Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam sẽ kiên định chống dịch theo định hướng XHCN?

Nguyễn Thị Sen

 

(VNTB) – Với ba đợt chống dịch duy ý chí thành công, trong đợt dịch lần thứ 4 này rõ ràng duy ý chí và định hướng xã hội chủ nghĩa đã không thể đồng hành cùng tư duy chống dịch.

 

Lối chống dịch truy lùng từ F0 cho đến F4, cách ly tập trung, phong toả cục bộ bất kỳ nơi nào có F0 xuất hiện đã từng phát huy hiệu quả trong năm 2020 và đầu năm 2021. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục duy trì sản xuất để đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế, thành quả cho đến cuối tháng Tư vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới cho là hình mẫu chống dịch. Tuy nhiên hình mẫu ấy lại lộ ra nhiều bất cập khi số lượng người bị lây nhiễm tăng cao và tăng nhanh mỗi ngày ở các tỉnh phía Nam mà bắt đầu từ Sài Gòn.

Ông Bí thư thành uỷ đã tuyên bố cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia để chống dịch khi đang chới với trong làn sóng COVID lần thứ tư với biến thể Delta nguy hiểm. Người nghe ắt có cảm giác rằng, quan chức Việt Nam chống dịch hồi nào đến giờ không hề tham khảo ý kiến chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, dịch tễ, bệnh truyền nhiễm, vi trùng học …

Chống dịch bằng khẩu hiệu hiếu chiến không thể chế ngự được con virus lây truyền qua không khí. Đảng không thể ra mệnh lệnh cho virus ngừng lan truyền để đạt được mục tiêu “ thi đua giảm F0”. Virus cũng chẳng phài là kẻ thù hữu hình để mà người dân với đại đa số sinh ra trong thời bình có ý tưởng chống dịch như chống giặc là gì. Thậm chí ngay cả 4 vị tứ trụ cũng chưa có một ngày cầm súng để hiểu chống giặc thì cũng chỉ có thể chống giặc bằng mồm.

Những chuyên gia như bác sỹ Phạm Ngọc Thắng hay Phan Xuân Trung gần đây đã đưa ra lời đề nghị ngưng cách ly tập trung tất cả các loại F, trừ trường hợp F0 nặng để giảm tải cho y tế cũng như giành nguồn lực chữa trị cho bệnh nhân nặng và các bệnh nhân thông thường khác. Chính phủ Việt Nam chỉ mới bước đầu thí điểm cho cách ly tại nhà trong khi đã có kịch bản cho 100.000 ca bệnh thì lại có chuyên gia rất thức thời nịnh nọt đã gợi ý sử dụng xuyên tâm liên để trị Covid.

Sử dụng xuyên tâm liên có vẻ như rất trúng ý của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi ông gợi ý bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung, ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị COVID. Xuyên tâm liên của một thời đói khổ thiếu thốn tưởng như đã tuyệt chủng khi đời sống người dân khá lên, thiếu thốn lương thực thuốc men không còn nữa lại được hồi sinh.

Chính phủ có chịu nghe ý kiến chuyên gia ra sao?

Báo chí, nghiên cứu về hiệu quả vắc xin Trung Quốc đã có với những tấm gương từ Peru, Brazil, Thái Lan, Indonesia những Bộ y tế vẫn cấp phép cho Sapharco mua 5 triệu liều vắc xin của Sinopharm. Cũng loại vắc xin này đã được tiêm hơn 30.000 liều cho người dân ở Móng Cái trong số 500.000 liều vắc xin do Trung Quốc “trao tặng”. Một phần được mang vô Sài Gòn ưu tiên chích cho người Trung Quốc còn dư lại sẽ tiêm cho một số người. Ai sẽ là nhóm nhỏ được tiêm loại vắc xin này? Và còn 5 triệu liều tiếp theo sẽ được nhập về để tiêm cho ai? Chính phủ lại dám sử dụng mạng người dân để làm chuột bạch cho một loại vắc xin không mấy quốc gia tiên tiến nào tin tưởng?

Chính phủ đã đồng ý cho tập đoàn T&T đặt mua 40 triệu liều Sputnik V của Nga sau khi được tặng 1.000 liều vắc xin này hồi tháng 3. Trong một cuộc thảo luận với các chuyên gia từ Mỹ, Thuỵ sĩ, Úc về dịch bệnh diễn ra vào ngày ngày 17 /7/2021 Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ đã bị bằng gáo nước lạnh vào sáng sớm khi bị loại khỏi cuộc chơi mà không được báo một tiếng chỉ vì đã phản biện việc sử dụng vắc xin của Nga.

Theo Tiến sĩ Vũ vắc xin Nga không đáng tin vì số liệu thô không được tiếp cận, số liệu được tiếp cận lại không đầy đủ, có sai sót mà phía Nga cho là lỗi đánh máy và hơn hết là các tổ chức WHO, FDA, EMA vẫn không đưa loại vắc xin này vào danh sách khẩn cấp dù đang trong tình trạng thiếu hụt vắc xin. Lời nói thẳng không dịu tai của một chuyên gia đã không có cơ hội được lắng nghe dù đó là buổi toạ đàm của Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam – AVSE (Association of Vietnamese Scientists and Experts). Tiến sĩ Vũ cũng đã có khuyến cáo về vắc xin của Trung Quốc trước đây.

Cũng mới đây thôi, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, Vũ Thành Tự Anh đã góp ý cho chính phủ nên chấp nhận tổn thương kinh tế ngắn hạn để rộng đường ra quyết định chống dịch. Trong bài phỏng vấn với vnExpress, ông cho rằng đã tới lúc chính phủ nên xem xét phươn án tuyên tình trạng khẩn cấp để tránh cho “hệ thống y tế của nhiều tỉnh thành sẽ nhanh chóng quá tải, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.”

Ý kiến này của chuyên gia có lẽ sẽ không được chấp nhận vì ông đã chỉ ra các điểm không êm tai: số ca nhiễm hàng ngày của Việt Nam giờ nằm trong top 25 trên thế giới, tình trạng cục bộ ở các địa phương, thiếu khuôn khổ chính sách đồng bộ và nhất quán từ Trung ương và nhiều hệ luỵ về kinh- tế xã hội từ đó. Ý kiến xác đáng nhưng bài phỏng vấn của ông đã bị gỡ xuống.

Giờ Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh lại kêu gọi chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào chia sẻ những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, hiến kế đồng thời góp quỹ cho thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Là một người Việt hải ngoại tôi xin hiến kế đơn giản: nghe lời khuyên của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ và  Vũ Thành Tự Anh, của bác sĩ Phạm Ngọc  Thắng và  Phan Xuân Trung.

Học bài học kinh nghiệm xương máu của các quốc gia Âu Mỹ.

Hãy từ bỏ tư duy chống dịch xã hội chủ nghĩa, đừng chống dịch bằng khẩu hiệu nữa! Đơn giản thế là được rồi!


Tin bài liên quan:

VNTB – Sốc phản vệ sau khi chích vắc xin Covid-19

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Vương miện máu’ dành riêng cho Tập Chủ tịch

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhìn lại để thấm thía nỗi đau khi không được quyền chọn lá phiếu bầu ‘đầy tớ’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo