VNTB – Vì sao thủ tục lý lịch cá nhân lại có mục “tôn giáo”?

VNTB – Vì sao thủ tục lý lịch cá nhân lại có mục “tôn giáo”?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Vì sao lại đòi hỏi thủ tục kê khai tôn giáo là để nhằm mục đích gì trong quản lý?

 

Vị cán bộ vẫn khẳng định: “Nhìn anh đầu không cạo tóc, không mặc áo tu sĩ thì biết không phải người xuất gia rồi! Giấy chứng nhận quy y như anh nói không có giá trị công nhận tôn giáo là Phật giáo. Phải có giấy chứng nhận xuất gia do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp thì mới có giá trị!”, rồi nhất quyết yêu cầu tôi phải viết lại bản khai.

“Tôi” ở đây là nhà báo Chu Minh Khôi – phóng viên chuyên trách mảng nông nghiệp, nông thôn của Thời báo Kinh tế Việt Nam. Nhà báo Chu Minh Khôi không theo học báo chí, mà tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), và làm việc gần 10 năm trong ngành nông nghiệp rồi mới chuyển sang nghề báo.

Không ‘xuất gia’ thì ‘không tôn giáo’?

Nhà báo Chu Minh Khôi kể khi được khai báo về nhân thân với Công an huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội trong cuộc tổng kê khai vào năm 2020, ông cũng được yêu cầu phải đổi chữ “Phật giáo” thành chữ “Không” trong mục kê khai “Tôn giáo”. Cũng với lý do mà cán bộ công an đưa ra rằng, người có tôn giáo Phật giáo thì phải ở chùa, dân ở chung cư thì không nên ghi tôn giáo là Phật giáo.

Ông Khôi vẫn tiếp tục khẳng định mình có tôn giáo, bởi trong nhiều năm qua, trên các bản lý lịch đều tự mình ghi chữ “Phật giáo” trong mục này.

Nhưng với những Phật tử khác thì sao? Chắc hẳn sẽ không ít người đã và sẽ nghe theo lời của cán bộ kê khai, để tự xóa chữ “Phật giáo”.

“Có đúng là Nhà nước, Chính phủ quy định rằng chỉ những người có giấy chứng nhận xuất gia mới được ghi chữ “Phật giáo” ở trong mục “Tôn giáo” – như lời khẳng định mà tôi nhận được từ các cán bộ ở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an thành phố Hà Nội hay không?

Nếu điều này đúng, thì cả nước hiện nay có khoảng 44.500 Tăng Ni, vậy con số tín đồ “Phật giáo” với 4,6 triệu người theo Tổng cục Thống kê công bố thì gồm những đối tượng nào?” – nhà báo Chu Minh Khôi thắc mắc.

Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra với lãnh đạo Công an TP.HCM vào trung tuần tháng 3-2021, và nhận được được câu trả lời ở thể khẳng định từ Thiếu tướng Trần Đức Tài, phó giám đốc Công an TP.HCM, “việc khai tôn giáo nào trong mục 7 tờ khai căn cước công dân là quyền tự do của mỗi công dân”.

Thắc mắc trên còn xuất phát nhiều Phật tử nói rằng khi đi làm căn cước công dân gắn chip thì không được cơ quan đăng ký chấp nhận đăng ký mục tôn giáo là Phật giáo tại mục 7 tờ khai công cước công dân.

Hướng giải quyết mang tính tình thế là Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là phát hành văn bản đề nghị Ban hướng dẫn Phật tử trung ương, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phổ biến đến trụ trì các chùa, cơ sở tự viện để hướng dẫn Phật tử khi đi làm căn cước công dân thì mang theo giấy chứng nhận Phật tử, giấy chứng nhận quy y tam bảo… Đồng thời thực hiện việc cấp nhanh chóng, dễ dàng các loại giấy chứng nhận trên cho Phật tử.

Hiện tại chưa thấy truyền thông ghi nhận các tình huống tương tự vể chuyện ‘giấy chứng nhận’ đối với công dân có các tôn giáo khác đi làm thủ tục thẻ căn cước công dân gắn chip.

Yêu cầu người dân khai về ‘tôn giáo’, về ‘chính trị’ nhằm để làm gì?

Bình diện quản lý hành chánh nhà nước, có lẽ cần xem lại yêu cầu lý lịch cá nhân vì sao lại đòi hỏi thủ tục kê khai tôn giáo là để nhằm mục đích gì trong quản lý?

Về pháp lý, theo định nghĩa của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, thì “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức” – “Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận”.

Về nguyên tắc thực thi pháp luật, khi yêu cầu khai hành chính về “Tôn giáo”, thì công dân được quyền ghi bất kỳ tôn giáo nào mà họ lựa chọn. Và việc liệu công dân này có qua các bước thủ tục của việc được công nhận “Tín đồ” hay chưa, đó là điều mà bộ thủ tục hành chính hiện tại không yêu cầu.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ở Điều 6 “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”, ghi:

“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo” (…).

Như vậy, trong bộ thủ tục quản lý hành chánh công dân lâu nay vẫn yêu cầu “Tôn giáo”, cho thấy dễ đưa đến ngờ vực của “Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”, ghi tại Điều 5.1 “Các hành vi bị nghiêm cấm” của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Hiện tại, trong bộ thủ tục quản lý hành chánh công dân còn có mục mang tính bắt buộc mang tên “Trình độ chính trị”, với hướng dẫn khai đại thể như sau: nếu là “đảng viên” ghi “đảng viên”; nếu “đảng viên” đó qua các khóa đào tạo “Lý luận chính trị”, tùy mức độ sẽ ghi rõ: đảng viên, trung cấp/ cao cấp chính trị.

Lứa tuổi thanh niên, nếu chưa là đảng viên, sẽ ghi “đoàn viên”. Với người “không Đảng – Đoàn” sẽ ghi là “Quần chúng”.

Việc quy định ‘kê – khai’ như trên dễ đưa đến tâm lý của một dạng ‘kỳ thị’ phân chia thứ bậc trong cộng đồng về quyền tự do chính trị được bảo Hiến tại Điều 14.1 “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)