(VNTB) – Điểm nghẽn thể chế ở Việt Nam hay ở một con người có nhiều nguyên nhân từ lâu đời, tuổi càng già càng dễ bị nghẹn, và liên quan mật thiết đến chế độ chính trị
Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam người nổi tiếng với việc ngửa cổ để anh chàng đầu bếp Thánh Rắc Muối cầm xiên thịt bò dát vàng dâng đến tận mồm mà không sợ nghẹn, nói về việc “Tập trung gỡ điểm nghẽn thể chế“, Tô Lâm không nói về việc miếng thịt dát vàng đó sẽ làm ông nghẹn mà lại là thể chế. Nó là cái thứ rào cản, khó khăn trong hệ thống chính trị, pháp lý hoặc quản lý nhà nước vô sản đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Thể chế, trong ngữ cảnh này không là chỉ cách ăn thịt bò phải có vàng, phải có mù tạt, mà chỉ hệ thống luật pháp, chính sách và quy định mà nhà nước sử dụng để điều hành xã hội và nền kinh tế. Nó gồm các cơ quan nhà nước, quy trình pháp lý, và các quy định về kinh tế, xã hội. To lắm chứ không chỉ nằm gọn trong cái đĩa.
Điểm nghẽn thể chế mà ngài Tô Lâm nói cũng không phải sợ nghẹn cổ mà là những cái quy định trong thể chế đang hoạt động không hiệu quả, gây ra khó nuốt, nghẹn họng trong chặng đường thức ăn xuống cổ rồi xuống dạ dày và tống ra ngoài. Ví dụ, những điểm nghẽn có thể là tại cổ họng, tại dạ dày hay tại ruột già bởi các từng quan cách của đảng.
Gỡ điểm nghẽn thể chế có thể nghĩa là cải cách hoặc điều chỉnh những quy định, luật lệ, hoặc chính sách để giúp hệ thống vận hành thông suốt hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển, nhưng nó cũng có thể là quy trình chữa chạy hệ tiêu hóa bị nghẹt chỗ nào.
Về việc gỡ được không, thì là một thách thức lớn, vì nó đòi hỏi sự đồng thuận chính trị, nỗ lực từ nhiều phía và sự thay đổi trong cách quản lý. Với một người bị nghẹn đường tiêu hòa thì tùy bác sĩ điều trị. Nghẹn ở cổ, nhiều người chữa mẹo cầm đũa cả gõ lên đầu. Nhưng nếu bị nghẹn không cứu, có thể chết trong vài phút,
Điểm nghẽn thể chế ở Việt Nam hay ở một con người có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân từ lâu đời, tuổi càng già càng dễ bị nghẹn, và liên quan mật thiết đến chế độ chính trị và chế độ ăn uống, cách nhai nuốt, hay ăn thứ gì.
Cũng giống như một cơ thể già nua, bệnh tật, hệ thống pháp lý và hành chính của Việt Nam quá cũ kỹ. Nhiều quy định và quy trình hành chính ở Việt Nam có nguồn gốc từ thời kỳ kế thừa thời Pháp thuộc, hay chế độ Bảo Đại hoặc các mô hình quản lý từ thời bao cấp. Những quy định này đã lỗi thời hoặc không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Cơ chế xin – cho: Tồn tại từ thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khi quyền lực của nhà nước chi phối chặt chẽ mọi lĩnh vực kinh tế. Cơ chế này vẫn còn dấu ấn trong nhiều quy định và chính sách, gây ra các thủ tục hành chính rườm rà và tạo điều kiện cho tham nhũng.
Thói quen quản lý tập trung, quan liêu: Hệ thống quản lý quan liêu kéo dài qua nhiều thế hệ đã khiến các cơ quan công quyền thiếu linh hoạt, chậm chạp trong phản ứng với các thay đổi kinh tế – xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra điểm nghẽn trong việc ban hành và thực thi các chính sách mới.
Thói quen quản lý tập trung, quan liêu: Hệ thống quản lý quan liêu kéo dài qua nhiều thế hệ đã khiến các cơ quan công quyền thiếu linh hoạt, chậm chạp trong phản ứng với các thay đổi kinh tế – xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra điểm nghẽn trong việc ban hành và thực thi các chính sách mới.
