VNTB – Việt Nam sẽ mua vắc-xin phòng Covid-19 thế hệ mới?

VNTB – Việt Nam sẽ mua vắc-xin phòng Covid-19 thế hệ mới?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Vắc-xin phòng Covid-19 mà người dân Việt Nam được tiêm sẽ không còn hiệu quả sau từ 4 đến 5 tháng khi “tiêm mũi tăng cường”.

 

Theo Medical Xpress (*), nghiên cứu được thực hiện bởi Mạng lưới VISION của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy sự cần thiết tính đến một mũi tiêm tăng cường bằng vắc-xin Covid-19 thế hệ mới – loại 2 giá trị có bổ sung thành phần chống Omicron – cho dù bạn đã tiêm mấy mũi trước đó.

Dựa trên phân tích ban đầu, theo Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học của Mạng lưới VISION đã phân tích dữ liệu từ các bệnh nhân được khám tại 261 bệnh viện, 272 khoa cấp cứu và 119 phòng khám chăm sóc khẩn cấp ở 10 bang trên khắp Hoa Kỳ từ ngày 17 tháng 1 năm 2021 đến ngày 12 tháng 7 năm 2022. Dữ liệu bao gồm các giai đoạn của Omicron, bao gồm cả các biến thể phụ BA.4 và BA.5.

“Nếu đã bốn tháng hoặc lâu hơn kể từ lần tăng cường mũi phòng Covid cuối cùng của bạn, hoặc nếu bạn đã tiêm hai mũi đầu tiên và chưa bao giờ tiêm mũi tăng cường, nên cân nhắc kỹ một loại thuốc tăng cường thế hệ thứ hai, nhằm vào các chủng tổ tiên của vi-rút Covid cộng với các biến thể phụ Omicron BA .4 và BA.5”, đồng tác giả nghiên cứu Shaun Grannis, MD, MS, Phó Chủ tịch Viện Dữ liệu và Phân tích Regenstrief cho biết.

“Bằng chứng cho thấy mũi tăng cường có thể giữ cho bạn khỏe mạnh và kết hợp thuốc tăng cường Covid với tiêm phòng cúm hàng năm sẽ giúp vượt qua mùa bệnh đường hô hấp”, bác sĩ Grannis cũng là giáo sư y học gia đình của Trường Y IU, nói.

Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng điểm mạnh của nghiên cứu mới của họ bao gồm “số lượng và sự đa dạng của các vị trí và bao gồm các kết quả có mức độ nghiêm trọng khác nhau cũng như kích thước mẫu đủ lớn để phát hiện sự giảm dần về khả năng bảo vệ của vắc-xin”. Các trường hợp được so sánh với các đối chứng được thử nghiệm trong cùng một tuần ở cùng một khu vực địa lý, cho phép các nhà nghiên cứu phân biệt sự khác biệt về hiệu quả của vắc-xin do sự suy giảm khả năng miễn dịch do vắc-xin gây ra, với những khác biệt do sự lên xuống của các biến thể.

Liệu Việt Nam sẽ nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 thế hệ hai để ngừa Omicron?

Số liệu thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy hiện cả nước đang có 9.160 người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, 13 người đang điều trị tại khu cách ly, 2.136 người đang điều trị tại bệnh viện (trong đó có 43 bệnh nhân thở máy xâm lấn, 4 bệnh nhân phải lọc máu, 4 bệnh nhân dùng ECMO).

Riêng tại TP.HCM, trong buổi họp giao ban ngày 3-10, ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cũng cho hay số ca mắc Covid-19 mới những ngày gần đây tại TP.HCM đã giảm nhiều.

“Từ tháng 9-2022, WHO nhận định lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 thấp hơn so với tháng 1 và tháng 2-2020, dịch đã gần kiểm soát được. Số ca nhiễm thấp đồng nghĩa với việc xuất hiện biến chủng mới rất thấp, chỉ 1-2%” – PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, đưa ra những con số mang tính thống kê, qua đó cho thấy không nhiều khả năng Việt Nam sẽ chọn mua vắc-xin phòng Covid-19 thế hệ mới.

Lạc quan hơn, theo ông Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nên chuyển dịch bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

“Ca mắc Covid-19 đã giữ mức ổn định, tỷ lệ tiêm vắc-xin, miễn dịch trong cộng đồng hiện giờ rất cao. Bản thân mỗi cá nhân cũng đã biết cách phòng bệnh, ứng xử với dịch tốt, không còn hoảng loạn như trước. Điều này cho thấy mối đe dọa của dịch bệnh không còn lớn. Thay vào đó chúng ta nên ưu tiên phòng chống bệnh sốt xuất huyết, dịch do vi rút adeno, dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ”, ông Nga nói.

Tin tức cho biết TP.HCM đã có ca nhiễm đậu mùa khỉ từ một bệnh nhân nữ 35 tuổi đi từ Dubai về. Ngày 25-9, cả 2 mẫu xét nghiệm PCR làm tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả dương tính, bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Bệnh nhiệt đới để tiếp tục cách ly, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế và lấy mẫu giải trình tự gen.

Kết quả định danh dựa vào trình tự gen xác định bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.

Sau 12 ngày điều trị, hiện nữ bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành.

______________

Chú thích:

(*) https://medicalxpress.com/news/2022-10-large-mrna-boosters-covid-wane.html


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Lựa hàng cận date mua cho rẻ, về gia hạn thêm rồi lụi cho dân đen!