Triệu Tử Long
(VNTB) – “Khi tổ đại biểu quốc hội TP.HCM Đơn vị 1 tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri nêu ý kiến về công tác cán bộ, cũng như nhận xét việc giám sát của đại biểu quốc hội tại địa phương có lúc chưa sâu, chưa sát…”.
Đoạn mở đầu của bài viết trên báo Thanh Niên điện tử, phát hành cuối giờ chiều ngày 6-5, viết như vậy. (*)
Trên thực tế, hầu hết các vị đại biểu quốc hội đều là quan chức trong bộ máy chính quyền, lẫn đảng chính trị. Họ không còn thời gian nào để dành cho công việc giám sát, thậm chí với việc cùng lúc kiêm quá nhiều ‘vai’ mà ‘vai’ nào cũng quan trọng như vị đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng, hiện đồng thời nắm giữ đến 6 chức vụ: Tổng bí thư – Chủ tịch nước – Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam – Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương – Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng Đảng Cộng sản Việt Nam – Bí thư Quân ủy trung ương, thì cầm chắc ông Nguyễn Phú Trọng với độ tuổi 76 (tuổi mụ đã 77) sẽ chẳng còn sức lực đâu nữa mà làm công việc giám sát của một đại biểu quốc hội.
Chắc sẽ có người nói, Việt Nam đã có phân biệt đại biểu quốc hội chuyên trách, và đại biểu quốc hội không chuyên trách, do vậy sao cứ chăm chăm vào những đại biểu quốc hội ‘ngồi nhiều ghế’ để mà bình phẩm?
Đại biểu quốc hội chuyên trách được hiểu là đại biểu quốc hội chỉ làm nhiệm vụ đại biểu của nhân dân, và công việc mà quốc hội giao. Cụ thể, tỷ lệ đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách hiện là 35% tổng số đại biểu quốc hội, tức tương đương khoảng 175 đại biểu như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Các đại biểu chuyên trách là cái đang có, nhưng có lẽ các đại biểu chuyên nghiệp mới là cái đang cần; và tính chuyên nghiệp ở đây còn là đòi hỏi tiên quyết của việc không phải chịu mọi áp lực, mọi chi phối từ đảng chính trị.
Chuyên trách là chuyên đảm trách một công việc. Chuyên nghiệp là chuyên theo đuổi một nghề như nghiệp của đời người, và tinh thông nghề đó. Như vậy, chuyên trách chưa phải là chuyên nghiệp, mặc dù chuyên nghiệp lại chính là chuyên trách có nghề.
Tuy nhiên, làm chính khách ở một quốc gia độc đảng như Việt Nam thì chưa phải là một nghề. Và nếu có đam mê tới đâu đi nữa thì người ta cũng khó theo đuổi nghề này, vì phải đối mặt với một rủi ro rất khó vượt qua: Đó là cơ cấu của các đại biểu quốc hội thường xuyên thay đổi, và “mười năm phấn đấu” của có thể không rơi vào bất kỳ một giờ cơ cấu nào cả (!?).
Để cử tri không còn phải than phiền dù rất nhỏ nhẹ rằng, “việc giám sát của đại biểu quốc hội có lúc chưa sâu, chưa sát…”, thì cái đang cần là có được những nghị sĩ chuyên nghiệp, thông thạo hoạt động nghị trường, biết cách tác động có hiệu quả lên chính sách và pháp luật. Họ sẽ là những hạt giống hết sức quan trọng của nền lập pháp Việt Nam hiện đại, và biết đâu nhờ có họ nên những tiếng nói phản biện ôn hòa lâu nay như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Duy Nhất… được tôn trọng, và sẽ không phải bị đối mặt với những đe dọa tù tội mà lâu nay vẫn hay được nhắc tới với tên gọi “tù nhân lương tâm”.
______________
Chú thích: