Anh Khoa dịch
(VNTB) – Tăng trưởng GDP Việt Nam bị ảnh hưởng do đơn hàng xuất khẩu giảm
Con số GDP – Tổng sản phẩm quốc nội hàng năm mới nhất hoàn toàn trái ngược với năm 2022 khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong vòng 25 năm, khi xuất khẩu và doanh số bán lẻ trong nước phục hồi sau khi chính phủ dỡ bỏ tất cả các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch.
Việt Nam là một trong quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực, nhưng tốc độ đã chậm lại trong năm nay do nhu cầu toàn cầu yếu hơn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ đạt 4,7%.
Theo dữ liệu công bố hôm thứ Sáu của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng mới nhất cũng thấp hơn mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,87% trong thập niên trước.
Xuất khẩu hàng năm của Việt Nam giảm 4,4% từ năm 2022 xuống còn 355,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cà phê, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giảm 9,6% so với một năm trước đó xuống còn 1,6 triệu tấn. Các lô hàng điện thoại thông minh, nguồn thu ngoại tệ lớn nhất, đã giảm 8,3% so với một năm trước đó.
Doanh số bán lẻ tăng 9,6% trong năm và lượng khách du lịch nước ngoài tăng vọt lên 12,6 triệu du khách từ 3,6 triệu vào năm 2022. Tổng lượng khách đến vẫn thấp hơn mức 18 triệu của năm 2019.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 1,5% so với năm ngoái.
Cơ quan thống kê cho biết: “Mặc dù mức tăng trưởng năm nay thấp hơn mục tiêu 6,5% của chính phủ nhưng đây vẫn là kết quả tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”.
Trong quý 4, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,72%, tăng tốc sau khi tăng 5,47% trong quý 3 và 4,25% trong quý 2.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế đã bị đè nặng sau khi chiến dịch trấn áp tham nhũng trên diện rộng của chính phủ khiến nhiều quan chức lo ngại mắc sai lầm, kể cả trong việc cấp giấy phép. Lưới bao giăng luôn các giám đốc điều hành ngân hàng và bất động sản, càng làm giảm sút tâm lý kinh doanh.
Bên cạnh tác động của suy thoái ở Trung Quốc, Việt Nam còn phải vật lộn với tình trạng đơn đặt hàng sản xuất giảm, sa thải hàng loạt, mất điện và thị trường chứng khoán trì trệ.
Một số nhà phân tích cho biết tốc độ tăng trưởng năm nay rất lạc quan trước “nhiều tình trạng không chắc chắn”.
“Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới”, ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định.
Ông Hinh cũng chỉ ra vô số thách thức, bao gồm sự sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu và “những khó khăn tiếp tục xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, cũng như nguy cơ nợ xấu gia tăng đang gây nguy cơ cho ngành ngân hàng”.
Nhà phân tích này cho biết thêm: “Không thể phủ nhận những yếu tố này đã tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tại Hà Nội cho năm 2023 là một “năm rất khó khăn đối với Việt Nam”.
Ông Doanh cho biết thêm: “Số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng, gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến sức mua… ở (các nhóm) thu nhập trung bình và thấp”.
_______________
Nguồn: Nikkei Asia Reviews – Vietnam’s 5% economic growth for 2023 misses official target