Việt Nam Thời Báo

VNTB- Vì sao Ngân hàng nhà nước phải cấm cho vay đảo nợ?

Minh Quân
(VNTB) – Vào “triều đại Nguyễn Xuân Phúc”, thực tế chắc chắn là chính phủ mới không muốn phải “đổ vỏ” cho chính phủ cũ.



Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/3 tới đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quy chế cho vay 1627. Theo đó, khách hàng không còn được phép vay vốn để đảo nợ, còn các ngân hàng không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính ngân hàng đó hoặc tại ngân hàng khác.
Việc chấm dứt cho vay đảo nợ của Ngân hàng nhà nước được giới chuyên gia cho rằng khi đó chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu, sức khỏe ngân hàng và sức khỏe doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận thực chất hơn.
Vào “triều đại Nguyễn Xuân Phúc”, thực tế chắc chắn là chính phủ mới không muốn phải “đổ vỏ” cho chính phủ cũ.
Trong kỷ nguyên của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kéo dài suốt gần chục năm, vô số khoản vay nợ ồ ạt đã biến thành một núi nợ xấu. Cho đến cuối năm 2015, trong khi hai nhân vật đại diện cho nhóm lợi ích khổng lồ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình cố ép nợ xấu về dưới 3% thì chính báo cáo của Ủy ban Giám sát và Tài chính Quốc gia – một cơ quan phân tích tài chính thuộc chính phủ mà trước đây mang tâm thế khá khép nép – lại cho thấy tỉ lệ nợ xấu thực lên đến 17% tổng dư nợ.
Thực ra, tỷ lệ nợ xấu lên đến 17% đã tồn tại ngay từ những năm 2011 – 2012. Vào thời gian đó, hàng loạt tổ chức phân tích tài chính có uy tín quốc tế như Credit Suisse, S&P đã nhận định nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là rất cao, lên tới 13 – 15% tổng dư nợ.
Đầu năm 2012, Ngân hàng nhà nước cùng Thống đốc Bình đã thực hiện một động tác “giải cứu ngân hàng”: một quyết định của Ngân hàng nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay đảo nợ và do đó đã khiến 250 ngàn tỷ đồng nợ đang xấu và rất xấu biến thành nợ an toàn.
Tuy nhiên những năm sau đó, toàn bộ tiến trình được xem là “xử lý nợ xấu” của Ngân hàng nhà nước cùng các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn chỉ… trên giấy. Không có một khoản nợ xấu đáng kể nào được xử lý. Do có đến 70% nợ xấu tồn tại trong thị trường bất động sản, mà thị trường này lại gần như đóng băng, nên các ngân hàng hầu như không thể thu hồi vốn từ các doanh nghiệp xây dựng nhà.
Ngay cả Công ty quản lý các tài sản tín dụng (VAMC) được Ngân hàng nhà nước cho ra đời vào năm 2013 để “xử lý nợ xấu”, cho tới nay đã thất bại hoàn toàn: doanh nghiệp này chỉ giải quyết được khoảng 8% trong tổng số nợ xấu (theo báo cáo). Nhưng số kinh phí 2 ngàn tỷ đồng mà ngân sách nhà nước cấp cho VAMC như “của hồi môn ban đầu” đã hoàn toàn không được VAMC chi ra để mua nợ xấu.
Thậm chí gần đây VAMC còn muốn “chạy làng” bằng việc đánh tiếng “sẽ trả lại nợ xấu cho các ngân hàng tự xử lý”.
Nợ xấu và tiếng xấu đang đày đọa chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc và thống đốc mới của Ngân hàng nhà nước là ông Lê Minh Hưng. Nếu không dứt dạc xử lý được số nợ xấu đang lên tới ít nhất 25 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng, nguy biến sụp đổ một số ngân hàng để có thể dẫn tới domino sụp đổ hàng loạt ngân hàng là rất gần.
Thé nhưng để xử lý nợ xấu lại quá khó. Thậm chí cho tới nay, một số chuyên gia nhà nước đã nói toạc rằng một số ngân hàng thương mại vẫn cố giấu nợ xấu, và tinh trạng cho vay để đảo nợ vẫn xảy ra hường xuyên. Trong tình trạng đó, Ngân hàng nhà nước không thể nắm được ngay cả một con số sát thực về nợ xấu.
Đó là lý do mà ngay trước mắt, cơ quan của ông Lê Minh Hưng, được “bật đèn xanh” bởi Thủ tướng Phúc, phải cấp tốc ban hành thông tư cấm cho vay đảo nợ. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Thu ngân sách sụt mạnh do ‘kinh tế thị trường XHCN’!

Phan Thanh Hung

VNTB- Bội chi như thế thì chỉ có chết !

Phan Thanh Hung

VNTB- Sau 4 năm: Lại ‘khởi động lại quy chế thị trường cho Việt Nam’!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo