Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam là ‘quyền treo’?

Thới Bình

 

(VNTB) – Quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam mặc dù đã được Hiến định, nhưng thực tế thì vẫn là “treo quyền” …

 

Những điều luật mang tính trang sức cho thể chế?

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Theo đó, không được ai tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nhưng phải được luật quy định. Quy định này nhằm bảo đảm rằng việc hạn chế quyền chỉ được đặt ra khi có lý do khách quan, hợp pháp và hợp lý, trên cơ sở có sự nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận của chủ thể có thẩm quyền. Như vậy, quy định về nguyên tắc hạn chế quyền đã góp phần bổ sung cho hệ thống cơ chế bảo vệ quyền con người tại Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế thì những nội dung Hiến định đẹp đã đó đến nay vẫn dừng lại là các quy định mang ý nghĩa trang sức làm đẹp thể chế chính trị lúc cần thiết đối ngoại. Bởi cho đến nay nội dung nguyên tắc hạn chế quyền tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 vẫn chưa được giải thích, minh định rõ về trường hợp cần thiết hạn chế quyền.

Nhìn nhận vấn đề trên, tiến sĩ Trương Hồ Quang, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) trong một tham luận của mình đã cho rằng hiện nay, một số quyền hiến định chưa được luật hóa hoặc đang được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực pháp lý thấp.

Cụ thể, như quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, quyền được sống trong môi trường trong lành… chưa được cụ thể hóa đầy đủ bằng văn bản luật.

Một số quyền được điều chỉnh bởi nghị định, thông tư. Ví dụ, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (có nội hàm của quyền lập hội), … Khoảng trống trong quy định của pháp luật về quyền gây ảnh hưởng đến việc tiếp cập, thực hiện các quyền của công dân.

Ngay cả khi hiểu là “son phấn cho thể chế”, thì Hiến pháp năm 2013 cũng chưa thật sự chặt chẽ khi chỉ quy định “trong trường hợp cần thiết” chứ không phải là “cần thiết trong một xã hội dân chủ”. Bởi cần thiết trong một xã hội dân chủ là đòi hỏi cao hơn, rõ ràng hơn, chỉ hạn chế quyền khi đó là “một đòi hỏi xã hội cấp thiết”, và đảm bảo sự cân xứng giữa hạn chế và mục đích của nó.

Ông Trương Hồ Quang cho rằng Hiến pháp năm 2013 cũng chưa đề cập việc hạn chế quyền không được làm mất đi bản chất của quyền con người, quyền công dân như quy định của pháp luật quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Như vậy quy định này cùng với sự thiếu vắng yêu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ, có thể dẫn đến hệ quả trong một số trường hợp sẽ hạn chế quá mức quyền con người, quyền công dân.

Vai trò lập pháp của Quốc hội bị lãng quên?

Ông Trương Hồ Quang cho rằng quan niệm về hạn chế quyền của Hiến pháp năm 2013 rộng hơn so với quan niệm của thế giới.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì bất cứ quyền nào cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể. Trong khi đó thì theo pháp luật nhân quyền quốc tế – ví dụ Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 – ICCPR và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 – ICESCR là hai Công ước mà Việt Nam đã tham gia, có những quyền con người không thể bị hạn chế thực hiện vì bất cứ lý do gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong những trường cần thiết như quy định của Hiến pháp năm 2013.

Chính vì vậy, việc thi hành khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cần xem xét tới quy định tại khoản 1 Điều 5 ICCPR năm 1966. Theo đó, việc quy định các lý do để hạn chế quyền là đúng đắn. Tuy vậy, theo pháp luật nhân quyền quốc tế thì một số quyền cần phải được hạn chế trong mọi thời điểm mà không cần xuất hiện các trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…

Chẳng hạn, quyền tự do hội họp luôn kèm theo điều kiện “hòa bình” (xem Điều 21 ICCPR năm 1966), quyền tự do lập hội có thể bị hạn chế đối với những người làm việc trong lực lượng vũ trang và cảnh sát (xem khoản 2 Điều 22 ICCPR năm 1966). Bên cạnh đó, có thể thấy lý do/mục đích về “quốc phòng” không xuất hiện trong cả Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền – UDHR năm 1948 hay ICCPR năm 1966, ICESCR năm 1966.

Trước mắt, để bảo đảm cho quyền hiến định của con người, của công dân thực sự là quyền, ông Trương Hồ Quang để xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, soạn thảo, thông qua các luật cụ thể hóa các quyền đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền cũng như không bảo đảm tính hợp hiến, tôn trọng quyền trên thực tế.

Thứ hai, cần chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Nếu việc xây dựng và cả thi hành pháp luật về quyền chỉ đơn thuần dựa trên nhu cầu quản lý thì mục đích của pháp luật chưa đạt được. Theo phương pháp tiếp cận dựa trên quyền (Human Rights-Based Approach), việc xây dựng, thi hành pháp luật cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau: Coi việc hỗ trợ thực hiện, hưởng thụ các quyền con người là một mục tiêu cơ bản trong việc xây dựng, thi hành pháp luật;

Lấy các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người làm định hướng trong việc xây dựng, thi hành pháp luật; Làm rõ những chủ thể của quyền, chủ thể có nghĩa vụ và các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có quyền, có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, thi hành pháp luật.

Nếu như đội ngũ cán bộ xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật… tiếp cận toàn diện với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền sẽ bảo đảm tốt hơn yêu cầu về bảo vệ quyền.

Thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết giải thích một số quy định về quyền trong Hiến pháp năm 2013 như khoản 2 Điều 14, khoản 4 Điều 15 để tạo cơ sở cho việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, bảo đảm thực thi quyền hiến định trong thực tế.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Thưa” ra tòa, thay vì hù dọa hình sự, thưa ngài chánh Thanh tra Cần Thơ

Trương Thế Tử

VNTB – Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy có được “đặc xá trong trường hợp đặc biệt” vào dịp 2-9?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cuối năm nhớ lại chuyện cũ…

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 19.02.2023 6:38 at 06:38

Không thể đem những gì của tư bửn áp đặt lên Việt Nam . Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào chưa trắng mắt lên à ?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.