Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao ngân hàng SCB tiếp tục nóng?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên hội đồng quản trị độc lập SCB Nguyễn Tiến Thành qua đời đột ngột vào tối 6/10, hưởng dương 50 tuổi. Hai ngày sau đó, một thành viên HĐQT khác của SCB, cũng đột ngột từ trần.

Từ tháng 4 năm 2017, ông Thành đảm nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Ông Thành gắn bó với Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) từ năm 2007 với vị trí Giám đốc dịch vụ chứng khoán, sau đó làm phó tổng giám đốc. Trước khi làm việc tại TVSI, ông Thành làm trưởng phòng bên Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group).

Tối 10/10 một số tòa soạn ở Sài Gòn nhận tin phát tang bà Nguyễn Phương Hồng, “trợ lý” Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người được cho là bị can, bị công an khởi tố, bắt giam trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bà Hồng được cho là qua đời lúc 3 giờ 30 phút ngày 9-10-2022, hưởng dương 39 tuổi, nhập quan lúc 8 giờ ngày 10/10, động quan lúc 5 giờ 30 ngày 11/10, hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, Thủ Đức.

Bất ngờ nữa, theo một bản tin hiện đã được SCB ‘gỡ’ ngay sau khi tin bắt bà Trương Mỹ Lan được Bộ Công an loan báo, đó là: “bà Nguyễn Phương Hồng có hơn 11 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng. Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ Kinh doanh, Phó Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc Chi nhánh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Khối Tái thẩm định Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Hiện nay, Bà đang đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn”.

Sau khi thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Tiến Thành đột ngột qua đời hôm 6/10, HĐQT ngân hàng SCB chỉ còn lại 3 thành viên gồm: Chủ tịch HĐQT Bùi Anh Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Sun Ka Ziang Henry (SN 1957), và thành viên HĐQT Nguyễn Phương Hồng.

Từ ngày 10/10, HĐQT ngân hàng SCB chỉ còn 2 vị trí là ông Dũng và ông Henry; trong đó ông Sun Ka Ziang Henry còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Noble Capital Group Ltd – một đối tác được nghi vấn thuộc “hệ sinh thái” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trở ngược thời gian.

Ngân hàng SCB sở hữu khối tài sản hơn 761 ngàn tỷ đồng (tính đến cuối tháng 6/2022) nhờ thực hiện tái cơ cấu thông qua việc hợp nhất 3 ngân hàng gồm Đệ Nhất (Ficombank), ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng SCB vào cuối năm 2011. Đây cũng là ngân hàng tư nhân có khối tài sản lớn nhất, hệ thống chỉ sau 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank).

Sau khi hợp nhất, SCB có sự thay đổi lớn về HĐQT và Ban điều hành. Những vị trí chủ chốt đều được đại diện nhóm cổ đông lớn của VTP Group và Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú nắm giữ.

Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, năm 2010, HĐQT SCB có thành viên liên quan VTP là ông Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT). Ông Tồn từng là Phó giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Đại Trường Sơn.

Trong thời gian này, SCB và VTP Group còn phát sinh khoản tạm ứng mua sắm và xây tài sản cố định là tòa nhà 193 – 203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM với khoản tiền 150 tỷ đồng. Ngân hàng này đã trả thêm khoản thuê văn phòng tòa nhà cho VTP, đồng thời VTP cũng trả một khoản lãi cho SCB dựa trên số tiền 150 tỷ mà SCB thanh toán cho VTP từ năm 2008 – 2010.

Năm 2012, khi SCB bắt đầu nhiệm kỳ mới sau khi hợp nhất, vị trí then chốt đứng đầu ngân hàng là Chủ tịch do bà Nguyễn Thị Thu Sương đảm nhận, và Phó Chủ tịch HĐQT do ông Trầm Thích Tồn đảm nhận. Bà Thu Sương cũng là người từng nắm giữ vị trí quan trọng tại VTP và Công ty cổ phần Đại Trường Sơn.

Vào năm 2014, ông Tồn và bà Sương bất ngờ rời khỏi vị trí HĐQT SCB, lúc này dấy lên nhiều lời đồn đoán về việc VTP rút chân khỏi SCB. Cũng trong năm này, SCB tiến hành chủ trương tăng vốn, mời gọi nhà đầu tư nhưng lúc này chỉ có bà Trương Mỹ Lan góp thêm 100 tỷ nên kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu không thực hiện được.

Sau đó SCB nhận thêm 1.900 tỷ đồng từ việc chào bán 142.5 triệu cổ phiếu cho Noble Capital Group Limited (9,9% vốn) và 47.5 triệu cổ phiếu cho Glory Capital Investment Limited Place of Incorporation (3,3% vốn). Cả hai đối tác nước ngoài này đều được ngân hàng giới thiệu đến từ nước Anh.

Một nguồn tin cho biết, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú hiện sở hữu 12.828% vốn điều lệ ở SCB. Giám đốc công ty này hiện là ông Tạ Chiêu Trung, có trụ sở tại tầng 8, số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM – nơi đặt một trong những tòa nhà của VTP.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 2)

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Lãnh đạo Việt Nam có máu cờ bạc

Do Van Tien

VNTB – Tòa án độc lập?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo