Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”
Ở một xứ xở như Việt Nam thì việc cấp trên trù dập người, cấp dưới cản trở những hành vi sai trái của mình là rất phổ biến. Bởi vì, thực chất quan chức đồng thời là đại diện của đảng mà đảng “lãnh đạo toàn diện” nắm trong tay mọi quyền hành, luật pháp nên quan chức đảng lộng hành, tùy tiện ứng xử với cấp dưới, “thấp cổ, bé họng” là tất yếu. Việc cấp dưới, người dân ngăn chặn những hành vi sai trái của quan chức là “phạm thượng”, hầu hết phản tác dụng, thất bại.
Theo FB Lưu Trọng Văn, cô Lê Thị Dung là cán bộ cấp dưới nhưng đã phản đối việc cấp trên (sở, huyện, tỉnh) bán đất của trung tâm GDTX do cô quản lý cho tư nhân, gửi đơn lên bộ Nội vụ và lãnh đạo cơ quan này về sai phạm tuyển dụng của giám đốc sở GDĐT tỉnh, “ có cuộc gặp căng thẳng” giữa cô và P. chủ tịch tỉnh Nghệ An…Nếu đúng vậy thì việc cô Dung bị án oan mà dư luận cả nước phẫn nộ là tất yếu.
Là cấp dưới mà dám như thế thì làm sao cấp trên đầy quyền uy khoan dung được. Nếu cô Dung không bị trừng phạt thì mọi việc sai trái trong xứ sẽ bị “soi”, rất bức bối, làm sao mà để yên được? Vấn đề là bộ máy quyền hành ở xứ Nghệ quá nôn nóng, coi thường dư luận xã hội trong việc xử cô Dung mà thôi. Với những nơi khác, vụ khác họ sẽ áp dụng vô vàn cách để vô hiệu hóa, trừng phạt tàn nhẫn kẻ “chống phá” ví như phân công việc khác ở TTGDTX huyện Tương Dương, Mường Xén…chẳng hạn thì cô Dung có phản đối được không khi sức khỏe hạn chế, mọi điều kiện sinh hoạt, sinh sống của gia đình bị đảo lộn.
Nếu cô Dung phản đối sẽ xuất hiện tội “chống đối sự phân công của đảng”, việc khai trừ đảng, cho thôi làm giám đốc, chuyển làm tạp vụ ở cơ quan thì cũng “âu trời cãi”. Trong vụ cướp đất ở dự án Ecopark Văn Giang một trong những cách khuất phục những người không chịu nhận tiền đền bù đất, phản đối giao ruộng của chính quyền là chuyển công tác con em họ đến nơi bất lợi, khó khăn, cản trở sản xuất kinh doanh, không cấp giấy đi xuất khẩu lao động, kết hôn…
Chính tôi đã bị cách trù dập cực kỳ ma giáo của lãnh đạo tạp chí, ngành hàng không Việt Nam. Từ những năm 1990 tôi đã “cản phá”, ngăn chặn một số vụ tham nhũng lớn, nhỏ ở ngành HKVN. Đầu năm 1994 tôi vẫn là phóng viên cỡ chủ chốt của tờ báo, thành tích “đầy mình” tự nhiên tổng biên tập tạp chí HKVN chuyển tôi “thôi làm phóng viên làm tạp vụ của cơ quan trong đó bán dạo tạp chí HKVN” với số lượng không tưởng.
Tất nhiên tôi không thể bán được số lượng tạp chí “trên trời” mà họ giao cho. Thế là tôi phát sinh tội “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi tố cáo lãnh đạo tạp chí và ngành HKVN trù dập tôi. Thế là tôi phát sinh tội “vu khống lãnh đạo HKVN” và lực lượng công an được sử dụng ngay.
Năm 1996 tôi bị cơ quan điều tra A24 bộ nội vụ (nay là bộ công an)khởi tố, điều tra, khám xét nhà cửa về tội “vu khống lãnh đạo HKVN”… hòng cho tôi vào nhà đá. Hồi đó chưa có mạng Internet, mạng xã hội nên tôi phải âm thầm chịu trận và tìm cách “phản đòn”. Rất may tôi đã chứng minh đanh thép những tố cáo của tôi với họ là còn dưới sự thật, đăng được nhiều vụ tham nhũng “động trời” của họ trên các báo khác, bản chất lãnh đạo ngành HKVN phơi bày trước thiên hạ và sự may mắn nên thoát nạn.
Vấn đề ở đây là mọi sự tố cáo của nhân viên, cấp dưới với cấp trên hầu hết bị lờ đi, trù dập, nên chỉ tỷ lệ cực nhỏ trường hợp người như tôi, cô Dung “dại dột” làm cái việc 99,9% thất bại mà thôi. Việc hầu hết các vụ tham nhũng do tình cờ bị lộ và báo chí phát hiện chứ không phải cơ quan pháp luật,thanh tra, kiểm soát, công đoàn, mặt trận tổ quốc…có chức năng giám sát, chống tham nhũng phát hiện chứng tỏ điều đó.
Vừa qua, tại hội nghị TW4 khóa 12 đã nêu cần loại bỏ căn bệnh diễn ra ở nhiều nơi, từ rất lâu “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” nhưng có kết quả gì không khi trật tự cũ vẫn không thay đổi?