VNTB – Những câu chuyện cũ rích nhưng vẫn lại hừng hực thời sự

VNTB – Những câu chuyện cũ rích nhưng vẫn lại hừng hực thời sự

Nguyễn Nam

(VNTB) – Nhân bài viết của một tác giả trên trang Việt Nam Thời Báo, nhắc câu ‘cửa miệng’ về vụ nhân danh quen thuộc của quan tòa khi tuyên án, chợt nhớ mấy câu chuyện cũ rích song vẫn ngồn ngộn thời sự, khi cái sai lầm cứ cố tình lặp đi lặp lại cho những nhân danh của người cộng sản. (*)

Cái lý của kẻ đang sử dụng nắm đấm, vẫn là trò chơi tung hứng ‘công lý’, bất chấp cho một ngày mai chờ đợi của sự báo oán.

Cải tạo tư tưởng (!?)

Bà Đỗ Phương Khanh, nhà văn, nhà báo quen thuộc của độc giả tuần báo Thiếu Nhi ở miền Nam trước tháng tư 1975, kể lại một câu chuyện cũ mà bà cùng phu quân là nhà văn Nhật Tiến chung thân phận ‘người trong cuộc’ ở 44 năm trước.

Đó là câu chuyện về một đợt ‘học tập cải tạo tại chỗ’ diễn ra vào năm 1976, với tên gọi khóa bồi dưỡng chính trị dành cho văn nghệ sĩ. Địa điểm ghi danh, trình diện là trụ sở của tòa đại sứ Đại Hàn khi trước ở Sài Gòn.

Do có báo cáo từ những văn nghệ sĩ nằm vùng khi trước, thí dụ như ở báo Bách Khoa thì có Hai Khuynh, Vũ Hạnh… chẳng hạn, nên ngay sau ngày 30-4, phía chính quyền Hà Nội đã nắm sẵn bảng danh sách phân loại văn nghệ sĩ. Người nào bị đánh giá là có liên hệ mật thiết với Mỹ hay chính quyền cũ, thì đã bị lùng bắt ngay trong đợt đầu – nhà văn Mai Thảo trốn thoát trong đợt lùng bắt này.

Theo lời kể của nhà văn Nhật Tiến, quang cảnh ghi danh trình diện rất đông đảo, bao gồm cả các ngành như nhạc, kịch, sân khấu, điện ảnh.

“Khoá học kéo dài một tháng ròng rã và chấm dứt bằng một màn gọi là ‘ra điển hình’. Nói rõ hơn là Ban Tổ chức đã chỉ định một số văn nghệ sĩ phải đứng ra ‘điển hình’. Mỗi người được chỉ định như thế phải lựa chọn 2 trong số tác phẩm đã in của mình để trình bày trưóc khóa học và phải trả lời những câu hỏi đại để như: bối cảnh nào, động cơ nào, ý đồ nào đã sáng tác nên tác phẩm đó. Tôi là một trong những người bị chỉ định ra điển hình. Ngoài ra còn có nhà thơ Phạm Thiên Thư, nhà thơ Tường Linh, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà văn Lệ Hằng…

Trước khi ra ‘điển hình’ chừng một tuần lễ, thì Vũ Hạnh là người đã thông báo cho tôi biết về chuyện tôi đã bị chỉ định này. Anh ấy còn cho biết, trong số 2 tác phẩm ‘tự ý’ chọn lựa, bắt buộc phải có cuốn “Giấc ngủ chập chờn”. Theo một số bà con, hay bạn bè cũ từ Bắc vào cho biết, thì cuốn này đã bị đánh giá là “cực kỳ phản động”.

“Giấc ngủ chập chờn” do tôi sáng tác và ấn hành vào khoảng năm 1969, nội dung viết một vùng xôi đậu ở miền Trung. Ở vùng đất đó, có những gia đình, anh thì đi lính quốc gia bên này, em thì theo đi du kích bên kia, dĩ nhiên là không tránh khỏi cảnh cốt nhục tương tàn. Trong thân phận của những người già cả của vùng đất đó, họ không hề quan tâm hay không hề biết gì đến vấn đề chính trị, và ước vọng của họ chỉ đơn giản là muốn có một đời sống bình an, ấm no hàng ngày.