Ở Việt Nam, quyền lực chính trị tập trung vào một hệ thống độc đảng. Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo toàn diện. Điều này đôi khi tạo ra sự chậm trễ trong cải cách, vì mọi quyết định quan trọng đều cần có sự đồng thuận từ nhiều cấp lãnh đạo. Cá nhân lãnh đạo luôn mang tâm lý sợ sệt làm không vừa lòng thủ trưởng, luôn núp dưới cái ô tập thể, và đôi khi các lợi ích nhóm có thể cản trở sự thay đổi.
Chế độ độc quyền, độc đảng chây lỳ và ngại ngùng vì không có sự cạnh tranh chính trị, không áp lực buộc phải thay đổi nhanh chóng, không thế lực nào giám sát được đảng, chỉ có đảng giám sát quyền lực của đảng viên. Vì vậy đảng tung hoành ngang dọc. Việc đưa một vài đảng viên ra kỷ luật không giải quyết được gì.
Guồng máy nhà nước luôn trì trệ, kém hiệu quả, dẫn đến những khó khăn trong việc xử lý các vấn đề quan liêu, tham nhũng và cải cách, kéo dài những điểm nghẽn trong thể chế. Hệ thống quản lý không minh bạch và quyền lực tập trung tạo môi trường tham nhũng và các lợi ích nhóm, điều này làm gia tăng sự chậm trễ trong việc cải cách hoặc gỡ bỏ các rào cản thể chế.
Những người hưởng lợi từ hệ thống hiện tại, cả từ đời ông, đến đời cha, con cháu có thể không muốn thay đổi, vì sự cải cách có thể làm giảm quyền lực hoặc lợi ích của họ. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm quá trình gỡ điểm nghẽn thể chế.
Lời kêu gọi gỡ nghẽn thể chế triệt để và bền vững của ông Tô Lâm sẽ không thành hiện thực nếu không thay đổi đến tận cùng đảng CS. Một thể chế tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền thực sự thường là yếu tố rất quan trọng mà ông Tô Lâm phải biết.
Tự do và dân chủ tăng cường và thúc đẩy giám sát quyền lực mà đảng CS độc quyền không thể tự làm được:
Trong một thể chế dân chủ, các nhánh tam quyền phân lập giám sát lẫn nhau, ngăn chặn tham nhũng quyền lực. Các quyết định chính trị từ bất cứ đâu sẽ minh bạch hơn khi có sự kiểm tra và cân bằng từ các cơ quan độc lập, xã hội dân sự, báo chí tự do và người dân. Vì thiếu cơ chế giám sát trong chế độ độc tài đảng trị, quyền lực luôn tập trung vào tay một Tổng bí thư, Bộ Chính Trị, Trung ương đảng tối cao và không có cơ chế kiểm soát hiệu quả.
Xã hội tự do dân chủ cho phép người dân bày tỏ ý kiến, phản biện và tham gia vào quá trình ra quyết định. Tự do biểu đạt, ngôn luận, báo chí tạo nên sự cạnh tranh về ý tưởng và giải pháp, giúp tìm ra các phương án hiệu quả hơn để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị.
Khi quyền con người được tôn trọng, mọi cá nhân đều có quyền tự do phát triển bản thân, tự do tiếp cận thông tin, giáo dục và các cơ hội kinh tế. Điều này giúp khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và công bằng hơn.
Một xã hội tôn trọng nhân quyền cũng tạo ra môi trường chính trị và pháp lý công bằng, từ đó giảm thiểu các xung đột lợi ích và tạo điều kiện cho những cải cách thể chế thành công.
Trong thể chế độc tài, phản dân chủ như hiện nay, các nhóm lợi ích có thể dễ dàng kiểm soát hoặc thao túng quyền lực để duy trì đặc quyền của họ, cải cách thể chế trở nên khó khăn vì những nhóm này sẽ tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tóm lại, một thể chế tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền là điều kiện thiết yếu để có thể gỡ bỏ hiệu quả các tắc nghẽn thể chế. Thiếu các yếu tố này, dù có quyết tâm cải cách, những rào cản và vấn đề trong hệ thống thường chỉ được xử lý bề mặt hoặc thậm chí không thể gỡ bỏ hoàn toàn.