Jonathan D. London (VNTB) – Việt Nam đang tự hại mình bởi các quy chế bảo vệ nhân quyền còn quá yếu.
Chuyến công du Washington sắp tới của Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, sẽ diễn ra vào một thời điểm hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Là một thời điểm mà các yếu tố địa-chính trị, khu vực, và nội-địa đang kết hợp để nâng cao tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ nhân quyền ở trong nước. Việc cần kíp là làm sao thuyết phục giới lãnh đạo cho họ hiểu rằng mở rộng quyền công dân sẽ mang đến nhiều lợi ích đáng kể cho Việt Nam, trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Việt Nam đang tự hại mình bởi các quy chế bảo vệ nhân quyền còn quá yếu. Ở trong nước, nó bào mòn hiệu năng của nền kinh tế và làm suy yếu tính chính danh của Đảng cầm quyền. Chà đạp lên dân quyền cũng làm xấu hình ảnh của Việt Nam trên thế giới và làm tổn hại uy tín của nhà nước, ngay lúc Việt Nam đang hết sức cần sự trợ giúp của quốc tế.
Dẫu biết thổi phồng những thành tựu cũng chẳng ích gì, nhưng phải công nhận trong những năm gần đây quyền tự do chính trị và dân sự ở Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể. Sự cải tiến này đến từ những quyết định và tính toán của thành phần cao cấp trong Đảng, cộng với các nỗ lực đầy quyết tâm của tập hợp đa dạng nhiều người trong cũng như ngoài Đảng để thay đổi tình hình. Hiện nay, Đảng đang quản lý một mảnh đất nơi các quyền tự do chính trị và dân sự đang được bàn thảo và tranh luận công khai, tuy rằng các cuộc thảo luận này thường vẫn còn diễn ra trên mạng chứ chưa phải ở nơi công cộng. Dù gì chăng nữa, phải công nhận đời sống chính trị của Việt Nam ngày càng đa nguyên và cởi mở hơn: rõ ràng có một sức mạnh đáng kể đang trỗi dậy và rất khác với chế độ toàn trị kiểu Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam hiện có một cơ hội lịch sử để vừa gia tăng hiệu quả kinh tế của đất nước, vừa củng cố tính chính danh của họ đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng muốn làm được điều này họ phải thiết lập những quy chế mới để cân bằng hai điều kiện mà nhà nước nào cũng phải bảo đảm: quyền công dân và trật tự xã hội. Có ba lĩnh vực cần phải đặc biệt quan tâm.
Tự do ngôn luận. Người Việt Nam, cả trong lẫn ngoài Đảng, đã tìm được tiếng nói chính trị của mình và không ai muốn đánh mất nó. Internet đã trở thành một diễn đàn sống động cho việc công khai phân tích các nguồn tin chính thống, khôi phục những truyền thống phong phú của người Việt như tranh luận, phê phán xã hội và khảo sát trí tuệ. Mặc dù giới chóp bu không ưa gì những kẻ lợi dụng Internet để vạch trần các tệ nạn trong nội bộ Đảng và căm ghét các thành phần chống Đảng, nhưng thực tế cho thấy Internet là một phương tiện cực tốt cho phép người dân góp tiếng nói trong một môi trường mở. Những biện pháp thất nhân tâm – như bắt bớ và giam cầm các bloggers hoặc những người bất đồng chính kiến – sẽ không giúp Việt Nam gầy dựng một xã hội văn minh đặt trên nền tảng trí năng như các nhà lãnh đạo mong muốn, và dĩ nhiên sẽ không được cộng đồng thế giới tôn trọng. Để đạt được mục đích đó nhà nước cần phải thả các tù nhân chính trị cũng như đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tư tưởng của người dân.
Tự do lập hội. Bản thân Đảng ra đời dưới hình thức một tổ chức bất hợp pháp gắn liền với mục tiêu công bằng xã hội và độc lập dân tộc. Vì vậy không nên xem việc bảo vệ quyền tự do lập hội là một mối đe dọa đối với sự sống còn của Đảng. Hình thành từ những nỗ lực như công cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột tàn bạo ở những đồn điền cao su của Pháp chắc chắn Đảng hiểu rằng việc tin cậy vào những công đoàn do chủ nhân lao động điều khiển sẽ đặt lợi ích của các chủ nhân ông và nhà đầu tư lên trên quyền lợi của người lao động. Dân lao động chân tay không phải là những nhà cách mạng. Họ chỉ muốn một mức lương đủ sống và những quyền cơ bản của mình được tôn trọng mà thôi.
Nếu thỏa thuận giữa 12 quốc gia về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công thì cả người lao động lẫn người sử dụng lao động Việt Nam sẽ được lợi. Bằng cách tăng cường và bảo vệ quyền lợi cho công nhân, Việt Nam có thể thu hút những khoản đầu tư mới, tạo uy tín về trách nhiệm xã hội, và tách biệt mình với các đối thủ cạnh tranh. Vấn đề quyền tự do cho các công đoàn có thể sẽ được đặt ra trước Quốc hội Mỹ khi họ phê chuẩn hiệp định TPP mà trong đó bao gồm cả Việt Nam. Nhưng lý do chính đáng hơn để Việt Nam gia tăng quyền lợi cho công nhân là để nâng cao mức sống của người lao động, đồng thời tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài khi khách hàng của họ không còn muốn mua sản phẩm của những công nhân bị bóc lột.
Bên ngoài công xưởng, chính phủ cần phải khuyến khích thay vì đàn áp các tổ chức nghiên cứu độc lập. Cấm người khác chỉ trích hay bất đồng ý kiến với mình là tự chuốc lấy thất bại. Tương tự như vậy, thay vì đe doạ hay bắt bớ bằng vũ lực, chính phủ phải cho người dân quyền biểu tình ôn hòa. Hệ thống công an phải được cải tổ để trở nên trong sach và trong sáng hơn, và những hành vi phạm pháp phải được xét xử nghiêm nhặt. Các nhóm cực đoan hay quá khích sẽ không đủ sức hấp dẫn để bành trướng khi người dân có các quyền tự do căn bản như biểu tình trong ôn hoà, hoặc đưa kiến nghị lên chính phủ mà không sợ bị trù ếm.
Quyền tự do báo chí. Không có một nền báo chí thực sự độc lập thì trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của chính phủ sẽ bị mai một. Chẳng hạn như khi một tờ báo nọ (có lượng phát hành rất nhỏ) đăng tin một nhân vật trong Ủy Ban Phòng Chống Tham Nhũng của Đảng đã thu gom tài sản bằng những phương cách bất hợp pháp, tổng biên tập bị ép phải từ chức. Lẽ ra điều cần hơn hết trong lúc này là một ngành báo chí độc lập, nếu Việt Nam thật sự muốn phòng chống tệ nạn tham nhũng cũng như cải thiện tinh thần trách nhiệm của nhà nước. Cần phải có những chính sách để thúc đẩy thay vì ngăn chặn quyền tự do báo chí. Những người có tinh thần cải cách trong bộ máy lãnh đạo chính trị ở Việt Nam phải tìm mọi cách thuyết phục những đồng nghiệp bảo thủ của mình dẹp bỏ những đề xuất độc hại nhằm hạn chế quyền độc lập của nhà báo.
Năm 2015 đánh dấu 20 năm sự kiện bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt, và 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh bi thảm của hai nước. 2015 còn là kỷ niệm 70 năm bản Tuyên-Ngôn Độc-Lập của Việt Nam, trong đó Hồ Chí Minh đã hùng hồn tuyên bố sự ra đời của một nước Việt Nam “Tự do và độc lập”. Không lâu sau đó Hiến pháp 1946 đã hứa hẹn “tự do ngôn luận”, “tự do lập hội” và “tự do báo chí”. Kể từ năm 1945 đến nay Việt Nam đã trải qua một đoạn đường chông gai đầy khó khăn. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam thành tâm cam kết thực hiện và đảm bảo nhân quyền cho người dân thì một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập và phú cường sẽ không còn xa tầm tay với.
Dr. Jonathan D. London là một giáo sư khoa Nghiên cứu châu Á và quốc tế và là thành viên quan trọng của Trung tâm nghiên cứu châu Á của Đại học Hồng Công (City University of Hong Kong). Ông đã xuất bản một số tác phẩm, trong đó có Politics in Contemporary Vietnam (2014 Palgrave Macmillan) và một cuốn sắp xuất bản có tựa đề Routledge Handbook of Contemporary Vietnam. Bài gốcnguyên được viết cho Học Viện Chiến Lược và Quốc tế học (Hoa Kỳ).