Quang Thành
(VNTB) – 4.000 người cùng với hàng nhiều trang thiết bị đặc chủng xuất hiện trên đường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (Quận 1, Tp. HCM) trong sáng 15/12 nhằm mục đích “diễn tập chống khủng bố, xử lý các tình huống gây rối”.
Báo Tuổi Trẻ Online đưa tin với tiêu đề: TP.HCM diễn tập xử lý các tình huống tụ tập biểu tình, bắt cóc, khủng bố.
Bình luận về điều này, Facebooker Phạm Lê Vương Các cho rằng, ‘biểu tình là quyền con người được Hiến pháp bảo hộ. Khủng bố là vi phạm quyền con người. Hai vấn đề này hoàn toàn đối nghịch sao cột chung vào một rọ để diễn tập “xử lý”?
Thực tế, cuộc diễn tập 4.000 và ‘rọ chung’ hai hành vi khác nhau vào làm một để ‘diễn tập xử lý’ là hiện thực lời hứa của Bí thư Thành ủy Tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Theo báo chí vào ngày 26/4/2019 đưa tin, trong buổi gặp mặt cán bộ cấp tướng nghỉ hưu tại TP.HCM nhân kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019). Ông Nhân cho biết Thành ủy, UBND TP.HCM yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về TP.HCM biểu tình.
“Sau tháng 6/2018, chúng tôi hứa với Bộ Chính trị, hứa với Chính phủ là TP.HCM sẽ không có biểu tình. Chúng ta cần phải làm vì TP.HCM có biểu tình thì ảnh hưởng đến cả nước. Chúng ta đã cam kết và đã làm được điều đó”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Nỗi lo này có vẻ gia tăng khi các cuộc biểu tình xuất phát từ các vấn đề dân sinh, dân chủ đã diễn ra tại Hồng Công và kéo dài hơn nửa năm.
Xét về phương diện kinh tế, Tp. HCM đang gặp áp lực về thu ngân sách, với mức độ buộc phải thu 2.000 tỷ đồng/ ngày để đạt được dự toán năm. Và trong số liệu mới nhất được đưa ra bởi ông Nhân vào ngày 7/12, thì mỗi ngày làm việc, Tp. HCM thu ngân sách 1.620 tỷ đồng.
Nỗi lo xuất hiện biểu tình sẽ gây nghẽn hoặc chậm trễ trong thu chi ngân sách mà T.Ư giao phó có thể là nguyên nhân khiến tập thể lãnh đạo thành ủy Tp. HCM nóng lòng ‘xử lý’ bằng được các tình huống xảy ra.
Điều này cho thấy, ‘bầu sữa’ ngân sách Tp. HCM là cực kỳ quan trọng trong nuôi nguồn ngân sách cả nước.
Tuy nhiên, nỗi lo song hành là quy mô và cách thức diễn ra các cuộc biểu tình ngày quy cũ hơn, và điều này khiến Tp. HCM trở nên lo lắng hơn trước vấn đề ‘an ninh quốc gia’, trên quan điểm cho các cuộc biểu tình là ‘Phản nước, hại dân và phục vụ mưu đồ chính trị cá nhân’ [1].
Dù ở phương diện nỗi lo kinh tế hay chính trị, thì cách ‘rọ chung’ trong đợt diễn tập này đã làm méo mó Điều 25 Hiến pháp 2013, trong đó nêu rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
Và cách huy động 4.000 người diễn tập chống ‘biểu tình trái phép’ cũng cho thấy còn rất lâu nữa Luật biểu tình mới được đem ra bàn thảo trở lại trên nghị trường.
Trong khi Hiến pháp nêu rõ quyền con người, bằng cuộc diễn tập ở hai đầu đất nước, và ‘treo giò’ Luật biểu tình, Việt Nam sẽ thể hiện ‘trách nhiệm chính trị’ một nước như thế nào trong bối cảnh nhân quyền trong nước ‘trên đe dưới búa’, và trong bối cảnh sẽ nắm giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngay tháng 1/2020, sau khi trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an?
Và liệu chăng, một nhà nước sẽ chết mòn trong sự ti tiện vì nỗi sợ nhân quyền trong ý thức dân chúng đang lớn dần lên?
Chú thích
[1] https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/37581902-su-that-phia-sau-nhung-cuoc-bieu-tinh-trai-phep-ky-1.html