Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam trị hay loạn?

 

Hoàng Lan Mộc Châu

 

(VNTB) – Tiêu chuẩn để được xem là (thịnh) Trị thì không đủ, mà (rối) Loạn thì Việt Nam có thừa.

 

Tình trạng một quốc gia, lúc nào, thế nào là trị, lúc nào thế nào là loạn được đánh giá thông qua nhiều góc cạnh như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, và quốc phòng. 

Quốc gia được xem là trị khi có một nền chính trị ổn định với sự đồng thuận của dân chúng và chính quyền. Về kinh tế có sự phát triển, tăng trưởng ổn định, người dân có mức sống tương đối không khổ. Dân được sống trong một xã hội an ninh tốt, được cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục đạt tiêu chuẩn, chênh lệch khoảng cách xã hội không quá xa.

Một quốc gia thịnh trị cũng không thể thiếu sư bảo tồn và thúc đẩy giá trị văn hóa, sự tôn trọng đa dạng văn hóa của cả chính quyền lẫn dân chúng. Đặc biệt cần an ninh quốc gia, có quốc phòng mạnh mẽ có thể phản công bất cứ mối đe dọa đáng kể từ bên ngoài.

Ngược lại, một quốc gia có xung đột, bất ổn chính trị, bất đồng quan điểm lớn, hay các vấn đề liên quan đến quản lý chính trị, suy thoái kinh tế, thất nghiệp cao, nghèo đói, không ổn định tài chính, bất công xã hội, mất hay suy đồi văn hóa, xung đột văn hóa, không tôn trọng đa dạng, xung đột quốc tế, quốc phòng yếu đuối, nguy cơ xâm lược, quốc gia đó đang ở trong trạng thái loạn.

Xét như thế, tiêu chuẩn để Việt Nam được xem là (thịnh) Trị thì không đủ, mà (rối) Loạn thì Việt Nam có thừa.

Mặc dù Việt Nam hiện dưới sự cai trị của một đảng mạnh, đủ sức trấn áp bằng vũ lực những “thế lực thù địch” nhưng  đảng luôn trong thế bất an. Những cuộc biểu tình, dù ôn hòa hay bạo động, nổi dậy có thể bùng nổ bất cứ lúc nào khiến chính phủ luôn trong tình trạng nghi ngờ, sợ hãi người dân. Họ phải tăng cường ngày càng dày đặc hơn mạng lưới an ninh trấn áp. Quyền được biểu tình ghi trong hiến pháp không biết đến bao giờ mới được công nhận. 

Chính trị đa đảng là một phần của “trị”, thể hiện sự đa dạng ý kiến, quan điểm, và lựa chọn của dân chúng, dẫn đến hòa bình, an ninh, mang lại sự đa dạng phong phú ý kiến và quan điểm trên nhiều vấn đề khác nhau. Điều này cho phép cử tri có nhiều lựa chọn và thể hiện độ đa dạng trong xã hội. 

Hệ thống chính trị đa đảng có thể giúp kiểm soát quyền lực bằng cách phân chia chức năng và trách nhiệm giữa các đảng chính trị, tránh được độc quyền thao túng quyền lực gây bất an. Sự kiểm soát từ nhiều phía có thể giảm nguy cơ lạm dụng quyền lực, từ đó có thể giúp duy trì tính ổn định chính trị bằng cách tạo ra sự đối lập và kiểm soát giữa các đảng, ngăn chặn sự tập trung quyền lực vào một đảng.

Chính trị đa đảng thường được xem là phản ánh của hệ thống dân chủ, nơi quyền lực xuất phát từ ý chí của nhân dân. Việc có nhiều đảng cung cấp sự chọn lựa cho người dân và thúc đẩy tính dân chủ trong mọi quyết định chính trị, dẫn đến việc tạo ra một môi trường cạnh tranh chính trị lành mạnh, khuyến khích các đảng để giành được sự ủng hộ của cử tri. Để trở thành đảng lãnh đạo, đảng phải đề xuất và cạnh tranh thực hiện chính sách tốt nhất cho dân chúng.

Tại Việt Nam, tình trạng đánh nhau ngầm, phe phái đối địch, hạ bệ nhau là một dạng của tình trạng loạn lạc, tạo ra một môi trường bất ổn trong xã hội. Thêm nữa, các phe phái tranh ăn trong đảng và chính phủ đưa nhau ra tòa không làm dân chúng tin tưởng hơn vào chế độ. Các phiên tòa xử các quan chức giống như các vở hài kịch.

Chiến tranh ngầm giữa các nhóm lợi ích trong đảng và môi trường chính trị không ổn định không những ảnh hưởng đến quyết định chính trị và quản lý  quốc gia mà còn làm suy yếu sức mạnh của đảng. Nguy cơ bị xâm lược từ bên ngoài, cụ thể là Trung Cộng sớm muộn cũng thành sự thật.

Tình trạng các quan chức địa phương các cấp bị đưa ra tòa cho thấy sự phóng túng, xem thường đảng, nhà nước miễn sao được vinh thân phì da. Các phe cánh trong đảng tạo ra một môi trường đối địch và lôi cuốn sự đối lập trong cộng đồng cho thấy sự lãnh đạo yếu kém của trung ương. Cả hai tình huống đó đều có góp phần làm tăng nguy cơ loạn lạc trong xã hội. 

