VNTB – Vì sao tôi phản đối việc ‘xã hội hóa’ chích ngừa, mặc dù thấy… có lý?

VNTB – Vì sao tôi phản đối việc ‘xã hội hóa’ chích ngừa, mặc dù thấy… có lý?

Nguyễn Huyền

(VNTB) – Việc chích ngừa dịch vụ sẽ đóng vai trò bổ sung và giúp chiến dịch chích ngừa của Nhà nước nhanh chóng về đích hơn.

Đã đến lúc Nhà nước không nên ôm hết việc chích  tất cả các mũi vắc-xin cho người dân, nhất là khi Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn rút ngắn mũi chích tăng cường từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.

Hổm rày báo chí Nhà nước xới lại ý kiến từ hồi mới bùng dịch Covid ở Việt Nam, đó là Đảng và Nhà nước cần chấp nhận để người dân quyền bỏ tiền túi ra để chích ngừa Covid. Dĩ nhiên là bên cạnh đó vẫn có ‘chế độ’ chích miễn phí đại trà, kiểu như bệnh viện quốc doanh với y tế tư nhân.

Có nên xã hội hóa chích vắc-xin sau khi người dân đã chích đủ các mũi cơ bản? Bởi nếu áp dụng, Nhà nước chắc chắn sẽ giảm được gánh nặng, còn doanh nghiệp lại có cơ hội tham gia, và người dân chủ động lựa chọn dịch vụ mà mình mong muốn, thay vì phải ‘gồng mình chịu trận’ như hồi buộc phải chích Vero Cell của Trung Quốc.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, một tên tuổi quen thuộc trên mạng xã hội, biện giải nghe khá hợp lý:

Nhà nước nên có cơ chế để người dân tự lựa chọn, quyết định. Việc của cơ quan chuyên môn là đưa ra các quy định, quy trình hướng dẫn, các cơ chế giám sát chặt về mặt chất lượng cũng như giá cả các loại vắc-xin. Có cung ắt có cầu, các hệ thống chích ngừa dịch vụ ở Việt Nam hiện nay nhìn chung đều có đủ năng lực chuyên môn và trang bị cơ sở vật chất khá tốt, do đó sẽ hoàn toàn đảm đương được nhiệm vụ này nếu áp dụng.

Nhà nước đang nỗ lực phân bổ vắc-xin cho lực lượng tuyến đầu, các nhóm nguy cơ với mục tiêu dần bao phủ cho cộng đồng. Và như vậy việc xã hội hóa là cần thiết, các doanh nghiệp phụ thêm một tay để thúc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin càng sớm càng tốt.

Hiện nhiều nước đã áp dụng hình thức này, nhà nước không còn bao cấp trong việc mua và chích ngừa vắc-xin. Việc nước ta chưa áp dụng có thể do tâm lý lo sợ mất công bằng trong sử dụng vắc-xin. Nhưng việc phải xếp hàng chờ phát phiếu, kiểm tra từng đối tượng chích trong bối cảnh này không còn phù hợp. Ai có nhu cầu có thể chích dịch vụ. Từ đó dành quyền ưu tiên chích miễn phí để phục vụ người dân hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch”.

Ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh, có thể diễn giải chung thế này: không gì phải ngần ngại về chuyện kết thúc độc quyền phân phối vắc-xin của lo ngại việc xã hội hóa chích vắc-xin dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến chương trình chích ngừa miễn phí của Nhà nước. Bởi điều này hoàn toàn sai lầm của định hướng duy ý chí, chích ngừa dịch vụ và chích ngừa miễn phí sẽ vận hành song song, còn lại tùy thuộc vào khả năng và các đòi hỏi về nhu cầu cần được đáp ứng của từng cá nhân, doanh nghiệp mà chọn hình thức chích ngừa phù hợp.

Hơn nữa, việc chích ngừa dịch vụ sẽ đóng vai trò bổ sung và giúp chiến dịch chích ngừa của Nhà nước nhanh chóng về đích hơn.

Khi đại dịch rơi vào thời điểm căng thẳng như thời chiến, đành phải chấp nhận việc chích ngừa theo sự triển khai của Nhà nước. Tuy nhiên hiện nay nếu không thúc đẩy việc xã hội hóa chích vắc-xin dịch vụ có thể gây thiệt thòi cho người dân, cho xã hội và ngân sách nhà nước.

Việc này xét về khía cạnh nào đó mang giá trị nhân văn, không bắt tất cả cùng khổ, ai có điều kiện và mong muốn được phục vụ tốt hơn cần phải được đáp ứng, song song với việc giám sát về giá và chất lượng từ phía cơ quan chuyên môn…

… Với tất cả biện giải rất lọt tai ở trên, nói theo ngôn ngữ quen thuộc của mấy lúc họp chi bộ, “tôi nhất trí”. Song tôi lại thấy nếu mình mà ‘gật đầu’, hóa ra mình ‘tự diễn biến’ mất rồi, bởi nếu cho quyền tự lựa chọn vắc-xin để chích ngừa ‘xã hội hóa’, vậy với chín lô vắc-xin mà Đảng và Nhà nước “tự gia hạn”, hóa ra những người nghèo khó phải cam chịu hết à? Nếu vậy thì còn gì là sẻ chia đồng bào nữa…

Hơn hết, đã là người cộng sản thì không thể chấp nhận dồn cái khó về cho dân nghèo, còn mình thì hưởng thụ cái tốt nhất, vì đã là đảng viên – tôi đoan chắc, chẳng có ai lâm cảnh khốn nạn như dân nghèo đâu!


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)