, tiến sĩ Milada Horáková đã trở thành nạn nhân của việc mượn tay ngành tư pháp giết người do đảng cộng sản Tiệp Khắc thực hiện với cáo buộc âm mưu và phản quốc. Phán quyết của phiên tòa xét xử bà đã bị hủy bỏ vào năm 1968, và bà đã được phục hồi hoàn toàn vào những năm 1990, và sau đó bà đã được nhận Huân chương Tomáš Garrigue Masaryk và Huân chương Chữ thập trắng.

“Trong Chiến tranh thế giới thứ II, bà Horáková cùng chồng đã bị mật vụ Gestapo phát xít Đức bắt giữ và thẩm vấn vào năm 1940, với cáo buộc đã hoạt động chính trị trước chiến tranh. Bà bị gửi đến trại tập trung tại Terezín và sau đó là các nhà tù khác nhau tại Đức. Mùa hè năm 1944, Horáková xuất hiện trong một phiên tòa ở Dresden. Mặc dù công tố yêu cầu mức án tử hình, nhưng cuối cùng bà bị kết án 8 năm tù giam. Sau khi Tiệp Khắc giải phóng vào năm 1945, bà Horáková trở lại Praha và tham gia lãnh đạo Đảng Xã hội Quốc gia Tiệp Khắc được tái lập, trở thành thành viên của Quốc hội lâm thời.

Năm 1946, bà giành được một ghế trong Quốc hội được bầu. Các hoạt động chính trị của bà một lần nữa tập trung vào vai trò của phụ nữ trong xã hội và bảo vệ các thể chế dân chủ của Tiệp Khắc. Ngay sau cuộc đảo chính của Cộng sản vào tháng 2 năm 1948, bà đã từ chức để phản đối Quốc hội. Không giống như nhiều cộng sự chính trị của mình, bà Horáková đã lựa chọn ở lại Tiệp Khắc mà không đến với phương Tây, và tiếp tục hoạt động chính trị ở Praha.

Ngày 27 tháng 9 năm 1949, bà bị bắt và bị cáo buộc là người lãnh đạo một âm mưu nhằm lật đổ chế độ Cộng sản. Trước khi đối mặt với phiên tòa, bà Horáková và các đồng phạm của mình đã bị StB, Cơ quan an ninh nhà nước Tiệp Khắc, tra tấn cả về thể xác và tinh thần. Bà bị buộc tội lãnh đạo một âm mưu phản quốc và làm gián điệp theo lệnh của Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Nam Tư. Những bằng chứng về âm mưu bị cáo buộc này là sự hiện diện của bà trong một cuộc họp của các nhân vật chính trị trong Đảng Xã hội Quốc gia, Dân chủ Xã hội và Nhân dân, vào tháng 9 năm 1948, được tổ chức để thảo luận về cách thức đối mặt với tình hình chính trị mới ở Tiệp Khắc.

Phiên tòa xét xử bà Horáková và mười hai đồng phạm bắt đầu vào ngày 31 tháng 5 năm 1950. Phiên tòa này được tiến hành như một phiên xét xử mẫu cho những phiên tòa tương tự trong Cuộc thanh trừng vĩ đại của Liên Xô vào những năm 1930. Phiên tòa được giám sát bởi các cố vấn Liên Xô cùng với một chiến dịch truyền thông rộng rãi, do chính quyền Cộng sản thực hiện, và đưa ra mức án tử hình cho bị cáo.

Bà Milada Horáková đã bị kết án tử hình, cùng với ba đồng phạm (Jan Buchal, Oldřich Pecl và Záviš Kalandra) vào ngày 8 tháng 6 năm 1950. Nhiều nhân vật nổi tiếng, đã thỉnh cầu cho bà được giảm án, đặc biệt là:

Albert Einstein (nhà bác học vật lý người Đức, tác giả Thuyết tương đối)

Winston Churchill (thủ tướng Anh quốc)

và Eleanor Roosevelt (phu nhân tổng thống Mỹ, chủ tịch một số Ủy ban của Liên hiệp quốc),

nhưng bản án tử hình vẫn được phán quyết.

Bà đã bị xử tử bằng hình thức treo cổ tại Praha vào ngày 27 tháng 6 năm 1950 ở tuổi 48.

Những lời nói cuối cùng của bà đã được lưu truyền lại: “Tôi đã thua trong cuộc chiến này nhưng tôi ra đi trong danh dự. Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi yêu dân tộc tôi, và tôi chiến đấu vì sự an bình của nhân dân. Tôi ra đi mà không mang theo bất kì sự hận thù nào. Tôi chúc các bạn, tôi chúc các bạn …”.

 

Chúng ta sẽ không bao giờ quên !

 

__________________

Nguồn: Czech Embassy Hanoi 

https://www.facebook.com/CzechEmbassyHanoi/posts/742029393005235

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)