Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Việt Nam kêu gọi các bên nối lại đối thoại và giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.
Nếu như Thủ tướng Hun Sen nói Campuchia kiên định với lập trường phản đối việc sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ của một quốc gia và sử dụng vũ lực để làm điều đó, thì Việt Nam nhẹ nhàng hơn, “Việt Nam kêu gọi các bên nối lại đối thoại và giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 6-10, về vấn đề Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine bao gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson ở miền nam và miền đông Ukraine vào nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan tâm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình gần đây liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine.
“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, bà Hằng khẳng định và nhấn mạnh “Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và sẵn sàng đóng góp vào quá trình đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Gần tuần lễ trước đó, theo báo Khmer Times, phát biểu trước gần 3.000 người tình nguyện di dời cho dự án Angkor resort, tỉnh Siem Reap vào ngày 1-10, Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia kiên định lập trường phản đối chủ nghĩa ly khai, sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ của một quốc gia, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực chống lại các quốc gia khác.
“Tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không ủng hộ và chúng tôi phản đối việc thành lập các nhà nước bên trong các nhà nước, phân chia lãnh thổ và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia khác”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói, theo Phnom Penh Post.
Thủ tướng Hun Sen cho hay Campuchia sẽ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án hành động sáp nhập của Nga nếu nghị quyết được đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Campuchia đã 2 lần bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết lên án Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Ông tiếp tục: “Hãy tưởng tượng khi chúng ta đang sống một cuộc sống yên bình thì một số người sử dụng vũ lực để xâm chiếm tỉnh Siem Reap và sau đó tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để biến Siem Reap thành một quốc gia độc lập. Chúng ta có thể chấp nhận một việc như thế không? Chúng ta hoàn toàn không chấp nhận việc đó”.
Một tuyên bố tương tự được Đài Channel News Asia dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Singapore ngày 1-10 nhấn mạnh: “Quyết định của Liên bang Nga về việc chính thức sáp nhập các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson là vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres hôm 29-9 tuyên bố quyết định sáp nhập các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine mà Nga đang tiến hành sẽ không có giá trị pháp lý và đáng bị lên án, theo website của Liên Hợp Quốc.
Mới đây phương Tây đã soạn một dự thảo nghị quyết lên án cuộc trưng cầu ý dân của Nga. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 quốc gia thành viên dự kiến sẽ xem xét quyết định trên vào ngày 12-10.
Liệu Việt Nam có ủng hộ nghị quyết lên án hành động sáp nhập của Nga vào hôm 12-10 tới đây?
Trước đó, vào chiều ngày 6-7-2022 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Như vậy với những cụm từ mang tính khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình” – “toàn vẹn lãnh thổ”; và với tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, cho thấy Việt Nam giờ đây là quốc gia bổ sung vào danh sách đang kéo dài lên tiếng phản đối việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine.
Báo chí Việt Nam đã “khóa” phần bình luận ở tuyến bài liên quan đến cuộc tranh xâm lược mà Nga đang tiến hành thôn tính Ukraine, và bài có nội dung mới nhất liên quan tuyên bố của Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng không ngoại lệ.
Người đứng đầu Đảng ở Việt Nam gọi đó là “ngoại giao cây tre”.
1 comment
Quan ngại, quan ngại!