Lãnh đạo chóp bu từ trung ương đến địa phương sử dụng quyền lực một cách lạm dụng để tận hưởng lợi ích cá nhân đã tạo ra sự bất bình đẳng và sự không hài lòng trong xã hội. Nếu người dân cảm thấy họ không được đối xử công bằng, có thể tăng nguy cơ xung đột và phản kháng.

Một giai cấp mới đáng chú ý nổi lên trong xã hội Việt Nam là những đại gia đang nắm trong tay hàng tỷ tỷ đồng và khao khát lọt vào chính trường. Có những kẻ là đảng viên, có những kẻ không là đảng viên nuôi mộng buôn vua của bọn Lã Bất Vi. Vụ Vạn Thịnh  Phát, Việt Á là ví du. Nạn quan bán chức không đâu không có, không chức vụ nào không thể mua được (1)

Quan chức, nhất là quan chức địa phương như những sứ quân, lãnh chúa phong kiến không bị  kiểm soát và giám sát dẫn đến thất thoát nguồn lực, tham nhũng, và thiếu trách nhiệm, làm tăng bất ổn và thiếu tin tưởng từ nhân dân, tăng sự không ổn định chính trị quốc gia. 

Cả hai tình trạng đều có thể làm mất lòng tin từ cộng đồng và tạo ra sự phân biệt đối xử làm gia tăng sự không ổn định và loạn lạc, có thể dẫn đến các cuộc biểu tình, đình công, hay thậm chí là những vụ xung đột bạo lực. 

Chế độ tại Việt Nam hiện nay được xây dựng trên sự giả dối. Mặc cảm thoát thai từ “giai cấp bần cố nông vô học”, điều đảng viên từ trước xem là vinh dự, nay trở nên nỗi xấu hổ khiến họ ham học vị. Đảng yêu cầu đảng viên phải có bằng cấp cao nhưng học vị không phải một sớm một chiều có được. Chức quyền còn mua được, thì bằng cấp giả mua dễ như trở bàn tay(2). 

Các tiến sĩ dỏm trong chính quyền, trong đảng nhiều vô kể. Nhiều đảng viên sử dụng bằng giả lọt vào hệ thống công quyền hoặc trường học đã gây ra nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội. Quan chức sử dụng bằng giả làm mất lòng tin của người dân vào hệ thống giáo dục và công quyền. Điều này có thể tạo ra sự không ổn định và sự phản đối đối với các cơ quan chính phủ và tổ chức giáo dục. 

Việc sử dụng bằng giả tạo ra sự thiếu minh bạch và công bằng trong quá trình tuyển chọn và quản lý nguồn nhân lực. Người có bằng giả có thể không đáp ứng đúng với yêu cầu công việc, làm giảm chất lượng và hiệu suất làm việc. Những người sử dụng bằng giả luôn là những kẻ giả dối, tham lam, và chắc chắn sẽ dùng đủ mọi cách chiếm lấy nguồn lực và cơ hội mà họ không đáng được hưởng. Điều đó làm cho những người có thực lực mất đi cơ hội đáng được có, làm giảm chất lượng và độ tin cậy của nguồn nhân lực. 

Việc sử dụng bằng giả phổ biến như hiện nay và không có biện pháp kiểm soát hiệu quả góp phần tạo ra tình trạng loạn lạc trong xã hội,

Việt Nam đang trải qua thời kỳ bất ổn, rối loạn. Đối diện với những thách thức như kể trên, Việt Nam cần các biện pháp để xây dựng hòa bình, ổn định và sự công bằng trong hệ thống xã hội và chính trị. Duy trì sự ổn định và phát triển, quản lý quyền lực và xây dựng một hệ thống quản lý công bằng và minh bạch là rất quan trọng. 

Hơn thế nữa, dân chúng phải có quyền được tiếp cận thông tin đa dạng và phản biện để có khả năng đánh giá thông tin một cách độc lập. Việt Nam cần có hệ thống truyền thông độc lập và minh bạch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự chính xác và đúng đắn của thông tin, tăng cường minh bạch, và xây dựng các cơ chế kiểm soát có thể giúp giảm thiểu rủi ro của sự tham nhũng và hối lộ.

__________________

Tham khảo:

(1) https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/canh-bao-tinh-trang-mua-ban-chay-chuc-chay-quyen-bai-1-can-bo-kim-tien-moi-nguy-hai-de-doa-su-ton-vong-cua-che-do-735845

(2) https://tuoitre.vn/cap-hang-tram-bang-gia-cuu-hieu-truong-truong-dh-dong-do-lanh-12-nam-tu-20211224141731255.htm

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-minister-of-public-security-admitted-many-officers-used-fake-diplomas-how-remove-dt-11102020124537.html

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dong-do-uni-sell-fake-degree-08072019144010.html


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bốn cô đánh đổ chế độ!

Do Van Tien

VNTB – Trại Súc Vật: Nơi lũ lợn làm lãnh đạo ( bài 1)

Do Van Tien

VNTB – Hồ sơ ngăn cấm giảng đạo Tin Lành của UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo