Kỳ Lâm (VNTB) Trong một diễn biến mới nhất, vào ngày 11/06, trang tin Tia Sáng đã đăng tải bài của TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội) với nội dung: Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính.
Trước đó, cựu quan chức nhà nước này cũng có một bài trên Tia Sáng, với chủ đề: “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình”.
Như vậy, diễn tiến của bài viết đã đi từ việc bàn luận về lựa chọn mô hình tương lai cho Việt Nam đến khẳng định chắc chắn việc “nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính.”
Bài viết đề cập, Đảng sẽ bầu ra người đứng đầu Đảng để ứng cử vào chức danh Tổng Thống (và đây cũng là người chủ trì, hoạch định đường lối Đảng trong nhiệm kỳ 5 năm), sau đó người dân sẽ được quyền bầu chọn Tổng thống.
Dù ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, “với mô hình một đảng cầm quyền, Tổng thống có thể trao đổi thống nhất ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội trước khi giới thiệu ứng cử viên giữ chức danh Thủ tướng.” Tuy nhiên, với việc đưa ra chức danh Tổng thống và Tổng thống do dân bầu trực tiếp thì có thể hiểu ngầm là Việt Nam sẽ thiết lập thêm một Đảng để tạo điều kiện “bầu bán” cho người dân? Mà ở đây là sự tái lập lại Đảng Xã hội hoặc Đảng Dân chủ?
Nhất thể hóa là một mô hình mà chính trị Việt Nam hướng tới nhằm tinh giảm bộ máy hành chính. Trong những năm gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, mô hình này đang được ưa chuộng và ngày càng tiệm cận.
Vào ngày 27/03, trên báo VNN đưa tin về việc, nhiều thành viên của đoàn giám sát Quốc Hội khi về Quảng Ninh làm việc đã tỏ ra rất “mê” mô hình nhất thể hóa của tỉnh này. Trong khi đó, trên trang điện tử báo QĐND, trong phong trào thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư IV (khóa XII) của ĐCSVN, đã đăng tải bài viết khẳng định xu thể “Nhất thể hóa”, và coi đây là bước đi cần thiết để tinh giản bộ máy, cũng như đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời cũng dẫn lại lời khẳng định của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh, mô hình đổi mới của Quảng Ninh là phù hợp với chủ trương của Đảng.
Nhất thể hóa không phải đến năm 2017 mới được bàn tới, mà theo ông Nguyễn Văn An (Nguyên Chủ tịch Quốc hội) cho biết, từ thời ông còn là Ủy viên T.Ư, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng (1987), ông là người đã bàn bạc rất kỹ với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về vấn đề này, và theo ông, nhất thể hóa chính là tối ưu hóa sự cầm quyền.
Tại sao ĐCSVN hướng đến nhất thể hóa?
Đó là đảm bảo Đảng giảm bớt hoặc tiến tới không điều hành đất nước bằng chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc của xã hội, và bản thân việc điều hành đất nước như thế này khiến cho hiệu quả thực tiễn không cao, gây thất thoát nguồn lực – tài lực quốc gia, làm giảm uy tín trầm trọng trong dân đối với Đảng.
Thứ hai, nhất thể hóa chính là nhằm tập trung quyền lực, và một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của điều này chính là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nó trái ngược với nguyên tắc Tập trung dân chủ hiện nay, khi tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, sai phạm thuộc về tập thể chỉ cần rút kinh nghiệm là xong. Chính mô hình này cũng đã dung dưỡng cho tư duy nhiệm kỳ và các hành động vơ vét của nhóm công chức trong nhiều thập niên qua.
Thứ ba, “cơ chế” đang tiếp tục nảy nợ, gánh nặng ngân sách đang bị tăng lên, uy hiếp mạnh đến chế độ. Việc nhất thể hóa sẽ đảm bảo chắc chắn hơn chủ trương tiết kiệm chi phí, tinh giảm bộ máy hành chính, giảm gánh nặng rất lớn cho ngân sách luôn thâm thủng, èo uột hiện tại. Đặc biệt hơn, nó sẽ tránh được tình trạng tha hóa, thoái trào của thể chế đang diễn ra trầm trọng hiện nay.
Trở lại với bài viết, đây có phải là một tiền đề để tạo hướng dư luận nhằm tiến tới một mô hình Tổng thống? Và việc cho phép dân bầu cũng là hướng thành lập Đảng, nhưng trên cơ sở đảm bảo yếu tố cầm quyền của ĐCSVN, cũng như đảm bảo cho uy tín của Đảng, tính chính danh trong Đảng sẽ dừng hoặc giảm tụt dốc? Điều này có thể xảy ra, bởi ĐCSVN là tổ chức mà khi cần thiết để đảm bảo sự cầm quyền lâu dài của mình, sẽ áp dụng nhuần nhuyễn “tách-nhập” về mặt chức danh lẫn tổ chức? Bởi vào ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán và lùi vào hoạt động bí mật dưới mác Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Trong khi đó, hai nhóm Đảng “đối lập” được thành lập dưới sự vận động của Việt Minh là Đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội bao gồm nhóm đảng viên ĐCSVN tự giải tán vào tháng 10 năm 1988 sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Sự thành lập Đảng mới là quy luật tất yếu để đảm bảo tính cầm quyền liên tục trong thời gian tới của ĐCSVN. Và trong thời gian gần đây, khuynh hướng này càng trở nên đậm nét hơn cả, từ chuyện Cựu thứ trưởng công an Võ Viết Thanh (người từng cho rằng, ĐCSVN cần học cách tiếp nhận nhiều chỉ trích hơn) khẳng định, “phải có đối lập xây dựng”, tiếp đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết Ban Bí thư đang xem xét việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với Đảng – điều này hoàn toàn trùng hợp với ý mở rộng trong tiếp nhận chỉ trích. Và sát nhất là diễn tiến bài viết của ông Nguyến Sĩ Dũng từ “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình” (17/05) đến khẳng định chắc chắn việc “nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính.”
Điều đó càng cho thấy khả năng, đảng cầm quyền có thể “thai nghén” 1 Đảng trong thời gian tới, nhưng tất nhiên, vai trò trụ cột của đảng mới sẽ là những “Đảng viên Cộng sản” trung kiên.
Cần nhấn mạnh rằng, thành lập Đảng mới có thể xuất phát từ sự tác động của trào lưu cởi mở hóa chính trị, liên quan đến sự tác động ngày càng mạnh của mạng xã hội (cũng như các yếu tố liên quan đến XHCN mất đi trong thực tiễn, ngay cả về mặt kinh tế và lý luận đối ngoại) cũng như lộ trình cải cách kinh tế, chính trị và xã hội sâu rộng đang được đề ra tại Cuba, và sự khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng tại nước XHCN Venezuela.
1 comment
Ông Nguyễn Sĩ Dũng viết cho vui nhưng làm bao người mơ tưởng viễn vông. Đọc tài CS chỉ bị thay thế chứ không thể cải tạo.