Một nhân vật trong cuốn đó đã nói với đứa con trai đi theo du kích như sau: “Mầy theo ai mặc cha mầy! Mà điều đi với bên đây thì còn có đôi giầy, cái áo mà bận. Chớ qua bên đó chết trần chết truồng, ai thương!”. Đấy, tâm tình người dân quê chỉ đơn giản có thế, nhưng chỉ như thế cũng đủ bị lên án là bôi nhọ ‘chính nghĩa’ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Nhà văn Nhật Tiến, nhớ lại.

Tâm thế sẵn sàng đi tù

Nhà văn Nhật Tiến, kể tiếp: “Tôi chọn hai cuốn: cuốn thứ nhất là “Giấc ngủ chập chờn” theo Vũ Hạnh gợi ý và cuốn thứ hai là cuốn “Thềm hoang” (**). Và tôi cũng chuẩn bị rất kỹ phần phát biểu của mình, bởi vì theo tôi đây là một cuộc trực diện giữa một bên là những trí thức thượng thặng của miền Bắc, và một bên là là chính tôi (do bị chỉ định), tạm coi như một trong những người đại diện cho giới cầm bút miền Nam.

Trước hết họ hỏi về động cơ, hoàn cảnh viết cuốn sách đó. Tôi đã trả lời đại ý: Tôi di cư vào Nam năm 18 tuổi. Khi đó tôi chưa có ý thức chính trị gì nhiều, nhưng trước mắt tôi là cả triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam. Điều này cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã phải có vấn đề.

Tuy nhiên, ý định vào Nam của tôi chỉ thực sự bắt nguồn từ cái tính thích phiêu lưu của tuổi trẻ. Vả lại sau hai năm, sẽ có tổng tuyển cử và tôi sẽ có thể trở về quê quán của mình. Sau đó thì chuyện tổng tuyển cử không được thực hiện, và tôi nhận ra rằng miền Nam dần dà hình thành một quốc gia được thế giới công nhận. Cho nên tôi đã phục vụ quốc gia này trong tư cách một công dân, và ở tư cách công dân đó tôi đã viết tác phẩm này.

Một câu hỏi khác mà tôi còn ghi nhớ được là của ký giả Thái Bạch. Anh này đứng dậy gằn giọng hỏi tôi: “Anh cho tôi biết, anh có liên hệ gì với tên phản động Nhất Linh?”. Tôi chưa kịp trả lời thì chị Nguyễn Thị Vinh đã đứng dậy, chỉ mặt Thái Bạch và nói ngay “Anh muốn biết về Nhất Linh thì hãy hỏi tôi, vì tôi mới là người có nhiều liên hệ với nhà văn Nhất Linh hơn cả về mặt văn chương lẫn đời sống chính trị”.

Nói chung tâm trạng của đa số anh chị em văn nghệ sĩ tham dự vẫn còn giữ được tư cách của người cầm bút. Riêng tôi thì cho rằng cùng lắm thì cũng giống như những anh em bị bắt đợt trước thôi. Bản thân tôi và nhà tôi là Đỗ Phương Khanh trước khi tham dự khóa học, cũng đã chuẩn bị sẵn một cái túi xách tay, trong có bàn chải đánh răng, cục xà bông để sẵn sàng đi tù như mọi người khác”.

Miền Nam làm gì có văn hóa… như kiểu miền Bắc xã hội chủ nghĩa!

Theo lời của nhà văn Nhật Tiến thì có một nhà văn nữ miền Nam trong khoá học, đã phát biểu tự nhận mình chỉ là đứa trẻ sơ sinh so với những nhà văn miền Bắc đã tham gia ‘cách mạng’ trước đó hàng mấy chục năm, vậy thì cần phải có thời gian học tập để sau này sẽ được cầm bút trở lại. Ngay lập tức, Mai Quốc Liên, một cây bút đến từ miền Bắc đã đứng dậy nói ngay “Khóa học này mở ra để các anh các chị hiểu biết về xã hội mới thôi chứ đừng trông mong vào việc cầm bút trở lại. Bởi vì miền Nam các anh các chị làm gì có văn hóa!”.

