VNTB – Việt Nam vẫn đang hoàn chỉnh nhà nước pháp quyền?

VNTB – Việt Nam vẫn đang hoàn chỉnh nhà nước pháp quyền?

Phú Nhuận

(VNTB) – Người có chức quyền thiếu ý thức tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của con người và ngay cả người dân cũng ít có ý thức về quyền con người.

 

Cái khó ở đây là hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam – tiếp cận từ góc độ thiết chế chính trị – pháp luật ra sao vẫn cần được làm rõ.

Vì chưa có hình mẫu nên phải đi tìm?

Tin tức cho biết, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 – và ông Phan Đình Trạc – trưởng Ban Nội chính Trung ương, phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo – đã làm việc với các thành viên Tổ biên tập, chuyên gia, nhà khoa học về báo cáo tập hợp. Đây là cơ sở để triển khai soạn thảo dự thảo lần 1 của đề án.

Đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án, trực tiếp là Tổ biên tập đã tập hợp, xử lý hơn 4.000 trang tài liệu từ 27 chuyên đề nhánh, các tham luận tại 3 hội thảo quốc gia và kết luận của Chủ tịch nước, trưởng Ban Chỉ đạo. Tổ biên tập cũng đã tiếp thu ý kiến góp ý của một số thành viên Ban Chỉ đạo để chỉnh sửa lần 2 đề cương chi tiết.

Trên cơ sở bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và theo đề cương chi tiết, Tổ biên tập đã xây dựng dự thảo báo cáo tập hợp của đề án dài hơn 200 trang.

Trong đó, nêu rõ những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng, Nhà nước, quá trình hình thành, đánh giá thực trạng, cùng các nguyên tắc, mục tiêu, những đổi mới, đột phá và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Tám năm trước, ngày 4-11-2014 tại Đà Lạt có một hội thảo về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Không rõ lần này cái gọi là “dự thảo lần 1 của đề án” có liên quan gì tới nội dung của 8 năm trước tại Đà Lạt với Đảng Cộng sản Trung Quốc? Tuy nhiên đáng lo nhất ở đây là phải chăng đến nay thể chế chính trị ở Việt Nam vẫn loay hoay trên con đường đang tìm kiếm của cái gọi là “hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” – tức hồi chung cuộc về nhà nước pháp quyền chỉ ngã ngũ vào mốc 2045 (?!).

Nếu tính từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930, thì sẽ khó tính rằng ngần ấy năm mà Việt Nam vẫn đang giai đoạn lý thuyết “Nhà nước pháp quyền”, với việc soạn thảo dự thảo lần 1 của đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Phải chăng đang hoài nghi Tư tưởng Hồ Chí Minh?

Trong những khóa bồi dưỡng chính trị định kỳ, các đảng viên vẫn thường được nhắc nhở rằng từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của pháp luật trong điều hành và quản lý xã hội.

Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam, người khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu 4 điều liên quan đến pháp quyền. Tư tưởng pháp quyền này đã xuyên suốt tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ…

Và dạng thức kiểu câu tương tự như sau thường bắt gặp ở hầu hết các tài liệu tuyên truyền trên báo chí nhà nước: Thực tiễn đổi mới trong những năm qua đã khẳng định yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng như một xu thế tất yếu, khách quan, mang tính quy luật của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Bản chất này của nhà nước tiếp tục được khẳng định trong các Cương lĩnh, các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đổi mới, được thể chế hoá rõ trong Hiến pháp 2013.

Có lẽ vấn đề cốt lõi ở đây là yếu tố “xã hội chủ nghĩa” gắn với nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang đeo đuổi như một sự khác biệt hẵn so với cách hiểu quen thuộc của thế giới về “nhà nước pháp quyền”.

Bởi nếu không đeo đuổi định hướng “xã hội chủ nghĩa” thì xem chừng mọi chuyện khá đơn giản khi năm 2004, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã từng nêu rõ những nội hàm chính của Nhà nước pháp quyền như sau (tham khảo: https://digitallibrary.un.org/record/527647):

“Nhà nước pháp quyền là quan điểm cốt lõi trong sứ mệnh của Liên hợp quốc. Đó là quan điểm về một cách tổ chức quản trị, theo đó mọi người, mọi định chế, tổ chức – công cũng như tư, trong đó có Nhà nước – phải phục tùng pháp luật. Đến lượt nó, pháp luật cần được công bố công khai, được thực thi một cách bình đẳng đối với mọi người, được áp dụng bởi Toà án độc lập, pháp luật đó phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các quy chuẩn quyền con người. Nhà nước pháp quyền cũng đồng thời đòi hỏi bảo đảm thực thi các nguyên tắc ưu tiên về quyền, bình đẳng và trách nhiệm trước pháp luật, các nguyên tắc về phân quyền, về sự tham gia của người dân và sự minh bạch trong hoạch định chính sách và trong các thủ tục pháp lý”.

Như vậy khoan bàn về định hướng “xã hội chủ nghĩa”, chỉ tính riêng cách hiểu về “nhà nước pháp quyền”, lâu nay ở Việt Nam có những điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội khó khăn đã nuôi dưỡng quan niệm coi trọng lợi ích của cộng đồng to hơn lợi ích cá nhân con người, nên ở đó có không nhiều những cơ chế pháp lý hữu hiệu và ổn định để bảo vệ quyền con người. Từ đó dẫn đến việc người có chức quyền thiếu ý thức tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của con người và ngay cả người dân cũng ít có ý thức về quyền.

Lẽ đó nên thực tiễn thực thi pháp luật ở Việt Nam nhất là trong lĩnh vực công vụ và tư pháp, đã cho thấy rằng pháp luật vẫn chưa thể song hành với các yếu tố giá trị khác trong xã hội như đạo đức, sự liêm chính, tài năng và sự tận tụy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Phương Thảo 2 years

    Khi nào Đảng csVN còn cai trị đất nước và dân tộc VN thì chẳng bao giờ VN xây dựng được một nhà nước pháp quyền thực sự. Bởi vì Đảng csVN được sinh ra và lớn lên từ dối trá và bạo lực, đảng viên csVN các cấp thì háo danh – tham quyền nên sa đọa vào việc mua danh – bán chức – tham nhũng tràn lan. Những yếu tố thuộc về bản chất vừa nêu của Đảng và đảng viên csVN khiến chúng kết thành những bè nhóm lợi ích để cùng nhau thu lợi bất chính và cũng là để che chắn – bảo vệ nhau trong các hành vi phạm pháp.
    Khi nào Đảng csVN còn cai trị đất nước và dân tộc VN thì chẳng bao giờ VN xây dựng được một nhà nước pháp quyền thực sự, vì sự minh bạch và công bằng cần có trong luật pháp không được Đảng và đảng viên csVN tôn trọng.
    Nguyễn Phú Trọng cùng bè đảng csVN nói về việc xây dựng nhà nước pháp quyền chỉ là để mỵ dân mà thôi. Đúng là thứ gian xảo: nói một đàng – làm một nẽo!