Có lẽ ngày hôm nay, cần hiểu rằng nhận định của ông Mai Quốc Liên không hề sai, vì ở miền Nam làm gì có văn hóa như kiểu miền Bắc xã hội chủ nghĩa!

“Phải nói là sôi sục. Trước tiên, Đỗ Phương Khanh đứng lên chỉ mặt Mai Quốc Liên và hỏi ngay “Anh vào trong Nam được bao lâu rồi, và anh đã đọc được bao nhiêu tác phẩm của miền Nam rồi mà anh dám nói miền Nam không có văn hóa?”. Rồi nhiều người nhao lên đứng dậy, cả tôi lẫn nhà văn Nguyễn Thụy Long cũng đứng dậy. Không khí lúc đó rất sôi động. Những người điều khiển khóa học vội vã tuyên bố nghỉ giải lao.

Khi ra ngoài sân thì Nguyễn Thụy Long có một người đi kè. Vũ Hạnh cũng kè tôi ra một góc sân và bảo: “Anh đừng có nóng. Anh phản ứng như thế người ta sẽ cho là anh phá hoại khóa học”. Đến khi tái nhóm thì chúng tôi không thấy mặt Mai Quốc Liên nữa. Qua buổi chiều, Ban tổ chức cho biết Mai Quốc Liên chỉ là thành phần dự thính, không được quyền phát biểu. Vấn đề do đó cũng được bỏ qua đi…”. Nhà văn Nhật Tiến nói.

Phần ký ức ở trên, nhà văn Hồ Trường An cũng đã chứng kiến và ông đã viết lại trong một hồi ký đăng trên nhiều báo ở hải ngoại từ lâu. Xin trích một đoạn như sau:

“…Tôi cùng cặp Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh học khóa I Bồi dưỡng Chính trị vào năm 1976. Trong lúc bàn về sách vở, báo chí miền Nam, tên cán bộ văn hoá Mai Quốc Liên đã khinh miệt chê bai văn chương miền Nam là văn chương chợ trời, văn chương bán ‘sôn’. Chị Phương Khanh dằn không nổi, thét lớn: “Sao anh dám nói thế? Anh đã xem hết sách vở miền Nam chưa? Anh nói thế là do ý anh hay anh nhân danh Bác và Đảng của anh?”.

Chị bật lên khóc và ngồi xuống ghế. Sau đó, khi nghe một nhà văn nữ van xin cộng sản: “Hãy để cho chúng tôi viết lại. Chúng tôi là kẻ bị chế độ cũ đầu độc, yếu đuối. Chúng tôi cần có sự dìu dắt của các anh”, chị Đỗ Phương Khanh đã dõng dạc nói: “Cô có xin thì xin cho cô ấy. Đừng có xin cho chúng tôi làm gì!”.

Về phần Nhật Tiến, sau khi làm tự phê tự kiểm, anh vào phòng rửa mặt khóc nức nở. Anh bị tên Bùi Đức Ái (tức Anh Đức, tác giả truyện dài Hòn Đất) nạo sát ván, nhưng anh vẫn không chịu nhận đường lối văn chương xã hội của anh là sai, ngay cả những gì anh viết trong cuốn Giấc ngủ chập chờn, trước sau anh vẫn khăng khăng trả lời cán bộ cộng sản rằng anh chỉ là kẻ ghi chép những gì mắt thấy tai nghe…” (hết trích)

Nội dung qua lời kể ở trên cũng đã được tuần báo Việt tide đăng tải ở số ngày 28-4-2004.

Thay lời kết

Nói thêm về nhân vật Mai Quốc Liên hiện sống ở Sài Gòn. Cách đây 6 năm khi “Ba Đua phó bí Thành ủy Hồ Chí Minh” về hưu, Mai Quốc Liên có bài ca tụng ngắn về ông Nguyễn Văn Đua, đăng trên tạp chí Hồn Việt do Mai Quốc Liên làm chủ bút, trong đó có đoạn kết như sau:

“Đồng chí Ba Đua về hưu, kính chúc đồng chí mạnh giỏi và tiếp tục bằng nhiều cách đóng góp cho thành phố, cho đất nước.

Chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Du tặng Ngô Nhân Tĩnh (Ngô Nhữ Sơn) khi ra trấn thủ đất Nghệ An, xin dùng câu chữ Nguyễn Du (có chữa 1 chữ cho hợp với đồng chí) để tặng đồng chí:

人從淡泊斯為政,

天為黔黎豈放閒 .

Nhân tòng đạm bạc tư vi chính,

Thiên vị kiềm lê khởi phóng nhàn.

(Ông đưa thanh đạm vào chính sự,

Trời vì nhân dân há để ông được nhàn (hưu)?)” (***)

Còn nhân vật Ba Đua là ai, đóng góp gì cho xương máu của đồng bào Sài Gòn, thì có lẽ cư dân Thủ Thiêm rõ hơn ai hết.

Song công tâm mà nói thì ngay cả ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời ông Hồ Chí Minh còn làm chủ tịch, chuyện ‘giam cầm tư tưởng’ đã nhan nhãn, nói chi tới chuyện ‘cải tạo tư tưởng’ giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn vốn được mặc định là ‘ngụy’, như câu chuyện kể ở trên của đôi vợ chồng văn nhân, nhà báo Nhật Tiến – Phương Khanh.

Một dẫn chứng, nếu như ông Tố Hữu và các đồng chí của ông kết án những “gián điệp, lưu manh, gái điếm” của phong trào Nhân văn giai phẩm là chính xác, thì có lẽ nhà cai trị sau này đã hoàn toàn sai lầm khi phục hồi cho họ, thậm chí còn trao cả Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước cho những phường “lưu manh, gái điếm” ấy.

Vậy thì ông Tố Hữu, ông Trường Chinh, thậm chí cả cụ Hồ, hay các ông Linh, ông Phiêu, ông Mạnh, ông Kiệt… về sau, những ông nào đúng, ông nào sai trong vụ này?

Có người nói vầy: cộng sản là vậy, lúc nào họ cũng đúng, kể cả khi họ làm sai, nên chả có ông nào sai. Do đó cho dẫu quan tòa nhân danh ra sao đi nữa, thì cũng chả mấy ai sai hết, nên chẳng phải bận tâm như điều mà tác giả có bút danh về miền thùy dương cát trắng đã lăn tăn trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 6-5-2020 (*)

Còn vì sao lại đặt tên bài báo này là “Những câu chuyện cũ rích nhưng vẫn lại hừng hực thời sự”? Đơn giản thôi, đến tận hôm nay mà Hà Nội vẫn muốn quản lý chặt chẽ tư tưởng, hễ mấy ai cứ kiên trì ‘phản biện’ cho dù ôn hòa và đầy thiện chí đến đâu đi nữa, như ông nhà báo từng là cán bộ nội chính của Thành ủy – Phạm Chí Dũng chẳng hạn, vẫn có thể bị xộ khám với răn đe tù tội do ‘cứng đầu’, tương tự như các văn nghệ sĩ ở khóa ‘cải tạo tư tưởng’ sau tháng tư, 1975.

_________________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-co-phai-la-cong-ly-de-quan-toa-cu-mai-nhan-danh/

(**) “Thềm hoang”, giải văn chương toàn quốc 1962, viết về một thế giới người nghèo ở Xóm Cỏ, ven biên một thành phố. Những nhân vật của truyện này là những người nghèo thất học, và ngôn ngữ của họ là sự pha trộn một cách dung tục ngôn ngữ của hai miền Nam Bắc.

Kết cuộc cuốn tiểu thuyết này, nhân vật Năm Trà bị phẫn uất đau đớn đến tột cùng nên đã châm lửa đốt rụi cả xóm Cỏ. Và như thế, cái xóm ấy đã thành một mảnh đất đầy tro bụi của những thềm hoang… Chính phủ của nền đệ nhất cộng hòa khi ấy không vì thế mà phật lòng, đã trao cho nhà văn Nhật Tiến giải thưởng văn chương toàn quốc 1962, với tác phẩm “Thềm hoang”.

(***) http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4575-dong-chi-ba-dua-nguyen-van-dua-ve-huu.aspx

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)